Sau khi tiếp thu ý kiến của các vị Đại biểu Quốc hội (ĐBQH), nhiều vấn đề lớn của Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) đã được tiếp thu, chỉnh lý cho phù hợp với tiến trình phát triển, hội nhập của đất nước.
Chính sách của Nhà nước về bảo vệ môi trường
Tiếp thu ý kiến của các vị ĐBQH, các chính sách cơ bản về BVMT đã được thể hiện tại Điều 5 của Dự thảo Luật.
Trong đó, về chính sách khuyến khích doanh nghiệp tham gia BVMT, Dự thảo Luật đã có quy định các hoạt động đầu tư kinh doanh về BVMT được ưu đãi, hỗ trợ như tại Điều 142 nhằm khuyến khích dự án đầu tư thuộc ngành nghề thu gom, xử lý, tái chế hoặc tái sử dụng chất thải; thúc đẩy doanh nghiệp sản xuất, xử lý chất thải kết hợp thu hồi năng lượng, kinh doanh dịch vụ, sản phẩm thân thiện môi trường…; quy định về cơ sở, sản phẩm, dịch vụ thân thiện môi trường (Điều 146) và mua sắm các sản phẩm, dịch vụ thân thiện môi trường (Điều 147).
Để chủ động kiểm soát và giảm thiểu nguy cơ gây ô nhiễm môi trường từ các dự án đầu tư đáp ứng yêu cầu phát triển KT-XH bền vững, Dự thảo Luật đã bổ sung 02 nội dung chính sách về sàng lọc dự án đầu tư dựa trên các tiêu chí về môi trường; lồng ghép và thúc đẩy các mô hình kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế các-bon thấp trong việc xây dựng và thực hiện chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, đề án, dự án như tại khoản 10 và khoản 11 Điều 5.
Bảo vệ môi trường nước, đất, không khí
Để thực hiện các biện pháp ứng phó với tình trạng ô nhiễm tại các đô thị lớn, Dự thảo Luật đã có quy định để bảo đảm tính đồng bộ, liên kết giữa kế hoạch quản lý chất lượng môi trường nước mặt, chất lượng môi trường không khí với quy hoạch BVMT; đồng thời quy định rõ trách nhiệm của Ủy ban nhân dân (UBND) cấp tỉnh xây dựng, phê duyệt và tổ chức thực hiện kế hoạch quản lý chất lượng môi trường không khí; đánh giá, theo dõi chất lượng môi trường không khí và công khai thông tin; cảnh báo cho cộng đồng và triển khai các biện pháp xử lý trong trường hợp chất lượng môi trường không khí bị ô nhiễm; tổ chức thực hiện biện pháp khi chất lượng môi trường không khí bị ô nhiễm nghiêm trọng như tại các Điều 9, 13 và 14.
Về phân bổ hạn ngạch xả nước thải vào môi trường nước mặt, Nội dung này là phù hợp với mục tiêu sử dụng nước đã được Luật BVMT 2014 quy định tại Điều 53, 54 và 55. Bộ TN&MT và UBND cấp tỉnh có trách nhiệm kiểm soát các nguồn nước thải vào lưu vực sông, đề nghị Quốc hội cho phép tiếp tục quy định nội dung này trong Luật BVMT.
Quy hoạch bảo vệ môi trường
Ủy ban thường vụ Quốc hội đã chỉnh lý quy định về lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch BVMT như tại Điều 23, Điều 25 để thống nhất với Luật Quy hoạch và bảo đảm mục tiêu BVMT. Đồng thời xin tiếp thu không quy định nội dung quy hoạch BVMT trong Luật này mà thực hiện theo Luật Quy hoạch.
Về lộ trình di dời các cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ gây ô nhiễm môi trường, không phù hợp với quy hoạch, Dự thảo Luật giao Chính phủ quy định chi tiết nguyên tắc, tiêu chí xác định vùng bảo vệ nghiêm ngặt, vùng hạn chế phát thải phù hợp với mục tiêu quản lý chất lượng môi trường; định hướng đầu tư phát triển trong các vùng này; quy định lộ trình di dời cơ sở sản xuất, kinh doanh không phù hợp với mục tiêu quản lý chất lượng môi trường tại Điều 25 để bảo đảm sự linh hoạt, phù hợp với điều kiện thực tiễn của từng địa phương và yêu cầu BVMT trong từng thời kỳ phát triển.
Quản lý chất thải
Về quản lý chất thải rắn sinh hoạt phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân: Tiếp thu ý kiến của các vị ĐBQH, Dự thảo Luật đã chỉnh lý quy định về phân loại chất thải rắn sinh hoạt thành 3 loại cơ bản và căn cứ điều kiện KT-XH của từng địa phương, UBND cấp tỉnh quyết định việc phân loại cụ thể chất thải rắn sinh hoạt khác như tại Điều 76; quy định chi tiết về quản lý chất thải rắn sinh hoạt của hộ gia đình, cá nhân; quy định giá tối đa đối với dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt; mức chi trả của hộ gia đình, cá nhân cho công tác thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt dựa trên lượng, loại chất thải phát sinh. Về lộ trình thực hiện chậm nhất trước ngày 31/12/2024 như tại khoản 9 Điều 80 Dự thảo Luật.
Về quản lý chất thải rắn công nghiệp thông thường: Tiếp thu ý kiến ĐBQH, Dự thảo Luật đã quy định chất thải rắn công nghiệp thông thường được phân loại thành 03 nhóm: (1) Nhóm chất thải rắn công nghiệp thông thường được tái sử dụng, tái chế làm nguyên liệu sản xuất; (2) Nhóm chất thải rắn đáp ứng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật được sử dụng trong sản xuất vật liệu xây dựng và san lấp mặt bằng; (3) Nhóm chất thải rắn công nghiệp thông thường phải xử lý như tại khoản 1 Điều 82. Đối với tro, xỉ từ các nhà máy nhiệt điện phải được phân định, phân loại để quản lý phù hợp, đảm bảo các yêu cầu về hợp chuẩn, hợp quy làm nguyên liệu sản xuất thì được quản lý như đối với sản phẩm, hàng hóa; đáp ứng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật thì được sử dụng trong sản xuất vật liệu xây dựng và san lấp mặt bằng.
Quản lý chất thải nguy hại: Tiếp thu ý kiến ĐBQH, Dự thảo Luật đã giao Bộ trưởng Bộ TN&MT ban hành hướng dẫn kỹ thuật và mẫu biểu khai báo, phân loại, thu gom, lưu giữ chất thải nguy hại (CTNH); hướng dẫn kỹ thuật về phương tiện, thiết bị lưu chứa, vận chuyển, xử lý, tiêu hủy CTNH, cũng như hướng dẫn phòng ngừa và ứng phó sự cố trong quá trình vận chuyển CTNH như quy định tại khoản 5 Điều 84.
Ứng phó với biến đổi khí hậu
Tiếp thu ý kiến các vị ĐBQH, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo nghiên cứu rà soát, tiếp thu quy định cụ thể về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính (Điều 92); quy định kiểm kê khí nhà kính cho phù hợp với quy định của Công ước khung của Liên hợp quốc về BĐKH; bổ sung, quy định rõ trách nhiệm của Bộ TN&MT, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND cấp tỉnh; các cơ sở có liên quan để bảo đảm thực hiện hiệu quả hoạt động về Bảo vệ tầng ô-dôn (Điều 93). Bổ sung, làm rõ nội dung cơ sở dữ liệu quốc gia về biến đổi khí hậu (Điều 95). Quy định các cơ sở được phân bổ hạn ngạch phát thải khí nhà kính và có quyền trao đổi, mua bán trên thị trường các-bon trong nước.
Phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường
Có nhiều loại sự cố làm phát sinh sự cố môi trường (SCMT) đã được quy định tại Luật Hóa chất đối với sự cố hóa chất; Luật Phòng cháy, chữa cháy đối với sự cố cháy, nổ; Luật Phòng, chống thiên tai đối với sự cố thiên tai; Luật Năng lượng nguyên tử đối với sự cố phóng xạ.
Nghiên cứu tiếp thu ý kiến của ĐBQH, Dự thảo Luật đã quy định SCMT gồm có 4 cấp (cấp cơ sở, cấp huyện, cấp tỉnh và cấp quốc gia) xác định theo phạm vi ảnh hưởng về không gian, địa giới hành chính như tại khoản 2 Điều 124. Đồng thời, đã chỉnh lý các nội dung liên quan trách nhiệm chỉ đạo ứng phó SCMT của cơ quan ứng phó ở Trung ương và địa phương cũng như trách nhiệm QLNN của các bộ, ngành, UBND, cơ quan chuyên môn các cấp và tổ chức, cá nhân liên quan như quy định tại các Điều 125, 126, 127 và Điều 128 của Dự thảo Luật.
Công cụ kinh tế, chính sách và nguồn lực bảo vệ môi trường
Về chính sách thuế, phí về BVMT: Nghiên cứu tiếp thu ý kiến ĐBQH và thống nhất quản lý về tài chính, ngân sách, Dự thảo Luật đã quy định mang tính nguyên tắc xác định đối tượng chịu thuế, phí BVMT tại Điều 137. Việc ban hành, tổ chức thực hiện các quy định này theo pháp luật về thuế, phí, lệ phí. Giao Bộ TN&MT chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính đánh giá mức độ gây ô nhiễm môi trường, hiệu ứng nhà kính của chất thải hoặc sản phẩm, hàng hóa khi sử dụng gây tác động xấu đến môi trường để đề xuất danh mục chịu thuế, phí BVMT; biểu khung, mức thuế, phí và phương pháp tính.
Về chi trả dịch vụ hệ sinh thái: Dự thảo Luật đã chỉnh lý để làm rõ nội hàm của quy định chi trả dịch vụ hệ sinh thái tự nhiên; quy định việc chi trả dịch vụ môi trường rừng được thực hiện theo quy định của pháp luật lâm nghiệp để tránh chồng chéo; quy định về chi trả dịch vụ hệ sinh thái tự nhiên chỉ đối với dịch vụ của các hệ sinh thái đất ngập nước, hệ sinh thái biển, hệ sinh thái núi đá, hang động và công viên địa chất như Điều 139 quy định.
Về thị trường phát thải, tổ chức và phát triển thị trường các-bon: Ủy ban thường vụ Quốc hội cho rằng chính sách về trao đổi, mua, bán phát thải giữa các tổ chức, cá nhân cần được tiếp tục cân nhắc, thí điểm trước khi chính thức Luật hóa để bảo đảm việc kiểm soát chặt chẽ trên thực tế, tránh tác động tiêu cực đến môi trường. Do vậy xin phép chưa quy định trong Luật lần này về thị trường phát thải đối với nước thải và khí thải nói chung, chỉ quy định về tổ chức và phát triển thị trường các-bon để thực hiện các cam kết quốc tế về giảm phát thải khí nhà kính như tại Điều 140.
Về nguồn lực cho BVMT: Tiếp thu ý kiến ĐBQH, Dự thảo Luật đã không quy định tỷ lệ cụ thể mức chi, nội dung chi thường xuyên cho hoạt động BVMT, chi đầu tư phát triển BVMT; quy định “Ngân sách nhà nước có mục chi riêng cho hoạt động BVMT và bố trí tăng dần trong từng giai đoạn, phù hợp với khả năng ngân sách và yêu cầu, nhiệm vụ về BVMT” như tại khoản 1, khoản 3 Điều 149. Bộ TN&MT hướng dẫn việc thống kê, theo dõi và công bố nguồn lực chi cho BVMT từ Nhà nước, xã hội như tại khoản 6 Điều 149.
Kiểm toán môi trường
Nội dung kiểm toán môi trường trong Luật này được quy định để khuyến khích cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tự thực hiện hoặc thông qua đơn vị dịch vụ thực hiện kiểm toán môi trường nhằm tăng cường năng lực quản lý môi trường của doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp nhận biết và có giải pháp điều chỉnh hoạt động quản lý môi trường được hiệu quả hơn; bổ sung trách nhiệm của Kiểm toán Nhà nước thực hiện nội dung kiểm toán trong lĩnh vực môi trường theo quy định của Luật Kiểm toán nhà nước và pháp luật có liên quan như tại khoản 4 Điều 75 Dự thảo Luật.
Ngoài những vấn đề nêu trên, Dự thảo Luật đã nghiên cứu tiếp thu, chỉnh lý nhiều nội dung cụ thể tại các điều, khoản mà các vị ĐBQH quan tâm như về giải thích từ ngữ; những hành vi bị nghiêm cấm; quy chuẩn kỹ thuật về môi trường; về trách nhiệm QLNN của Chính phủ, các bộ, ngành và UBND các cấp; quyền và trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội và cộng đồng dân cư trong BVMT; về tính khả thi, thống nhất trong hệ thống pháp luật; về văn phong, bố cục, kỹ thuật văn bản… cũng đã được rà soát, chỉnh lý, bổ sung.
BBT (Nguồn: Cổng TTĐT Bộ TN&MT)
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn