Thực hiện các Nghị quyết của Ban chấp hành Trung ương về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; để có đẩy đủ cơ sở đề xuất thực hiện đồng bộ việc phân công, phân cấp thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường đi đôi với kiện toàn hệ thống tổ chức và sắp xếp, bố trí đội ngũ cán bộ công chức của Ngành, đáp ứng yêu cầu quản lý cũng như mục tiêu, yêu cầu của các nghị quyết nêu trên; Bộ Tài nguyên và Môi trường đề xuất Thủ tướng Chính phủ xây dựng Đề án tăng cường năng lực hệ thống tổ chức và đội ngũ công chức, viên chức ngành tài nguyên và môi trường đến năm 2030.
Bên cạnh đó, thực hiện yêu cầu của Ban Tổ chức Trung ương về việc xây dựng vị trí việc làm cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị. Trên cơ sở danh mục vị trí việc làm nghiệp vụ chuyên ngành tài nguyên và môi trường đã được Bộ Nội vụ phê duyệt và áp dụng tại các địa phương; nội dung quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tổng hợp, đề xuất danh mục vị trí việc làm nghiệp vụ chuyên ngành tài nguyên và môi trường đối với các cơ quan đơn vị ở Trung ương, cấp tỉnh và cấp huyện.
Đến nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã hoàn thiện dự thảo Đề án tăng cường năng lực hệ thống tổ chức và đội ngũ công chức, viên chức ngành tài nguyên và môi trường đến năm 2030 và dự thảo Danh mục vị trí việc làm nghiệp vụ chuyên ngành tài nguyên và môi trường và tổ chức Hội thảo để lấy ý kiến góp ý của đại diện lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ; đại diện các Sở Tài nguyên và Môi trường về hai nội dung trên.
Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Nguyễn Thị Phương Hoa cho biết, cùng với sự phát triển của đất nước, ngành tài nguyên và môi trường cũng ngày càng lớn cả về quy mô tổ chức bộ máy quản lý nhà nước và nguồn nhân lực, công tác quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường đã có những chuyển biến tích cực, bước đầu đáp ứng những nhiệm vụ được giao.
Tuy nhiên, bên cạnh những thời cơ, thuận lợi cơ bản, hiện nay, công tác quản lý tài nguyên và môi trường vẫn còn không ít khó khăn, thách thức, tồn tại, hạn chế về chức năng, nhiệm vụ; tổ chức bộ máy; đội ngũ công chức, viên chức. Trong bối cảnh khối lượng công việc của Bộ, ngành ngày càng lớn, tăng nhiều nhiệm vụ so với trước đây. Cùng với đóviệc thực hiện nghiêm chủ trương tinh giản biên chế … đã tạo áp lực và là thách thức lớn cho toàn Ngành.
“Chính vì vậy, việc xây dựng Đề án tăng cường năng lực hệ thống tổ chức và đội ngũ công chức, viên chức ngành tài nguyên và môi trường mang ý nghĩa, vai trò quan trọng trong sự phát triển của ngành tài nguyên và môi trường. Đồng thời, việc xây dựng danh mục vị trí việc làm nghiệp vụ chuyên ngành tài nguyên và môi trường đối với các cơ quan đơn vị ở Trung ương, cấp tỉnh và cấp huyện sẽ giúp đảm bảo tính tổng thể và liên thông trong xây dựng vị trí việc làm, làm cơ sở cho việc xác định biên chế và xây dựng cơ chế, chính sách quản lý cán bộ, công chức, viên chức theo vị trí việc làm.” – Thứ trưởng Nguyễn Thị Phương Hoa khẳng định tầm quan trọng của hai nhiệm vụ được giao.
Tại Hội thảo, các đại biểu tập trung thảo luận các nội dung như: Đối với dự thảo Đề án tăng cường năng lực hệ thống tổ chức và đội ngũ công chức, viên chức ngành tài nguyên và môi trường đến năm 2030, thảo luận, cho ý kiến về các nội dung như quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp của Đề án; nội dung đánh giá thực trạng hệ thống tổ chức, đội ngũ công chức, viên chức ngành tài nguyên và môi trường từ Trung ương đến địa phương. Đối với dự thảo Danh mục vị trí việc làm nghiệp vụ chuyên ngành tài nguyên và môi trường từ trung ương đến địa phương, tập trung cho ý kiến về tên gọi, số lượng và cơ cấu ngạch công chức đối với mỗi vị trí việc làm nghiệp vụ chuyên ngành theo các lĩnh vực ở các cấp: Trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện để đảm bảo thực hiện đầy đủ chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước đang được giao ở mỗi cấp.
Trên cơ sở các ý kiến góp ý của các đại biểu, Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp tục hoàn thiện dự thảo Đề án trình Chính phủ và dự thảo Danh mục vị trí việc làm trình Ban Tổ chức Trung ương bảo đảm tiến độ và chất lượng.
Toàn cảnh Hội thảo
Dự thảo Đề án tăng cường năng lực hệ thống tổ chức và đội ngũ công chức, viên chức ngành tài nguyên và môi trường đến năm 2030 nhằm mục tiêu kiện toàn hệ thống tổ chức, tăng cường năng lực đội ngũ công chức, viên chức, người lao động thuộc ngành tài nguyên và môi trường từ Trung ương đến địa phương nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường, phát triển ngành tài nguyên và môi trường ngày càng chính quy, hiện đại, thúc đẩy quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá, hội nhập quốc tế và bảo đảm sự phát triển bền vững của đất nước. Đối tượng của Đề án là các đơn vị trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường; Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trên cả nước; Phòng Tài nguyên và Môi trường các quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; cán bộ địa chính - xây dựng - đô thị và môi trường (đối với phường, thị trấn) hoặc địa chính - nông nghiệp - xây dựng và môi trường (đối với xã). Phạm vi thời gian thực hiện Đề án: từ năm 2020 đến năm 2030. Dự thảo đề án đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp: (1) Nghiên cứu, rà soát, điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ, ngành, cơ quan Trung ương, các địa phương theo hướng tập trung, thống nhất một đầu mối, có phân công, phân cấp phù hợp, cụ thể giữa các Bộ, ngành; giữa Trung ương và địa phương. (2) Nghiên cứu, rà soát, đánh giá thực trạng tổ chức bộ máy, đề xuất kiện toàn tổ chức bộ máy của các cơ quan quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường từ Trung ương đến địa phương. (3) Nghiên cứu, rà soát, đánh giá thực trạng nguồn nhân lực ngành tài nguyên và môi trường từ Trung ương đến địa phương; đánh giá nhu cầu, cơ cấu công chức, viên chức, cán bộ hợp đồng trong các đơn vị quản lý nhà nước và đơn vị sự nghiệp; cơ cấu sắp xếp lại dựa trên các nguyên tắc, tiêu chuẩn hóa công chức, viên chức đảm bảo đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước và phục vụ quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường. (4) Rà soát, đánh giá thực trạng công tác đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực ngành tài nguyên và môi trường; đánh giá nhu cầu; xây dựng, thực hiện kế hoạch/chương trình đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ và các yêu cầu khác cho các cán bộ quản lý tài nguyên môi trường từ Trung ương đến địa phương. Dự thảo Danh mục vị trí việc làm nghiệp vụ chuyên ngành tài nguyên và môi trường đề xuất các tên gọi, số lượng và cơ cấu ngạch công chức đối với mỗi vị trí việc làm nghiệp vụ chuyên ngành theo 09 lĩnh vực Bộ đang quản lý (biển và hải đảo, địa chất và khoáng sản, môi trường, quản lý đất đai, đo đạc và bản đồ, tài nguyên nước, khí tượng thủy văn, biến đổi khí hậu, viễn thám) ở các cấp: Trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện. |
BBT (Nguồn: Cổng TTĐT Bộ TN&MT)
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn