Ký kết Thỏa thuận khung hợp tác về biến đổi khí hậu giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Hàn Quốc
Chiều 31/5, thay mặt Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Hàn Quốc, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà và Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Hàn Quốc tại Việt Nam Park Noh-wan đã ký kết Thỏa thuận khung hợp tác về biến đổi khí hậu với Chính phủ Hàn Quốc.
Việc ký kết Thỏa thuận khung hợp tác giữa Chính phủ hai nước diễn ra trong bối cảnh Hàn Quốc đăng cai Hội nghị thượng đỉnh Đối tác tăng trưởng xanh toàn cầu (P4G) và Tuần lễ Tương lai xanh P4G, đồng thời hai nước cũng đang chuẩn bị để tham dự Hội nghị của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu sẽ diễn ra tại Vương quốc Liên hiệp Anh vào tháng 11/2021. Tại buổi ký kết, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà và Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Hàn Quốc tại Việt Nam Park Noh-wan nhận định rằng: Trong thời gian vừa qua, Việt Nam và Hàn Quốc đã hợp tác trong nhiều lĩnh vực như: khí tượng thủy văn, môi trường, tài nguyên nước. Việc ký kết Thỏa thuận khung hôm nay sẽ làm sâu sắc thêm quan hệ hợp tác, phong phú thêm hình thức đối tác giữa Chính phủ, nhân dân hai nước Việt Nam và Hàn Quốc. Đây sẽ là cơ sở pháp lý để các cơ quan, tổ chức của hai nước triển khai các hoạt động hợp tác về ứng phó với biến đổi khí hậu trong thời gian tới, góp phần thúc đẩy các hoạt động trao đổi chuyên môn, tri thức, chuyển giao và tiếp nhận công nghệ về thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm nhẹ phát thải khí nhà kính ở hai nước, cũng như góp phần vào nỗ lực chung toàn cầu để ứng phó với tình trạng khẩn cấp về khí hậu vì mục tiêu phát triển bền vững cho các thế hệ hôm nay và mai sau. Với bản ký kết, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành của Việt Nam và các cơ quan đối tác của Hàn Quốc để triển khai thực hiện hiệu quả Thỏa thuận khung, đề xuất các hoạt động hợp tác cụ thể đáp ứng được yêu cầu thực tiễn và ưu tiên của hai quốc gia. Bộ trưởng mong muốn Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Hàn Quốc tại Việt Nam Park Noh-wan sẽ là cầu nối để mối quan hệ hợp tác Việt Nam - Hàn Quốc ngày càng phát triển hơn nữa, tương xứng với tiềm năng và kỳ vọng của hai nước. Mục đích của Thỏa thuận khung hợp tác về Biến đổi khí hậu giữa Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Hàn Quốc là nhằm tăng cường năng lực của các Bên để giảm thiểu và/hoặc loại bỏ các phát thải khí nhà kính và thích ứng với những tác động bất lợi của biến đổi khí hậu, và từ đó tạo thuận lợi cho sự chuyển đổi nền kinh tế của các Bên theo hướng phát thải ít các-bon và chống chịu được với biến đổi khí hậu. Thỏa thuận khung có mục đích xây dựng mối quan hệ đối tác toàn diện và cùng có lợi thông qua các hoạt động hợp tác do các Bên thỏa thuận.
Về các lĩnh vực hợp tác, để đạt được mục đích của Thỏa thuận khung này, các lĩnh vực hợp tác trong khuôn khổ Thỏa thuận khung này có thể bao gồm: Giảm và/hoặc loại bỏ phát thải khí nhà kính trong các lĩnh vực hợp tác tiềm năng, bao gồm, không kể những lĩnh vực khác, công nghiệp, năng lượng, giao thông vận tải, xây dựng, quản lý chất thải, nông nghiệp và lâm nghiệp; Tăng cường năng lực thích ứng với biến đổi khí hậu, đặc biệt là tập trung vào các chiến lược thích ứng; Hợp tác trong khoa học và công nghệ liên quan đến khí hậu bao gồm nhưng không hạn chế, về mô hình hoá, dự báo và quan trắc, phát triển và chuyển giao các công nghệ khí hậu; Vận dụng các cơ chế thị trường trong Thỏa thuận Pa-ri và xây dựng năng lực về đo lường, báo cáo và kiểm chứng (MRV) trong kiểm kê quốc gia; và Các lĩnh vực hợp tác khác theo thoả thuận của các Bên. Về các hoạt động hợp tác, trong các lĩnh vực quy định tại Điều 2 có thể bao gồm các nội dung dưới đây: Trao đổi giữa các chuyên gia, các nhà nghiên cứu, các học giả và các nhân viên chính phủ trong lĩnh vực biến đổi khí hậu, bao gồm việc cung cấp các cơ hội để đào tạo xây dựng năng lực; Các hoạt động tăng cường năng lực, bao gồm nhưng không hạn chế, về các cơ chế thị trường; MRV, các chiến lược thích ứng, các quy định về kỹ thuật và an toàn; Các hoạt động nhằm thúc đẩy các dự án và/hoặc các chương trình hợp tác công và tư, với kết quả đầu ra là giảm nhẹ phát thải khí nhà kính được sử dụng để đạt được những Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDCs) của các Bên; Các hoạt động tăng cường nỗ lực thích ứng nhằm ngăn chặn các tác động bất lợi của biến đổi khí hậu; và các hoạt động khác để thúc đẩy hợp tác theo thỏa thuận của các Bên.