Tham dự và chủ trì phiên họp có Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng; Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam; Ngài Martin Chungong, Tổng thư ký Liên minh Nghị viện thế giới (IPU); Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Nguyễn Văn Giàu.
Tham dự hội nghị còn có đại diện lãnh đạo các Bộ: Kế hoạch và Đầu Tư, Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường, Lao động, Thương binh và Xã hội, Trung ương Hội Phụ nữ Việt Nam; Trưởng đoàn, Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố; Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội đồng Nhân dân các tỉnh, thành phố. Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân tham dự phiên họp.
Tại phiên thảo luận, đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành, địa phương đã tập trung thảo luận những thách thức và giải pháp trong việc thực hiện các Mục tiêu Phát triển bền vững như ứng phó biến đổi khí hậu; xóa bỏ đói nghèo; đảm bảo an ninh lương thực, thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững; bình đẳng giới, trao quyền cho phụ nữ và trả em…
Nhận định những thách thức đối với Việt Nam trong việc thực hiện Mục tiêu phát triển bền vững số 13 (SDG13) về ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH)
Phát biểu tại phiên thảo luận, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân cho biết, thời gian qua, Đảng, Quốc hội, Chính phủ Việt Nam đã luôn quan tâm, ban hành nhiều chủ trương, chính sách và hành động quan trọng về ứng phó với BĐKH để thực hiện Mục tiêu phát triển bền vững về ứng phó với BĐKH. Tuy nhiên, Việt Nam sẽ phải thực hiện các mục tiêu giảm phát thải theo cam kết, chuyển từ phương thức thực hiện tự nguyện như từ trước đến nay sang phương thức bắt buộc thực hiện bắt đầu từ năm 2021, trong khi tăng trưởng kinh tế của Việt Nam cần được duy trì ở mức cao, kéo theo nhu cầu lớn về năng lượng. Trong khi đó, BĐKH ở Việt Nam diễn biến ngày càng phức tạp, khó lường, diễn ra nhanh hơn so với dự báo, tác động nặng nề đến người dân và các ngành, lĩnh vực nhạy cảm với khí hậu.
“Hiện nay hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về BĐKH chưa đầy đủ, đồng bộ; thiếu hệ thống chỉ tiêu thống kê đánh giá thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững. Nguồn lực dành cho ứng phó với BĐKH còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu, trong khi nguồn lực tài chính từ hỗ trợ của quốc tế còn chưa rõ ràng. Các hoạt động ứng phó với BĐKH chủ yếu được thực hiện ở cấp độ dự án đơn lẻ khi có sự hỗ trợ của Chính phủ, cộng đồng quốc tế trong từng ngành, lĩnh vực.” - Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân nhấn mạnh về các thách thức trong thực hiện ứng phó với BĐKH gắn với thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững đối với Việt Nam.
Thách thức đối với bảo đảm an ninh lương thực, phát triển nông nghiệp bền vững; bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ
Liên quan đến mục tiêu số 2 về an ninh lương thực và thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh cho rằng, BĐKH ngày càng diễn biến phức tạp, thiên tai xảy ra khó lường, mức độ thiệt hại ngày càng nghiêm trọng, gây tác động tiêu cực đến sản xuất nông nghiệp, đe dọa an ninh lương thực; đòi hỏi phải có những ứng phó kịp thời và chiến lược lâu dài để hạn chế thiệt hại và thích ứng hiệu quả. Ô nhiễm môi trường và các mối nguy về ô nhiễm môi trường, tài nguyên (đất, rừng, nước, biển) ngày càng lớn và phức tạp hơn, làm tăng rủi ro thiên tai và phát sinh loại hình thiên tai mới, ảnh hưởng tới an ninh lương thực quốc gia. Trong khi đó, với yếu kém nội tại là nền sản xuất nhỏ công tác quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp và an toàn thực phẩm còn nhiều bất cập, hiệu quả chưa cao, chưa đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của các thị trường nhập khẩu.
Trong việc thực hiện mục tiêu số 05 về Bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ, trẻ em, Chủ tịch Hội bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam Nguyễn Thị Thanh Hòa thừa nhận, tại nhiều nơi tỷ lệ nghèo vẫn còn trên 50%, cá biệt còn trên 60-70%; Chênh lệch thu nhập giữa các nhóm dân cư của cả nước tăng từ 9,7 lần năm 2014 lên 9,8 lần năm 2016 (thu nhập nhóm 5 so với nhóm 1); Hệ số Gini (biểu thị độ bất bình đẳng trong thu nhập trên nhiều vùng miền, tầng lớp của đất nước) cũng có xu hướng tăng, từ 0,43 năm 2014 tăng lên 0,431 năm 2016,…
Theo ông Martin Chungong, Tổng Thư ký IPU, IPU cũng đang theo đuổi mục tiêu phát triển bền vững và bày tỏ vui mừng khi biết Việt Nam cũng đang hướng đến những mục tiêu này dù phải đang đối diện với nhiều thách thức. Tuy nhiên, ông Martin Chungong cũng chỉ ra việc thực hiện các mục tiêu của Việt Nam chưa được lồng ghép, phối hợp giữa các ngành. Đặc biệt, vấn đề bình đẳng giới, bạo lực trong gia đình chưa được các ngành, bộ quan tâm đầy đủ để đạt được mục tiêu không ai bỏ lại phía sau.
“Chúng ta phải tiếp tục xử lý những vấn đề liên quan đến môi trường tại nơi xa xôi hẻo lánh, ở những khu vực dân cư nghèo đói, chăm sóc đặc biệt nhóm người yếu thế, nếu chúng ta muốn đạt được mục tiêu bền vững là không ai bỏ lại phía sau” - ông Martin Chungong, Tổng Thư ký IPU nhấn mạnh.
Ứng phó với biến đổi khí hậu, đảm bảo tính liên ngành, liên vùng, liên lĩnh vực, thậm chí liên khu vực
Để triển khai thành công Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030, trong thời gian tới, các đại biểu đều cho rằng các đại biểu Quốc hội cần tiếp tục phát huy hơn nữa vai trò của mình trong giám sát, kiểm tra, tham vấn trong các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.
“Trong quá trình xem xét, phê chuẩn các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội đất nước, các quy hoạch chuyên ngành phải tính toán đặt bối cảnh thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững, trong đó có Mục tiêu phát triển bền vững về ứng phó với biến đổi khí hậu, đảm bảo tính liên ngành, liên vùng, liên lĩnh vực, thậm chí liên khu vực về thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm nhẹ phát thải khí nhà kính” - Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân đề nghị.
Đánh giá cao phát biểu và đề xuất, khuyến nghị của Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân, trong đó nhấn mạnh tới việc thực hiện các cam kết quốc tế và Việt Nam tham gia như Thỏa thuận Paris, Tổng Thư ký IPU cũng cho rằng, Quốc hội Việt Nam cần tăng cường vai trò thiết lập các khuôn khổ pháp lý, xác định những lỗ hổng, đồng thời, cần học hỏi kinh nghiệm từ các nước trên thế giới để xử lý các thách thức mà Việt Nam phải đối mặt. Đồng thời, Chính phủ, Quốc hội cũng cần có nhiều giải pháp để người dân có thể tham gia vào các Mục tiêu bền vững, thu hút hơn nữa sự tham gia của khu vực tư nhân để tận dụng được nhiều nguồn vốn cho Mục tiêu phát triển bền vững.
Xuân Lam - Lan Anh
Nguồn tin: CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ BỘ TÀI NGUYÊN VÀ MÔI TRƯỜNG
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn