Phát biểu tại buổi làm việc, ông Achim Fock đánh giá cao Chính phủ Việt Nam đã có bước tiến mới trong việc xây dựng và thực hiện chính sách liên quan đến biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh. Ngân hàng thế giới khẳng định sẵn sàng hỗ trợ và hợp tác với Bộ Tài nguyên và Môi trường và các cơ quan của Chính phủ Việt Nam để rà soát và cập nhật ma trận chính sách mới liên quan đến biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh trong giai đoạn tới.
Ông Achim Fock cũng đề cập đến việc cần có cơ chế hợp tác về biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh giữa Việt Nam và các đối tác phát triển. Theo đó, có thể tăng cường Chương trình Hỗ trợ ứng phó biến đổi khí hậu (SP-RCC) hiện nay, Chính phủ sẽ điều phối cơ chế phối hợp giữa các đối tác phát triển và các hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu của các Bộ, cơ quan, địa phương phía Việt Nam cũng như theo dõi quá trình thực hiện khung chính sách về biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh.
Trao đổi với Ngân hàng Thế giới, Thứ trưởng Lê Công Thành đồng tình với ý kiến của ông Achim Fock về việc Chính phủ Việt Nam và các đối tác phát triển cần trao đổi kỹ hơn về cơ chế điều phối liên ngành, liên vùng trong hoạt động ứng phó bới biến đổi khí hậu để lồng ghép các hoạt động này tại từng bộ ngành, địa phương giúp đạt hiệu quả cao hơn.
Đối với Chương trình Chính sách Phát triển về Biến đổi Khí hậu và Tăng trưởng Xanh giai đoạn mới, Thứ trưởng đề nghị các cơ quan chuyên môn của Bộ Tài nguyên và Môi trường và Ngân hàng Thế giới tiếp tục trao đổi để có những định hướng về chính sách, dự án về biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam trong giai đoạn tới.
Thứ trưởng Lê Công Thành chia sẻ: “Vấn đề biến đổi khí hậu toàn cầu sau năm 2020 sẽ bước vào một giai đoạn mới. Việc thực hiện Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) sẽ là nhiệm vụ chính của mỗi nước phải thực hiện. Vì vậy, Chương trình SP-RCC sẽ cần điều chỉnh để hỗ trợ việc thực hiện NDC một cách hiệu quả. Việc huy động, kết hợp các nguồn lực để xây dựng các chính sách, từ đó thực hiện các mục tiêu biến đổi khí hậu trong NDC là một vấn đề quan trọng mà chúng tôi mong muốn Ngân hàng Thế giới cùng hợp tác.”
Đồng tình với Thứ trưởng về quan điểm cùng thúc đẩy Chương tình nghị sự về biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh, ông Achim Fock cho rằng, Việt Nam sẽ cần một kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu và nêu rõ nguồn lực thực hiện để huy động nguồn lực từ các đối tác phát triển. Phía Ngân hàng Thế giới cam kết hỗ trợ Việt Nam trong ứng phó với biến đổi khí hậu. “Tại Hội nghị COP24 sắp tới, Ngân hàng Thế giới sẽ đưa ra các cam kết của mình trong đó khẳng định Việt Nam là đối tác quan trọng trong ứng phó biến đổi khí hậu.” – Ông Achim Fock nói.
Tại buổi tiếp, hai bên cũng trao đổi về việc cần đánh giá và làm rõ những kết quả đạt được sau Hội nghị Đồng bằng sông Cửu Long lần thứ nhất vào cuối năm 2017 để có “bức tranh tổng thể” trước khi chuẩn bị các nội dung để tổ chức Hội nghị tiếp theo.
BBT (Nguồn: Cổng TTĐT Bộ TN&MT)
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn