Báo cáo tại cuộc họp, Viện trưởng Viện Chiến lược, chính sách tài nguyên và môi trường Nguyễn Thế Chinh cho biết, nhiệm vụ “Điều tra, đánh giá kết quả thực hiện Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 và xây dựng Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” (Chiến lược) được xây dựng với mục tiêu: Kiểm soát, hạn chế về cơ bản các nguồn gây ô nhiễm môi trường; Khắc phục, cải tạo môi trường các khu vực đã bị ô nhiễm, suy thoái; cải thiện điều kiện sống của người dân; Giảm nhẹ mức độ suy thoái, cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên; kiềm chế tốc độ suy giảm đa dạng sinh học; Tăng cường khả năng chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm nhẹ mức độ gia tăng phát thải khí nhà kính.
Định hướng các nội dung, biện pháp bảo vệ môi trường trong Chiến lược bao gồm: Phòng ngừa và kiểm soát các nguồn gây ô nhiễm môi trường. Cải tạo, phục hồi môi trường các khu vực đã bị ô nhiễm, suy thoái; đẩy mạnh cung cấp nước sạch và dịch vụ vệ sinh môi trường. Khai thác, sử dụng hiệu quả và bền vững các nguồn tài nguyên thiên nhiên; bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học. Xây dựng năng lực ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm nhẹ phát thải khí nhà kính.
Chiến lược đề ra các giải pháp tổng thể nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ về ý thức trách nhiệm của các cấp, các ngành, doanh nghiệp và người dân trong bảo vệ môi trường; Hoàn thiện pháp luật, thể chế quản lý, tăng cường năng lực thực thi pháp luật về bảo vệ môi trường; Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, phát triển và ứng dụng công nghệ về bảo vệ môi trường; Phát triển ngành kinh tế môi trường để hỗ trợ các ngành kinh tế khác giải quyết các vấn đề môi trường, thúc đẩy tăng trưởng, tạo thu nhập và việc làm; Tăng cường và đa dạng hóa đầu tư cho bảo vệ môi trường; Thúc đẩy hội nhập và tăng cường hợp tác quốc tế về bảo vệ môi trường.
Phát biểu tại cuộc họp, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân cho rằng, thời gian qua, việc tăng trưởng kinh tế cùng với công nghiệp hóa, đô thị hóa, sự phát triển mạnh mẽ của du lịch, cơ sở hạ tầng còn chưa hoàn thiện dẫn đến sức ép môi trường hết sức lớn. An ninh môi trường là an ninh phi truyền thống nhưng hết sức quan trọng, thời gian qua xảy ra nhiều xung đột về môi trường tạo ra xung đột kinh tế, gây ảnh hưởng đến chính trị và xã hội. Do vậy, cần đổi mới từ cốt lõi các chính sách về môi trường, tạo đột phá trong công tác bảo vệ môi trường, Chiến lược được xây dựng phải phải đảm bảo bao trùm tất cả các lĩnh vực, huy động được tất cả các Bộ, ngành, địa phương và người dân tham gia vào công tác bảo vệ môi trường.
Thứ trưởng nhấn mạnh, “giai đoạn 2020 - 2030 là thời kỳ chuyển đổi có tính bước ngoặt đối với môi trường, giai đoạn này Việt Nam triển khai quan điểm phát triển bền vững kinh tế, xã hội, cùng với môi trường sẽ tạo ra được ba trụ cột vững chắc cho sự phát triển bền vững của đất nước. Do vậy, cần xây dựng Chiến lược để môi trường là nhiệm vụ trọng tâm, ngang tầm với kinh tế, xã hội để đưa ra quan điểm chiến lược, tầm nhìn chiến lược và đề xuất các giải pháp trọng tâm trong công tác bảo vệ môi trường”.
BBT (Nguồn: Cổng TTĐT Bộ TN&MT)
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn