Phiên họp lần thứ ba của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số
Sáng 8/8, tại trụ sở Chính phủ (Thủ đô Hà Nội), Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số tổ chức phiên họp trực tuyến lần thứ ba kết nối tới trụ sở các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, nhằm đánh giá tình hình thực hiện chuyển đổi số 6 tháng đầu năm và xác định phương hướng, giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm chuyển đổi số trong thời gian tới. Tham dự phiên họp có các thành viên của Ủy ban. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính- Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số chủ trì phiên họp.
Dự tại điểm cầu tỉnh Kon Tum có các đồng chí: Lê Ngọc Tuấn- Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh; Y Ngọc- Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; các thành viên Ban Chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh và Tổ giúp việc Ban Chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh. Trong 6 tháng đầu năm nay, tốc độ truy cập mạng băng rộng cố định đạt 71,79 Mbps, tăng 32,7% và tốc độ truy cập mạng băng rộng di động đạt 35,29 Mbps, tăng 4,7% so với cùng kỳ năm 2021. Các doanh nghiệp viễn thông di động đã triển khai phủ sóng được 477/832 thôn lõm sóng viễn thông. Bàn giao cho các tỉnh 457.249 máy tính trong Chương trình “Sóng và máy tính cho em”. Số thuê bao di động sử dụng dịch vụ Mobile Money tăng 4 lần so với tháng 1/2022. Có 35/35 nền tảng số quốc gia đã hoàn thành phát triển, công bố và đưa vào sử dụng. Có 63/63 địa phương đã được giao nhiệm vụ triển khai sử dụng tối thiểu 1 nền tảng số. Có 43/63 địa phương đã công bố lực chọn nền tảng số triển khai năm 2022 lồng ghép trong kế hoạch chuyển đổi số. Có 8/63 địa phương đã công bố lựa chọn nền tảng số triển khai năm 2022 bằng một văn bản riêng của UBND tỉnh, thành phố. Bộ Thông tin và Truyền thông đã phối hợp với các bộ, ngành chỉ đạo phát triển, đánh giá và công bố 50 nền tảng số (trong đó, 18 nền tảng phục vụ Chính phủ số, 16 nền tảng phục vụ Kinh tế số và 16 nền tảng phục vụ Xã hội số). Doanh thu an toàn thông tin mạng đạt 1.418 tỷ đồng, tăng 48,8% so với cùng kỳ năm 2021. Tỷ lệ nhóm sản phẩm, dịch vụ an toàn thông tin mạng của Việt Nam so với 22 nhóm sản phẩm hệ sinh thái an toàn thông tin mạng đạt 95,5%... Đối với phát triển cơ sở dữ liệu quốc gia (CSDL) về Bảo hiểm quản lý thông tin của 27 triệu hộ gia đình tham gia bảo hiểm y tế. CSDL hộ tịch điện tử toàn quốc có khoảng 28 triệu dữ liệu đăng ký khai sinh (trong đó, trên 7 triệu trẻ em được cấp Số định danh cá nhân theo quy định; trên 6 triệu dữ liệu đăng ký kết hôn; trên 4 triệu dữ liệu đăng ký khai tử). CSDL quốc gia về Đăng ký doanh nghiệp chứa thông tin đăng ký doanh nghiệp theo thời gian thực của hơn 1 triệu doanh nghiệp và đơn vị trực thuộc. Tỷ lệ số hóa hồ sơ đăng ký doanh nghiệp đạt 100%. Tỷ lệ dịch vụ công đủ kiều kiện được cung cấp trực tuyến mức độ 4 là 97,3%. Tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến phát sinh hồ sơ là 45,7%, gấp 1,6 lần so với cùng kỳ năm 2021. Tỷ lệ hồ sơ xử lý trực tuyến là 36,9%, tăng khoảng 10% so với cùng kỳ năm 2021. Một số dịch vụ công trực tuyến phát huy hiệu quả rõ rệt phục vụ người dân, tiêu biểu như: Dịch vụ đăng ký dự thi tốt nghiệp trung học phổ thông; dịch vụ đăng ký, cấp biển số mô tô, xe gắn máy; dịch vụ cấp hộ chiếu phổ thông. Tỷ trọng giá trị tăng thêm của Kinh tế số trong GDP ước tính là 10,41%. Số lượng doanh nghiệp Công nghệ số ước đạt 67.300 doanh nghiệp, tăng gần 3.500 doanh nghiệp so với tháng 12/2021, đạt tỷ lệ 0,69 doanh nghiệp trên 1.000 dân. Tỷ lệ doanh nghiệp nộp thuế điện tử đạt 99%, tỷ lệ doanh nghiệp đang hoạt động sử dụng hoá đơn điện tử là 100%... Phát biểu tại phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá, trong thời gian qua, nhận thức trong chuyển đổi số đã có sự chuyển biến rõ rệt từ các bộ, ngành cho đến người dân. Đồng thời nhấn mạnh, trong thời gian tới, công tác chuyển đổi số cần gắn với kinh tế động lực tự chủ và sự đổi mới liên tục các tiện ích cho người dân, doanh nghiệp trên môi trường số. Bên cạnh đó, cần huy động các nguồn lực tham gia chuyển đổi số; tuyên truyền, vận động, hướng dẫn và đào tạo nguồn nhân lực chuyển đổi số; phát huy tinh thần đoàn kết, chia sẻ thông tin và sự phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương trong quá trình thực hiện. Đặc biệt, nói đi đôi với làm, không hình thức, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa người dân và doanh nghiệp, làm sao cho người dân được thụ hưởng các dịch vụ thiết kế theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hành được giao.