Hội thảo có sự tham dự của Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Thị Phương Hoa; Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Công Tuấn; đại diện thường trực các Ủy ban của Quốc hội; đại diện lãnh đạo Ủy ban nhân dân các tỉnh: Quảng Ninh, Đắk Lắk, Quảng Trị, Tuyên Quang…cùng các chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp và nhà quản lý.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến cho biết, năm 2015, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiến hành giám sát chuyên đề việc thực hiện chính sách, pháp luật việc quản lý và sử dụng đất đai tại các nông lâm trường quốc doanh giai đoạn 2004-2014. Kết quả giám sát cho thấy bên cạnh những ưu điểm đạt được thì công tác quản lý đất đai có nguồn gốc nông lâm trường quốc doanh gặp một số hạn chế, tồn tại trong quy hoạch sử dụng đất rừng; hiệu quả sử dụng tài nguyên đất đai và sản xuất kinh doanh; rà soát, sắp xếp, đổi mới các nông lâm trường theo Nghị quyết số 28/NQ-TW ngày 16 tháng 6 năm 2003 của Bộ Chính trị về tiếp tục sắp xếp, đổi mới và phát triển nông, lâm trường quốc doanh; khoán giao đất trong các nông lâm trường; cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; bàn giao đất cho địa phương quản lý. Để khắc phục tình trạng trên, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 112/2015/QH13 yêu cầu Chính phủ thực hiện 5 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu.
Vừa qua, Hội đồng Dân tộc của Quốc hội cũng đã tiến hành giám sát chuyên đề này. Đây là hoạt động hậu giám sát nhằm mục đích đánh giá việc triển khai thực hiện của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương trong việc thực hiện Nghị quyết số 112/2015/QH13 đã giao cho các công ty nông lâm nghiệp, ban quản lý rừng và các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân khác sử dụng; kiến nghị đề xuất các giải pháp nhằm tiếp tục hoàn thiện các chính sách; về tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về tăng cường quản lý đất đai có nguồn gốc nông lâm trường.
Hội đồng Dân tộc đã tổ chức 4 đoàn giám sát tiến hành giám sát tại 9 tỉnh, 13 huyện, 5 tập đoàn, tổng công ty và trên 30 công ty nông nghiệp, lâm nghiệp đại diện cho các vùng miền trong cả nước. Trên cơ sở báo cáo của các bộ, ngành, địa phương cũng như kết quả giám sát trực tiếp tại các địa phương, Hội đồng Dân tộc xây dựng dự thảo Báo cáo kết quả giám sát.
Để có thêm ý kiến góp ý về Báo cáo kết quả giám sát, Hội đồng Dân tộc tổ chức Hội thảo này để có thêm phân tích, đánh giá, thảo luận thẳng thắn từ thực tiễn triển khai của bộ, ngành, địa phương bổ sung cho dự thảo Báo cáo; đánh giá đúng kết quả triển khai thực hiện Nghị quyết và những tồn tại, hạn chế, bất cập trong quá trình triển khai thực hiện, nhất là đánh giá 5 mục tiêu nhiệm vụ mà Quốc hội đề ra để tìm ra giải pháp nhằm thực hiện tốt Nghị quyết trong thời gian tới.
Cũng tại Hội thảo, các đại biểu đã trao đổi, thảo luận về kết quả thực hiện Nghị quyết số 112/2015/QH13 tại các địa phương; thực trạng và giải pháp tăng cường quản lý nhà nước đối với đất đai có nguồn gốc nông lâm trường quốc doanh; thực trạng việc tranh chấp, lấn chiếm đất đai có nguồn gốc từ nông lâm trường; cơ chế chính sách, hình thức tổ chức sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số được giao đất trên diện tích được giao nhằm nâng cao thu nhập và ổn định đời sống góp phần giảm nghèo và đảm bảo an sinh xã hội cùng dân tộc thiểu số.
Báo cáo tham luận tại Hội nghị, thay mặt Bộ Tài nguyên và Môi trường, Thứ trưởng Nguyễn Thị Phương Hoa đã khái quát rõ nét bức tranh thực trạng quản lý đất đai có nguồn gốc từ các nông trường, lâm trường quốc doanh do các công ty nông nghiệp, công ty lâm nghiệp, ban quản lý rừng, các tổ chức, hộ gia đình và cá nhân khác sử dụng. Đồng thời đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng trong thời gian tới.
Nhấn mạnh đến các kết quả đạt được, Thứ trưởng cho rằng việc triển khai thực hiện Nghị quyết thời gian qua đã có tác động rất lớn đến tình hình an ninh - xã hội và phát triển kinh tế của khu vực có đất đai từ các nông, lâm trường quốc doanh, nơi có vị trí địa chính trị trọng điểm và sức lan tỏa tới các vùng lân cận và cả nước, cũng như từng bước hiện đại hóa hệ thống quản lý đất đai, hòa nhập vào Chính phủ điện tử; làm cơ sở để xử lý các tồn tại, hạn chế, vướng mắc, vi phạm pháp luật trong quản lý, sử dụng đất; tăng cường hiệu lực quản lý, hiệu quả sử dụng nguồn lực đất đai hiện do các công ty nông, lâm nghiệp,...
"Những kết quả trên đây đã khẳng định những chủ trương đúng đắn của Quốc hội và Chính phủ nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý đất đai có nguồn gốc từ nông, lâm trường, nhưng so với yêu cầu thực tiễn của công tác quản lý đất đai nói chung, đất đai của công ty nông, lâm nghiệp nói riêng còn bộc lộ nhiều bất cập, hạn chế" - Thứ trưởng Nguyễn Thị Phương Hoa nói.
Theo đó, Thứ trưởng đề cập đến những bất cập chính như nguồn lực đất đai chưa thực sự phát huy hiệu quả, tình trạng sử dụng quỹ đất của Nhà nước để cho thuê, cho mượn, khoán trắng; tình trạng lợi dụng ranh giới giữa rừng sản xuất với rừng đặc dụng và rừng phòng hộ không rõ ràng để khai thác rừng không đúng pháp luật còn thường xuyên xảy ra; quá trình xây dựng cơ chế chính sách chưa đánh giá hết được tính phức tạp khi cổ phần hóa, địa bàn thực hiện, đối tượng, loại hình và các tác động tổng thể; chưa tính đến đặc thù về các vấn đề đất đai, đối tượng sử dụng đất là đồng bào dân tộc, tình trạng di dân tự do kéo dài; công tác quản lý đất đai của các nông, lâm trường còn hạn chế, việc rà soát, sắp xếp gặp nhiều khó khăn, vướng mắc; tình trạng sử dụng đất không đúng đối tượng, không đúng mục đích vẫn còn xảy ra khá phổ biến, hiệu quả sử dụng đất không cao, gây lãng phí nguồn tài nguyên; chưa quản lý và đưa vào khai thác có hiệu quả diện tích nông trường, lâm trường bàn giao lại cho địa phương; cơ cấu tổ chức, biên chế để thực hiện các nội dung quản lý nhà nước về đất đai quá bất cập và không phù hợp với yêu cầu thực tiễn; tình trạng khai thác tài nguyên khoáng sản diễn ra rất phức tạp làm ảnh hưởng suy thoái môi trường và có tác động không nhỏ tới công tác quản lý đất đai trên địa bàn; kinh phí đầu tư cho công tác quản lý đất đai ở địa phương chưa đáp ứng theo yêu cầu nhiệm vụ,…
Tại Hội thảo, Thứ trưởng Nguyễn Thị Phương Hoa cũng đã tham luận, đề xuất 10 nhóm giải pháp nhằm tăng cường công tác quản lý đất đai, đất có nguồn gốc từ các nông, lâm trường trong thời gian tới.
10 nhóm giải pháp nhằm tăng cường công tác quản lý đất đai, đất có nguồn gốc từ các nông, lâm trường trong thời gian tới Thứ nhất, rà soát các quy định của pháp luật về đất đai, lâm nghiệp; chính sách đất đai cho đồng bào dân tộc thiểu số;...để đảm bảo tính thống nhất, phù hợp với thực tiễn; tiếp tục hoàn thiện các văn bản triển khai, hướng dẫn chỉ đạo các địa phương, doanh nghiệp thực hiện Nghị quyết số 30-NQ/TW của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 112/2015/QH13 của Quốc hội và Nghị định 118/2014/NĐ-CP của Chính phủ; xử lý nghiêm khắc các vi phạm pháp luật về quản lý, sử dụng đất đai, lấn chiếm, tranh chấp đất đai tại các công ty nông, lâm nghiệp, ban quản lý rừng. Thứ hai, các địa phương quan tâm chỉ đạo, tạo điều kiện, cơ chế xây dựng, phát triển các mô hình quản trị doanh nghiệp, đổi mới mô hình quản lý các công ty nông, lâm nghiệp, ứng dụng khoa học công nghệ cao, gắn với quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội của vùng, địa phương. Thứ ba, tiếp tục lập tổ công tác liên ngành xuống từng địa phương để khảo sát đánh giá về công tác quản lý đất đai và công tác quản lý, sử dụng đất nông, lâm trường; tập trung thanh tra, kiểm tra quản lý sử dụng đất, trách nhiệm trong quản lý sử dụng đất nông, lâm trường. Thứ tư, triển khai thực hiện nghiêm túc về xây dựng và thực hiện Đề án “Tăng cường quản lý đố́i với đất đai có nguồn gốc từ các nông, lâm trường quốc doanh hiện do các công ty nông nghiệp, công ty lâm nghiệp không thuộc diện sắp xếp lại theo Nghị định số 118/2014/NĐ-CP”, ban quản lý rừng và các tổ chức sự nghiệp khác, hộ gia đình, cá nhân sử dụng theo yêu cầu tại Nghị quyết số 112/2015/NQ-QH13 của Quốc hội, trong đó đặc biệt quan tâm đến phần đất các nông, lâm trường (bao gồm cả các công ty nông, lâm nghiệp) bàn giao về địa phương. Thứ năm, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, theo dõi sát sao, hướng dẫn các địa phương để tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện; tăng cường công tác giải quyết tranh chấp, khiếu nại về đất đai, trong đó quan tâm giải quyết dứt điểm tranh chấp, khiếu nại về đất đai giữa nông, lâm trường đối với người dân để giải quyết các vấn đề bức xúc xảy ra ở địa phương. Thứ sáu, tăng cường chỉ đạo hướng dẫn, kiểm tra các địa phương, doanh nghiệp trong công tác quản lý đất đai, thực hiện rà soát, cắm mốc giới, đo đạc lập bản đồ địa chính, lập phương án sử dụng đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, đối với các ban quản lý rừng, các công ty nông, lâm nghiệp không thuộc diện thực hiện sắp xếp theo Nghị định 118/2014/NĐ-CP. Thứ bảy, tăng cường công tác quản lý nhà nước về đất đai và quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất nông, lâm nghiệp; bố trí đủ kinh phí thuộc nhiệm vụ của địa phương cho việc đo đạc, cắm mốc giới thực địa, đo vẽ lập bản đồ địa chính, lập hồ sơ địa chính, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các công ty nông, lâm nghiệp theo Nghị định số 118/2014/NĐ-CP của Chính phủ. Thứ tám, chủ động quy hoạch, xây dựng các điểm dân cư tập trung, quy định định mức diện tích đất ở vùng nông thôn; có kế hoạch khắc phục tình trạng di cư tự phát, dân cư trú phân tán trên diện rộng trong diện tích đất do các công ty nông, lâm nghiệp, ban quản lý rừng quản lý, sử dụng. Thực hiện ngay việc bàn giao mốc giới, ranh giới và cho thuê đất đối với phần diện tích mà nông, lâm trường giữ lại để quản lý, sử dụng để không xảy ra tình trạng tái lấn chiếm, tranh chấp. Thứ chín, chủ động đề xuất các giải pháp, phương án sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động, hiệu quả sử dụng đất nông, lâm nghiệp của các công ty nông, lâm nghiệp, ban quản lý rừng. Phê duyệt phương án sử dụng đất đai đối với từng nông, lâm trường tại địa phương. Thứ mười, thực hiện ngay việc lập phương án sử dụng đất đối phần diện tích mà nông, lâm trường bàn giao về địa phương để quản lý, sử dụng, giao cho các tổ chức, cá nhân thuê đất, ưu tiên giao cho các hộ gia đình tại địa phương thiếu đất ở, đất sản xuất.
|
Phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ đánh giá cao việc Hội đồng Dân tộc tổ chức giám sát chuyên đề “Tình hình triển khai và kết quả thực hiện Nghị quyết số112/2015/QH13 ngày 27/11/2015 của Quốc hội về tăng cường quản lý đất đai có nguồn gốc từ nông trường, lâm trường quốc doanh do các công ty nông nghiệp, công ty lâm nghiệp, ban quản lí rừng và các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân khác sử dụng", là dịp để các cơ quan, tổ chức hữu quan và các chuyên gia tham gia ý kiến vào dự thảo báo cáo kết quả giám sát. Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng, đây là một hoạt động mới, tiêu biểu, khi lần đầu tiên một cơ quan của Quốc hội tổ chức giám sát lại việc thực hiện Nghị quyết sau giám sát của Quốc hội. Điều đó thể hiện sự quan tâm sát sao, trách nhiệm, theo đuổi đến cùng những vấn đề đã được chỉ ra sau khi Quốc hội tiến hành giám sát tối cao. Hội đồng Dân tộc đã rất chủ động, cầu thị, cởi mở trong tiếp cận vấn đề, tiếp nhận thông tin và tạo diễn đàn để trao đổi, lắng nghe ý kiến nhiều chiều trước khi có báo cáo chính thức.
Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ cũng thẳng thắn nhìn nhận các kết quả đạt được còn khiêm tốn, chưa đáp ứng kỳ vọng và yêu cầu đặt ra. Tình trạng tranh chấp, lấn chiếm, vi phạm pháp luật về đất đai có nguồn gốc nông lâm trường vẫn chưa được giải quyết triệt để, nhiều vụ việc còn kéo dài nhưng chưa có biện pháp xử lý. Công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát việc chấp hành pháp luật về đất đai đối với đất đai có nguồn gốc từ các nông, lâm trường chưa được thực hiện thường xuyên, triệt để; chưa phát hiện và xử lý kịp thời các sai phạm trong quản lý, sử dụng đất. Việc tiếp nhận và xây dựng phương án sử dụng quỹ đất được các công ty nông nghiệp, công ty lâm nghiệp và các tổ chức chuyển đổi từ các nông, lâm trường quốc doanh giao cho địa phương còn chậm, thời gian kéo dài và lúng túng trong biện pháp xử lý. Việc xây dựng phương án, quy hoạch sử dụng đất chưa kịp thời, nhất là việc giao đất cho đồng bào thiếu đất ở, đất sản xuất còn chậm. Phần lớn diện tích này đã bị lấn chiếm, sử dụng từ trước, khi chuyển giao về cho địa phương, chủ yếu để hợp thức hóa việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, còn tình trạng lãng phí nguồn lực do chưa tổ chức tốt việc thu tiền giao đất, cho thuê đất. Ngân sách nhà nước mới chỉ bố trí cho phần đo đạc, cắm mốc ranh giới của các công ty nông, lâm nghiệp, còn các Ban quản lý rừng, Vườn Quốc gia, Khu bảo tồn và các diện tích của tổ chức, cá nhân khác chưa được bố trí, hoặc chưa có cơ chế giải quyết kinh phí để đo đạc, cắm mốc ranh giới...
Từ những hạn chế trên, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ đề nghị thời gian tới, Hội đồng Dân tộc nghiên cứu, tham mưu cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội có văn bản yêu cầu Chính phủ tiếp tục chỉ đạo, tổ chức thực hiện những nội dung chưa hoàn thành theo Nghị quyết số 112/2015/QH13 ngày 27/11/2015 của Quốc hội và khắc phục những tồn tại, hạn chế mà báo cáo giám sát đã chỉ ra. Phấn đấu hoàn thành các nhiệm vụ của Nghị quyết đề ra trong năm 2019. Hội đồng Dân tộc và các cơ quan của Quốc hội tiếp tục giám sát thông qua các hình thức chất vấn, giải trình đối với Chính phủ, các bộ ngành về quản lý, sử dụng đất đai tại các công ty nông, lâm nghiệp, các ban quản lý rừng, vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên... Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội tham mưu, đề xuất cho Quốc hội, Chính phủ phân bổ ngân sách từ Trung ương để xây dựng và thực hiện Đề án tăng cường quản lý đất đai nói chung, đất đai có nguồn gốc nông, lâm trường nói riêng trong năm 2019 – 2020. Cùng với đó, đề nghị Kiểm toán Nhà nước tổ chức kiểm toán việc quản lý, sử dụng đất đai tại các tổ chức, cá nhân quản lý, sử dụng đất có nguồn gốc từ các nông, lâm trường.
CTTĐT
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn