Bộ trưởng Trần Hồng Hà đánh giá Hội nghị giao ban công tác quản lý TN&MT các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Trước ngày tổ chức Hội nghị, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã nhận được 252 ý kiến của các địa phương gửi về; tại Hội nghị có 12 Giám đốc, Phó giám đốc Sở TN&MT phát biểu ý kiến trực tiếp. Những ý kiến này của các địa phương rất thiết thực để cùng tìm giải pháp tháo gỡ những vướng mắc, bất cập trong quá trình quản lý nhà nước về TN&MT tại địa phương.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà đã tổng kết và trao đổi cặn kẽ từng nhóm vấn đề mà các đại biểu đã đặt ra tại Hội nghị. Đối với nội dung về mô hình tổ chức, cơ chế, biên chế liên quan đến các đơn vị sự nghiệp ngành TN&MT của các địa phương, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có văn bản gửi Tỉnh ủy, UBND cáctỉnh, thành phố có ý kiến về việc khôi phục lại hoạt động của các đơn vị đã sắp xếp, sáp nhập để đồng bộ hóa các đơn vị thuộc ngành TN&MT trên toàn quốc.
Đối với ý kiến về việc sớm ban hành quy định phí, lệ phí, giá dịch vụ đối với các đơn vị sự nghiệp tự chủ tài chính ở một số địa phương, Bộ trưởng đề nghị các Sở TN&MT này cần tham khảo các địa phương như TP.HCM đã ban hành được biểu giá dịch vụ đối với các hoạt động; từ đó đề xuất với UBND, HĐND cấp tỉnh phê duyệt để tính toán, ban hành những mức phí, lệ phí, giá dịch vụ phù hợp.
Đối với vấn đề liên quan đến tinh giản biên chế tại các đơn vị ngành TN&MT, Bộ trưởng đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường sớm xây dựng các tiêu chí, chức danh làm cơ sở để Bộ tổng hợp báo cáo, bảo vệ tổng biên chế của Ngành.
Đối với việc nâng cao hiệu quả tương tác giữa Bộ với các Sở Tài nguyên và Môi trường và giữa các Sở với nhau, Bộ trưởng cho biết, hiện nay Chính phủ đang thiết lập trục liên thông văn bản giữa Trung ương và địa phương. Trong đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường giao Cục Công nghệ thông tin và dữ liệu TN&MT xây dựng phần mềm hệ thống kết nối thông tin hai chiều giữa Bộ và Sở TN&MT tại 63 tỉnh, thành phố.
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, công nghệ thông tin chỉ trao đổi thư điện tử thì chưa đủ, mà cần phải có một hệ thống kiến thức, cơ sở dữ liệu đồng bộ liên thông thống nhất, kết nối được ở Trung ương và địa phương. Cho nên, trong thời gian tới, Cục Công nghệ thông tin và dữ liệu TN&MT cần tập trung xây dựng hệ thống thông tin này, trước mắt là lĩnh vực đất đai, sau đó đến lĩnh vực môi trường và các lĩnh vực khác, nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong toàn Ngành.
Đối với vấn đề tập huấn, đào tạo để chuẩn hóa đội ngũ cán bộ là rất cần thiết, Bộ trưởng đề nghị Trường Đào tạo cán bộ TN&MT và Vụ Tổ chức cán bộ, sau cuộc họp này, trên cơ sở các địa phương đề xuất để tổ chức các lớp đào tạo theo chức danh như tiếp dân, thanh tra, cấp phép…nhằm chuẩn hóa chức danh gắn với nhiệm vụ cụ thể. Cần đa dạng hóa các loại hình đào tạo, đặc biệt cần tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để đào tạo trực tuyến.
Theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, đối với các nhóm vấn đề vướng mắc lớn thông qua việc triển khai quy hoạch tích hợp và quy hoạch ngành, sắp tới Bộ sẽ tổ chức một hội nghị chuyên đề để bàn về quy hoạch ngành TN&MT trong giai đoạn 2020 -2021 và giai đoạn 2020 – 2030.
Về nội dung xác định tài chính đất đai, còn hay không còn khung giá trong 5 năm tới, xác định bảng giá địa phương, phương pháp xác định, sắp tới, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ tổ chức một hội nghị chuyên đề về khung giá đất. Ngoài ra, ngay sau Hội nghị này, Bộ sẽ tổ chức một hội nghị chuyên đề để bàn về thống kê, kiểm kê đất đai.
Đối với lĩnh vực môi trường, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh: Chúng ta phải thay đổi theo hướng xác định lại tư duy và phương pháp quản lý. Ở những nước tiên tiến người ta quan niệm đến chất lượng môi trường như thế nào thì người Việt Nam cũng phải như vậy. Môi trường hiện nay của Việt Nam so với thế giới như thế nào? Trên cơ sở đó, việc xây dựng quy chuẩn môi trường phải dựa vào khả năng và tình trạng ô nhiễm, thực trạng môi trường, khả năng chịu tải của môi trường. Cho nên, cần xem xét lại toàn bộ quy trình quản lý từ khâu cấp phép, đánh giá tác động môi trường, xác định trách nhiệm người gây ô nhiễm.
Tập trung vào xử lý một số vấn đề cấp bách, đó là vấn đề xử chất thải rắn. Sắp tới chất thải nói chung sẽ do ngành TN&MT quản lý. Vì vậy, Bộ sẽ tổ chức một hội nghị bàn về cơ chế quản lý, cơ chế chính sách tài chính, quy hoạch, xã hội hóa. Chúng ta không thể coi rác thải là thứ bỏ đi mà cần phải tái sử dụng, tái chế”.
Đối với vấn đề tài nguyên nước thì phải có quy hoạch lưu vực sông. Bộ sẽ tăng cường cơ chế quản lý liên vùng, liên tỉnh; tăng cường quan trắc tổng hợp bao gồm thủy văn, môi trường nước, không khí, giám sát tổng hợp khu vực xuyên biên giới.
Đối với Luật Đo đạc và bản đồ, việc hết sức quan trọng là phải xây dựng được cơ sở dữ liệu thông tin địa lý. “Vì vậy, chúng ta phải cùng nhau triển khai Luật Đo đạc bản đồ; sớm đầu tư dự án toàn quốc trong vấn đề xây dựng cơ sở dữ liệu thông tin địa lý” - Bộ trưởng nhấn mạnh.
Đặc biệt, đối với kế hoạch sửa đổi Luật Đất đai và Luật Bảo vệ môi trường, Bộ trưởng đề nghị các địa phương khu vực phía Nam phát huy vai trò, trách nhiệm trong việc đóng góp các kiến nghị mang tính thực tế tại địa phương để làm sao khi Luật được xây dựng, ban hành phải khả thi, hiệu lực, hiệu quả, có khả năng dự báo...
Trước đó, sau phần phát biểu ý kiến của các Sở TN&MT các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam, lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường đã trao đổi, giải đáp, thảo luận những thắc mắc, kiến nghị của các địa phương. Trong đó, ông Phạm Tân Tuyến, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ; ông Khuất Hoàng Kiên, Phó Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin và Dữ liệu TN&MT; ông Lại Hồng Thanh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Địa chất và khoáng sản Việt Nam đã giải đáp, làm rõ nhiều nội dung liên quan đến lĩnh vực bộ máy, tổ chức, hoạt động của các đơn vị ngành TN&MT; vấn đề ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý nhà nước và phối hợp giữa Bộ với các Sở TN&MT địa phương; các vấn đề liên quan đến việc thực thi pháp luật trong hoạt động khai thác khoáng sản…
Cũng tại Hội nghị, ông Lê Thanh Khuyến, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai; ông Nguyễn Văn Tài, Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường đã dành nhiều thời gian tập trung trao đổi, giải thích các vướng mắc, kiến nghị trong quá trình triển khai, thi hành Luật Đất đai và Luật Bảo vệ môi trường tại địa phương; đồng thời thông báo những định hướng lớn trong nội dung sửa đổi hai bộ Luật đặc biệt quan trọng này.
BBT (Nguồn: Cổng TTĐT Bộ TN&MT)
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn