Phát biểu khai mạc Hội thảo, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà cho biết, đây là lần đầu tiên Bộ TN&MT tổ chức hội thảo lấy ý kiến góp ý cho Dự thảo sửa đổi Luật Bảo vệ môi trường (BVMT) tại khu vực phía Nam. Đây là phiên bản Dự thảo Luật chính thức của Tổ biên tập để lấy ý kiến đông đủ các nhà khoa học, chuyên gia, các nhà quản lý khu vực phía Nam.
Theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, Luật BVMT được áp dụng từ năm 2014, đến nay mới được hơn 5 năm, dù tuổi đời của một bộ Luật là không lớn, nhưng trong 5 năm qua, bối cảnh kinh tế - xã hội, hiện trạng môi trường của đất nước và xu thế môi trường thế giới đã nhiều thay đổi so với giai đoạn năm 2015. Đặc biệt, tình hình chất lượng môi trường hiện nay của Việt Nam đã đến “ngưỡng” không chịu thêm tác động tiêu cực.
Đồng thời, trong quá trình triển khai Luật BVMT, đến nay có rất nhiều quy định liên quan đến các bộ Luật khác, trong đó có nhiều vấn đề chồng chéo, gây khó khăn cho quá trình thực thi. Bên cạnh đó, qua tổng kết đánh giá việc triển khai Luật BVMT tại các địa phương còn nhiều khó khăn, vướng mắc có liên quan đến một số quy định, chính sách được được quy định trong Luật BVMT.
Theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, mặc dù trước khi xây dựng Dự thảo sửa đổi Luật BVMT, Bộ TN&MT đã tổ chức nhiều Hội thảo để lắng nghe góp ý, xin ý kiến từ các nhà khoa học, các chuyên gia, các cơ quan quản lý, các doanh nghiệp trên cả nước. Nhưng, Dự thảo Luật BVMT này cần tiếp tục được tổ chức lắng nghe ý của cộng đồng, Bộ TN&MT đã công bố rộng rãi Dự thảo sửa đổi Luật BVMT trên nhiều kênh thông tin, truyền thông khác nhau.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho rằng, việc tổ chức các Hội thảo sâu là rất cần thiết nhằm xem xét từng điều, tránh được những hạn chế trước đây, chưa ban hành đã lỗi thời, không đảm bảo tầm nhìn dài hạn chính sách.
“Chỉ dừng lại ý tưởng mà chưa có khảo sát, đánh giá, nghiên cứu kinh nghiệm thế giới sẽ không đưa vào Luật. Luật BVMT sửa đổi phải đảm bảo tính đồng bộ, tính khả thi, khi ban hành phải được triển khai ngay. Luật này không chỉ dành riêng cho nhà quản lý, mà phải cho doanh nghiệp và người dân, ai cũng thấy được trách nhiệm, quyền lợi của mình để cùng thực hiện” – Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh.
Đặc biệt, Bộ trưởng Trần Hồng Hà đã nhấn mạnh quan điểm của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc: “Việt Nam sẽ không đánh đổi môi trường lấy phát triển kinh tế”. Vì vậy, Việt Nam không chỉ đưa ra vấn đề bảo vệ môi trường mà còn phải quan tâm chú trọng đến phục hồi cải tạo môi trường.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà mong muốn Việt Nam cần đưa ra những quy định, nâng tầm các tiêu chuẩn, tiêu chí về môi trường như các nước phát triển. Vấn đề môi trường phải đóng vai trò dẫn dắt cho mô hình phát triển kinh tế, phải đặt nhiệm vụ môi trường lên đầu tiên, thay cho quan điểm sắp xếp theo thứ tự kinh tế - xã hội – môi trường; quản lý môi trường cần quan tâm đến trình độ công nghệ chứ không chỉ kiểm soát quá trình sản xuất. Không giải quyết vấn đề quản lý môi trường ở “điểm cuối” mà phải phòng ngừa từ đầu; đặt ra vấn đề phát triển kinh tế phải dựa trên sự cân bằng của hệ sinh thái…
Tại hội thảo, Bộ trưởng Trần Hồng Hà đề nghị Tổng cục Môi trường trình bày khái quát những nội dung chính của Dự thảo sửa đổi Luật BVMT cần xin ý kiến các đại biểu, cần tập trung vào những điểm cần lưu ý, đặc biệt là những vấn đề mới, những vấn đề đang phân vân giữa các phương án, để nhận được những ý kiến đóng góp thẳng thắn, khoa học của các đại biểu để hoàn thiện được dự thảo Luật BVMT sửa đổi.
Theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, dự thảo luật bảo vệ môi trường sửa đổi hiện nay đã đưa vào các chủ trương mới của Đảng, Nhà nước về kinh tế xanh, cabon thấp, kinh tế tuần hoàn… Do đó, cần có thêm các ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý góp ý để khi Luật BVMT sửa đổi được thực thi phải giải quyết được những vấn đề bức xúc hiện nay, đó là chất thải sinh hoạt, môi trường không khí, nguồn nước…
Bộ trưởng Trần Hồng Hà cũng mong muốn các chuyên gia kinh tế môi trường đóng góp thêm ý kiến để sau khi Luật BVMT sửa đổi được thực thi thì thông qua các chính sách về kinh tế môi trường sẽ khuyến khích thu hút được nhiều cá nhân, tổ chức tự nguyện tham gia trong các công tác bảo vệ môi trường, nâng cao trách nhiệm đối với tài nguyên thiên nhiên. Ngoài ra, Giám đốc các Sở TN&MT cần triển khai tổ chức lấy ý kiến rộng rãi tại địa phương nhằm tiếp tục có những góp ý cho việc hoàn thiện Dự thảo Luật BVMT sửa đổi.
Tại Hội thảo, các nhà khoa học, chuyên gia, nhà quản lý đánh giá và thống nhất cao nội dung của Dự thảo luật, đồng thời đã tích cực đóng góp bổ sung thêm một số vấn đề để hoàn thiện cho Dự thảo Luật BVMT sửa đổi.
Theo PGS.TS Lê Trình, ông đồng tình với ý kiến của Bộ trưởng Trần Hồng Hà trong vấn đề phải đặt nhiệm vụ môi trường lên đầu tiên, thay cho quan điểm kinh tế - xã hội – môi trường; Ngoài ra, PGS.TS Lê Trình cho rằng trong công tác đánh giá tác động môi trường cần phải đánh giá rộng hơn nữa, toàn diện hơn nữa để đảm bảo được sự cân bằng sinh thái, đa dạng sinh học.
Tham luận tại Hội nghị, ngoài việc đóng góp các ý kiến sửa đổi trong Luật, Tiến sĩ Tô Văn Trường đề nghị việc tham gia đóng góp ý kiến sửa luật môi trường các Sở TN&MT phải đóng góp nhiều hơn nữa, tổ chức các cuộc họp để lấy ý kiến từ dưới cơ sở, đóng góp vào dự thảo chung của Bộ TN&MT, để khi luật đi vào thực thi sẽ hiểu luật hơn, tham mưu cho địa phương và hướng dẫn người dân thực thi luật...
Trình bày báo cáo tại hội thảo, ông Nguyễn Hưng Thịnh, Phó Tổng cục Trưởng Tổng cục Môi trường cho biết: Dự thảo Luật có 17 chương , 176 điều (tăng 06 điều). Trong đó, giữ nguyên 30 điều; bãi bỏ, lồng ghép nội dung vào các điều khác 47 điều; sửa đổi, bổ sung 78 điều; bổ sung mới 5 điều.
Ông Nguyễn Hưng Thịnh đã trình bày 18 điểm chính xin ý kiến các đại biểu về Dự thảo Luật BVMT sửa đổi, cụ thể: Bổ sung quy định về Chiến lược BVMT quốc gia; sửa đổi, bổ sung quy định về quy hoạch BVMT; sửa đổi các quy định đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường; sửa đổi, bổ sung quy định về đánh giá môi trường chiến lược (ĐMC), đánh giá về tác động môi trường (ĐTM); thay thế 07 loại giấy phép, giấy xác nhận, giấy chứng nhận, đăng ký chủ nguồn thải…về BVMT bằng một loại giấy phép môi trường; sửa đổi, bổ sung các quy định về quản lý cảnh quan thiên nhiên và BVMT trong khai thác, sử dụng tài nguyên thiên nhiên;
Sửa đổi, bổ sung quy định về ứng phó với biến đổi khí hậu; quy định về quản lý chất thải; quy định về quản lý chất lượng môi trường; quy định về sự cố ô nhiễm môi trường; quy định về quy chuẩn kỹ thuật môi trường; quan trắc, thông tin, cơ sở dữ liệu và báo cáo môi trường; các công cụ kinh tế, nguồn lực cho BVMT; trách nhiệm BVMT trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, đô thị, khu dân cư; nội dung, trách nhiệm quản lý nhà nước về BVMT, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân; hội nhập, hợp tác quốc tế về BVMT; các quy định về thanh tra, kiểm tra; các quy định về bồi thường thiệt hại về môi trường; các quy định về một số quy định khác.
BBT (Nguồn: Báo TN&MT)
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn