Giúp Việt Nam ứng phó BĐKH là ưu tiên chiến lược của ADB trong 5 năm tới
Dự kiến, giai đoạn 2021–2025, hơn 70% các dự án của ADB triển khai tại Việt Nam nhằm giải quyết các tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH) ở Việt Nam, với tổng ngân sách OCR thường xuyên là 1642 triệu USD. Đây là thông tin được đưa ra tại buổi làm việc giữa Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Công Thành và ông Andrew Jeffries - Giám đốc Quốc gia ADB tại Việt Nam, vào chiều ngày 8/4, tại Hà Nội.
Hiện nay, ADB đang phối hợp với các đơn vị trực thuộc Bộ TN&MT triển khai các hoạt động hợp tác về kinh tế tuần hoàn, như Viện ADB phối hợp với Viện Chiến lược, Chính sách TN&MT và Sitra, Quỹ Đổi mới Phần Lan sẽ tổ chức một sự kiện khu vực về nền kinh tế tuần hoàn trong thời gian tới. Trong vấn đề giải quyết rác thải nhựa đại dương, ADB hỗ trợ Việt Nam thông qua dự án án “Thúc đẩy hành động về ô nhiễm nhựa từ nguồn ra biển ở châu Á và Thái Bình Dương”. Bên cạnh đó, Dự án “Quản lý tổng hợp rủi ro lũ lụt thích ứng biến đổi khí hậu” đã được phê duyệt vào tháng 1/2021; trong đó, hoạt động 3 của dự án này là “Hiện đại hóa hệ thống Dự báo lũ, lụt và cảnh báo lũ sớm sông Hồng-Thái Bình và sông Mã” do Bộ TN&MT quản lý và thực hiện. Tiếp nối hành trình này, ông Andrew Jeffries cho biết, ADB đang chuẩn bị xây dựng Chiến lược hợp tác quốc gia giai đoạn 2021–2025. Dự kiến, ADB sẽ hỗ trợ cho Việt Nam tổng ngân sách OCR thường xuyên là 1642 triệu USD. Đáng lưu ý, hơn 70% dự án sẽ giúp Việt Nam ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng trưởng xanh. “Đây là ưu tiên chiến lược của ADB đối với Việt Nam” – ông Andrew Jeffries khẳng định. Với các danh mục dự án được ADB đề xuất từ năm 2021–2024, Thứ trưởng Lê Công Thành hoan nghênh mối quan tâm sâu sắc của ADB đối với những vấn đề cốt lõi mà Việt Nam cần giải quyết để phát triển bền vững hơn trong tương lai. Các dự án này đã giải quyết được cả 2 mặt của BĐKH là thích ứng với các tác động tiêu cực của BĐKH và giảm nhẹ phát thải khí nhà kính. Thứ trưởng đề nghị các dự án có hàm lượng ứng phó BĐKH sẽ giải quyết đúng các vấn đề mà Việt Nam đang gặp phải. Đối với các dự án giảm phát thải khí nhà kính, trong Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) cập nhật, được Việt Nam đệ trình lên Ban thư ký Công ước khí hậu năm 2020, đã nâng mức giảm phát thải khí nhà kính lên 9% so với kịch bản phát thải thông thường (BAU) đến năm 2030, bằng nguồn lực trong nước. Mức đóng góp này có thể được tăng lên tới 27% khi nhận được hỗ trợ quốc tế thông qua hợp tác song phương, đa phương và thực hiện các cơ chế mới theo Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu. “Với những dự án tiềm năng của ADB, chúng tôi hy vọng sẽ đạt được mục tiêu này” – Thứ trưởng chia sẻ.
Nhân dịp này, Thứ trưởng đề nghị ADB hỗ trợ Việt Nam thúc đẩy sự tham gia của doanh nghiệp vào thị trường carbon, nhằm thực hiện Điều 6 trong Thỏa thuận Paris về BĐKH. Thứ trưởng Lê Công Thành cũng hoan nghênh 2 nội dung hợp tác mới giữa ADB và Bộ TN&MT là kinh tế tuần hoàn và ô nhiễm nhựa đại dương. Đồng thời, Thứ trưởng đề nghị, ADB ưu tiên hỗ trợ Việt Nam về quản lý chất thải rắn sinh hoạt, bởi đây là vấn đề lớn có tác động lớn đến chất lượng môi trường, chất lượng cuộc sống và phát thải khí nhà kính. Theo đó, Chính phủ đã giao Bộ TN&MT thống nhất đầu mối quản lý về chất thải rắn, đồng thời được quy định cụ thể trong Luật Bảo vệ môi trường năm 2020. Hiện Bộ đang xây dựng các Nghị định hướng dẫn thi hành Luật, ADB có thể tham gia tham vấn quốc tế trong vấn đề này. “Quan điểm của Bộ là xử lý chất thải rắn sinh hoạt là cần có sự tham gia của nhiều thành phần từ Nhà nước, Trung ương, địa phương và khối doanh nghiệp tư nhân. Chúng tôi sẽ tận dụng các cơ chế tài chính của ADB để giúp Việt Nam giải quyết tốt hơn vấn đề này”, Thứ trưởng khẳng đinh. Với các đề xuất của Bộ TN&MT, ông Andrew Jeffries - Giám đốc Quốc gia ADB tại Việt Nam cho biết, ADB sẽ làm việc cụ thể với các đơn vị của Bộ TN&MT để xác định rõ các dự án ưu tiên hợp tác; thể hiện mối quan hệ sâu sắc giữa hai bên trong nỗ lực góp phần giúp Việt Nam phát triển bền vững hơn./.