Theo dự thảo Chiến lược, mục tiêu đến năm 2030 sẽ phát triển ngành KTTV có vai trò tương xứng, là một phần quan trọng của hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội, năng động, nhanh và bền vững, đổi mới sáng tạo, hoạt động phục vụ hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý, điều hành chính sách, phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, phòng chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu; xã hội hóa, hình thành được nền công nghiệp khí tượng thủy văn phục vụ đa mục tiêu, đa lĩnh vực. Đến năm 2045, trình độ, năng lực ngành KTTV của Việt Nam thuộc các nước tiên tiến trên thế giới.
Dự thảo Chiến lược cũng đưa ra những chỉ tiêu cụ thể về hiện đại hóa hệ thống quan trắc khí tượng thủy văn; Hoạt động dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn; Công tác thông tin, truyền tin, dữ liệu và xây dựng tài nguyên số thông tin khí tượng thủy văn; Dịch vụ khí tượng thủy văn; Truyền thông khí tượng thuỷ văn; Kiểm định, hiệu chuẩn phương tiện đo khí tượng thủy văn.
Trong đó, để hiện đại hóa hệ thống quan trắc KTTV, đến năm 2030 phải phát triển đồng bộ mạng lưới trạm tự động quan trắc về khí tượng thủy văn, đo mưa, bức xạ, nông nghiệp, xâm nhập mặn theo hướng tăng dầy mật độ các trạm tự động lên 70 % so với số lượng hiện có, ưu tiên phát triển tại các khu vực vùng núi các địa phương Bắc Bộ, Trung Bộ; đặc biệt là tại các khu vực thường xuyên có nguy cơ xảy ra các thiên tai liên quan đến bão, nước dâng do bão, lũ, lũ quét, sạt lở đất, hạn hán, xâm nhập mặn.
Đồng thời, phát triển mạng lưới trạm khí tượng hải văn tự động bổ sung khu vực biển ven bờ từ Vũng Tàu đến Cà Mau sang Hà Tiên; phát triển các loại trạm hải văn dạng phao di động và phao cố định trên các vùng biển ngoài khơi nơi không có trạm đảo đạt mật độ 100km một trạm đến năm 2030, đạt mật độ 50km một trạm đến năm 2045. Tự động hóa 100% các trạm khí tượng ven biển; tập trung phát triển trạm thời tiết tự động (ở các vùng ven biển và hải đảo; 100% trang bị hệ thống đo tự động 5 yếu tố tốc độ gió, hướng gió, nhiệt độ, lượng mưa, khí áp)…
Trong công tác dự báo, cảnh báo KTTV, đến năm 2030 phải đồng bộ và hiện đại hóa công nghệ, nâng cao chất lượng dịch vụ, thời hạn cảnh báo và dự báo; đạt chỉ tiêu 100% đối với tính kịp thời, 100% đối với tính đầy đủ của bản tin dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn,
Bên cạnh đó, hoàn thiện trang thiết bị hạ tầng công nghệ thông tin cho Trung tâm Dữ liệu Data Center (DC) tại Hà Nội và đầu tư xây dựng DC mới tại thành phố Hồ Chí Minh, đảm bảo hệ thống hoạt động có tính dự phòng cao. Xây dựng được cơ sở dữ liệu khí tượng thủy văn quốc gia; số hóa 100% kho tư liệu giấy khí tượng thủy văn và phát triển hoàn hiện hệ thống phần mềm nghiệp vụ dùng chung lĩnh vực khí tượng thủy văn.
Tổng Cục trưởng Tổng cục KTTV Trần Hồng Thái cho biết, trong năm 2020, ngành KTTV sẽ hoàn thiện hồ sơ trình Bộ TN&MT để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt "Chiến lược phát triển ngành khí tượng thuỷ văn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045".
Phát biểu tại cuộc họp, Thứ trưởng Lê Công Thành đánh giá, Chiến lược phát triển ngành KTTV đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 hết sức quan trọng đối với sự phát triển của toàn ngành nói riêng và đất nước nói chung. Do vậy, tất cả các vấn đề mang tính thời đại phải nằm trong chiến lược quốc gia này.
Theo Thứ trưởng, chiến lược phát triển ngành trong 10,15 năm tới lại tiếp tục bắt đầu từ mạng lưới quan trắc, từ số liệu nhưng ở một tầm cao mới đó là dữ liệu lớn (big data); trong đó, chú trọng sự tham gia của toàn xã hội.
Đặc biệt, chiến lược phải khẳng định được tầm quan trọng, vị thế của ngành KTTV trong tình hình mới; nhấn mạnh ngành KTTV là một ngành quản lý nhà nước; đồng thời làm sao khuyến khích các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này.
Nhắc lại đợt mưa bão gây lũ quét, sạt lở đất nghiêm trọng ở miền Trung vừa qua, Thứ trưởng cho rằng, lũ quét, sạt lở đất đang là vấn đề nóng, được cả xã hội quan tâm, do đó, Chiến lược phải chú trọng công nghệ dự báo, cảnh báo lũ quét, sạt lở đất, từ vấn đề trạm đo mưa, khảo sát khu vực, nguy cơ cho đến nâng tỷ lệ các khu vực địa chất…
Bên cạnh đó, Thứ trưởng yêu cầu phải có danh mục các dự án liên quan đến mô hình dự báo, đồng hóa các loại dữ liệu… Đồng thời, xây dựng đề án đi kèm với chiến lược phát triển ngành KTTV đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
“Cần tập trung hơn nữa để hoàn thiện chiến lược, đặt ra các mục tiêu khả thi hơn. Đây là căn cứ pháp lý cho kế hoạch phát triển ngành trong giai đoạn 5, 10 năm tiếp theo”, Thứ trưởng Lê Công Thành nhấn mạnh.
BBT (Nguồn: Cổng TTĐT Bộ TN&MT)
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn