Tham dự cuộc họp có đại diện lãnh đạo các Vụ Pháp chế, Vụ Khoa học và Công nghệ, Viện Khoa học Đo đạc và Bản đồ.
Báo cáo về dung dự thảo Thông tư quy định Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chuẩn thông tin địa lý cơ sở, ông Hoàng Ngọc Lâm, Cục trưởng Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam cho biết: Thực hiện Kế hoạch xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật của Bộ TN&MT giai đoạn 2019-2020, Cục đã xây dựng dự thảo Thông tư, gửi xin ý các Bộ, ngành; Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố, Cục Bản đồ Bộ Tổng tham mưu và các đơn vị trực thuộc Bộ; hoàn thiện Dự thảo và gửi Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (Bộ KH&CN) thẩm định. Dự kiến, sẽ trình Bộ phê duyệt trong tháng 8/2020 theo đúng kế hoạch.
Về sự cần thiết ban hành dự thảo Thông tư, ông Hoàng Ngọc Lâm cho biết, trên thế giới, cùng với sự phát triển của công nghệ thông tin, công nghệ GIS (Hệ thống thông tin địa lý) đã rất phát triển và được sử dụng rộng rãi trong hầu hết các lĩnh vực của đời sống kinh tế, xã hội. Một trong những thành phần quan trọng nhất của một Hệ thống thông tin địa lý là cơ sở dữ liệu. Để thống nhất một chuẩn chung cho dữ liệu địa lý nhằm thuận tiện trong việc trao đổi dữ liệu giữa các Quốc gia, tổ chức tiêu chuẩn thế giới (ISO) đã phối hợp chặt chẽ với Hiệp hội OpenGIS thành lập các Tiểu ban kỹ thuật (ISO/TC 211), lần lượt soạn thảo, rà soát, biểu quyết, thông qua và ban hành các Tiêu chuẩn trong bộ tiêu chuẩn mang mã hiệu ISO-19100. Bộ tiêu chuẩn ISO-19100 là một hệ thống các chuẩn để chuẩn hoá các thông tin có liên quan đến các đối tượng hoặc thực thể có xác định trực tiếp hoặc gián tiếp đến một vị trí trên Trái đất (ISO 19101). Bộ tiêu chuẩn này quy định các phương pháp, công cụ và dịch vụ để quản trị thông tin địa lý thông qua các quy định về cách thức định nghĩa, thu nhận, phân tích, truy cập, trình bày và trao đổi thông tin địa lý giữa các đối tượng người sử dụng dữ liệu, giữa các hệ thống hoặc giữa các địa điểm khác nhau. Trong bộ tiêu chuẩn này là rất nhiều các chuẩn quy định cho Hệ thống thông tin địa lý.
Bên cạnh đó, do Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia cũ ban hành từ năm 2012, nên việc sắp xếp, tổ chức, mô tả định nghĩa các đối tượng địa lý chưa đầy đủ, có những bất cập, vướng mắc trong thực tế triển khai. Do vậy, các tiêu chí kỹ thuật mới được sửa đổi, bổ sung trong Dự thảo này sẽ đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất về cách hiểu, cách định nghĩa đối tượng địa lý dẫn đến việc thuận lợi trong việc chia sẻ và dùng chung dữ liệu, khai thác hiệu quả hơn cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia.
Thêm vào đó, trong thời gian từ năm 2012 đến nay, nhiều Luật mới được ban hành và sửa đổi như Luật Xây dựng năm 2014; Luật Lâm nghiệp năm 2017; Luật Quy hoạch năm 2017; Luật đường sắt năm 2017, đặc biệt là sự ra đời của Luật Đo đạc và bản đồ năm 2018... thì việc quy định Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chuẩn thông tin địa lý cơ sở là rất cần thiết.
Về phạm vi điều chỉnh, Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia này quy định về áp dụng các chuẩn thông tin địa lý cơ sở gồm: Chuẩn mô hình cấu trúc dữ liệu địa lý; Chuẩn mô hình khái niệm dữ liệu không gian; Chuẩn mô hình khái niệm dữ liệu thời gian; Chuẩn phương pháp lập danh mục đối tượng địa lý; Chuẩn hệ quy chiếu tọa độ; Chuẩn siêu dữ liệu địa lý; Chuẩn chất lượng dữ liệu địa lý; Chuẩn trình bày dữ liệu địa lý; Chuẩn mã hóa trong trao đổi dữ liệu địa lý.
Quy chuẩn kỹ thuật được áp dụng đối với các cơ quan quản lý, tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc xây dựng và áp dụng dữ liệu địa lý.
Về nội dung, ngoài các quy định chung (về Phạm vi điều chỉnh, Đối tượng áp dụng, Giải thích thuật ngữ) và tổ chức thực hiện; Quy chuẩn gồm các quy định kỹ thuật về áp dụng quy chuẩn mô hình cấu trúc dữ liệu địa lý; áp dụng quy chuẩn mô hình khái niệm không gian; áp dụng quy chuẩn mô hình khái niệm thời gian; áp dụng quy chuẩn phân loại đối tượng địa lý; áp dụng quy chuẩn hệ quy chiếu tọa độ; áp dụng quy chuẩn siêu dữ liệu địa lý; áp dụng quy chuẩn chất lượng dữ liệu địa lý; áp dụng quy chuẩn trình bày dữ liệu địa lý; áp dụng quy chuẩn mã hóa trong trao đổi dữ liệu địa lý. Ngoài ra, dự thảo cũng gồm các quy định về quản lý về lưu trữ, cập nhật, sử dụng; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân và các Phụ lục liên quan.
Tại cuộc họp, đại diện lãnh đạo các đơn vị đều cơ bản thống nhất nội dung, đồng thời thảo luận, làm rõ hơn các nội dung quy định trong Dự thảo bảo đảm tính khoa học, khả thi liên quan tới các định hướng, nhiệm vụ phát triển ngành đo đạc và bản đồ; định hướng chuyển đổi cơ sở dữ liệu số…
Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Thứ trưởng Nguyễn Thị Phương Hoa nhấn mạnh, việc áp dụng Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chuẩn thông tin địa lý cơ sở rất quan trọng; là cơ sở dữ liệu không gian của toàn Ngành TN&MT, giúp cho việc trao đổi, chia sẻ dữ liệu dễ dàng giữa các cơ quan quản lý, các tổ chức và cá nhân, tăng hiệu quả sử dụng và giá trị sử dụng dữ liệu, góp phần tăng hiệu quả phát triển kinh tế - xã hội,…
Thứ trưởng đề nghị Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam chủ động phối hợp với Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng để tiếp thu, hoàn thiện dự thảo; đồng thời tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan để trình Bộ trưởng ban hành đảm bảo tiến độ và chất lượng.
BBT (Nguồn: Cổng TTĐT Bộ TN&MT)
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn