Ngày 01/10/2013, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1788/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch xử lý triệt để cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng đến năm 2020. Mục tiêu chung của Kế hoạch là: “Rà soát, phát hiện và tập trung xử lý triệt để, dứt điểm các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trên phạm vi cả nước; hoàn thiện đồng bộ các cơ chế, chính sách, quy định của pháp luật về xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; phấn đấu đến năm 2020 không còn cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng”.
Trong thời gian qua, việc triển khai thực hiện Quyết định số 1788/QĐ-TTg đã đạt được nhiều kết quả tích cực; đã hình thành được hành lang pháp lý tương đối hoàn thiện các quy định pháp luật về xử lý triệt để cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, thể hiện trong Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 và các văn bản quy định chi tiết thi hành.
Về kết quả xử lý cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, đến nay, có 407/439 cơ sở theo Quyết định số 64/2003/QĐ-TTg đã hoàn thành biện pháp xử lý ô nhiễm triệt để (chiếm tỷ lệ 92,71%); có 281/435 cơ sở theo Quyết định số 1788/QĐ-TTg cơ sở đã hoàn thành xử lý triệt để (chiếm tỷ lệ 64,59%).
Trong số các cơ sở chưa hoàn thành, có 27/32 cơ sở theo Quyết định số 64/2003/QĐ-TTg và 112/154 cơ sở theo Quyết định số 1788/QĐ-TTg thuộc khu vực công ích và trách nhiệm xử lý là của Nhà nước (chủ yếu là các bãi rác, bệnh viện và các khu khám chữa bệnh,...). Đối với các cơ sở này, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành cơ chế hỗ trợ có mục tiêu từ ngân sách nhà nước để xử lý triệt để nhằm thúc đẩy tiến độ xử lý.
Nhiều địa phương đã quan tâm chỉ đạo, xây dựng kế hoạch xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trên địa bàn; tỷ lệ các cơ sở hoàn thành biện pháp xử lý ô nhiễm triệt để đã có nhiều chuyển biến tích cực, qua đó đã góp phần giảm thiểu tác động của ô nhiễm tới cộng đồng.
Bên cạnh những kết quả đạt được, các thành viên Ban chỉ đạo cũng đánh giá thẳng thắn về những khó khăn, vướng mắc dẫn đến vẫn còn các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng thuộc khu vực công ích chưa xử lý do kinh phí ngân sách nhà nước chưa đáp ứng yêu cầu; một số địa phương chưa quan tâm bố trí kinh phí đối ứng để triển khai thực hiện dự án; một số cơ sở khu vực công ích khó khăn về kinh phí vận hành, duy tu, bảo dưỡng hệ thống xử lý chất thải;...
Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân đề nghị, các thành viên Ban Chỉ đạo là đại diện các Bộ, ngành chỉ đạo thực hiện các giải pháp theo chức năng, nhiệm vụ để kiên quyết xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Đồng thời, Tổng cục Môi trường tiếp thu các ý kiến, hoàn thiện báo cáo kết quả thực hiện Quyết định số 1788/QĐ-TTg để tổng hợp những tồn tại, khó khăn, vướng mắc báo cáo Chính phủ chỉ đạo thực hiện.
Thứ trưởng đề nghị, sắp tới, Ban Chỉ đạo cần thành lập Đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng kết hợp với kiểm tra việc xử lý chất thải rắn tại các địa phương, để nắm bắt tình hình thực tế. Qua đó, phối hợp với Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố có chỉ đạo thực hiện xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; đồng thời, xác định các cơ sở gây ô nhiễm nghiêm trọng chưa có trong danh mục để tiến hành đầu tư, xử lý kịp thời.
Thứ trưởng cũng cho biết, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ tổ chức 02 Hội thảo về cơ chế, chính sách và mô hình, công nghệ xử lý chất thải rắn, nhằm hoàn thiện cơ chế, chính sách, quy chuẩn, tiêu chuẩn quản lý chất thải rắn của Việt Nam; đồng thời, khuyến cáo cho từng địa phương về mô hình, công nghệ phù hợp để giải quyết vấn đề chất thải rắn.
Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân nhấn mạnh: “Đây là vấn đề cấp bách và quan trọng, cần phải có biện pháp xử lý kịp thời và triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, không gây ảnh hưởng đến sức khỏe, đời sống của người dân; phải phấn đấu hoàn thành mục tiêu đến năm 2020 không còn cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.”
BBT (Nguồn: Cổng TTĐT Bộ TN&MT)
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn