Đoàn công tác của Bộ Tài nguyên và Môi trường tham dự Hội nghị các bên tham gia các Công ước Basel, Rotterdam và Stockholm năm 2022
Theo định kỳ 02 năm một lần, Hội nghị các bên tham gia các Công ước Basel, Rotterdam, Stockholm sẽ được tổ chức nhằm thảo luận và thông qua các kết luận và quyết định của các Công ước này. Do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 nên các Hội nghị này đã được tổ chức theo hai Phiên: (i) Phiên 1 đã được tổ chức theo hình thức trực tuyến trong các ngày 26-30 tháng 7 năm 2021 và (ii) Phiên 2 được tổ chức theo hình thức trực tiếp trong các ngày 01 tháng 6 năm 2022 tại Xtốc-khôm, Thụy Điển và ngày 06-17 tháng 6 năm 2022 tại Giơnevơ, Thuỵ Sỹ. Các Hội nghị năm nay bao gồm một phiên họp cấp cao, các phiên họp toàn thể và các phiên họp kỹ thuật của riêng từng Công ước.
Hiện nay, Việt Nam là một trong các quốc gia thành viên của 03 Công ước Basel: Công ước Basel về kiểm soát vận chuyển xuyên biên giới chất thải nguy hại và việc tiêu hủy chúng (Công ước Basel); Công ước Rotterdam về các thủ tục thỏa thuận, thông báo trước đối với một số hóa chất và thuốc bảo vệ thực vật nguy hại trong thương mại quốc tế (Công ước Rotterdam) và Công ước Stockholm về các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy (Công ước Stockholm). Theo thống kê của Ban Thư ký các Công ước này, tính đến ngày 01 tháng 6 năm 2022 đã có 189 quốc gia tham gia Công ước Basel, 165 quốc gia tham gia Công ước Rotterdam và 185 quốc gia tham gia Công ước Stockholm. Với vai trò là Cơ quan đầu mối quốc gia thực hiện Công ước Basel và Công ước Stockholm, được sự đồng ý của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã thành lập Đoàn công tác gồm các đại diện của Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ Khoa học và Công nghệ tham dự trực tiếp các Hội nghị (Đối với Công ước Rotterdam, được sự cho phép của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh, Bộ Công Thương cũng đã cử đại diện Cục Hoá chất tham dự Hội nghị các bên tham gia các Công ước này). Mục tiêu tham dự các Hội nghị nhằm thể hiện trách nhiệm của Việt Nam nói chung và của ngành Tài nguyên và Môi trường nói riêng về bảo vệ môi trường và sức khỏe con người đối với Cộng đồng quốc tế, thông qua việc tham gia và thực hiện các hoạt động của Công ước Stockholm và Công ước Basel. Đồng thời tham gia đàm phán, thông qua một số quyết định quan trọng của các Công ước liên quan đến việc quản lý các hoá chất đặc biệt nguy hại là các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân huỷ theo toàn bộ vòng đời sản phẩm hoá chất và nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, sản phẩm, hàng hóa, thiết bị có chứa các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy; xử lý điểm nóng ô nhiễm hoá chất tồn lưu; thông báo và quản lý hoạt động thương mại quốc tế đối với một số các hoá chất nguy hiểm; quản lý và xử lý chất thải nguy hại; vận chuyển và xử lý chất thải nguy hại xuyên biên giới; cũng như thể hiện các kết quả đã đạt được của Việt Nam sau 27 năm tham gia Công ước Basel và 21 năm tham gia Công ước Stockholm. Nỗ lực giải quyết 03 cuộc khủng hoảng hành tinh về môi trường - ô nhiễm, biến đổi khí hậu và suy giảm đa dạng sinh học Đoàn công tác tham dự Phiên họp cấp cao của Hội nghị các bên tham gia các Công ước Basel, Rotterdam và Stockholm được tổ chức vào ngày 01 tháng 6 năm 2022 tại Xtốc-khôm, Thụy Điển. Đoàn công tác do Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường Hoàng Văn Thức làm Trưởng đoàn đã tham dự Phiên họp cấp cao của Hội nghị các bên tham gia Công ước Basel, Stockholm và Rotterdam tại Xtốc-khôm, Thụy Điển. Phiên họp có sự tham dự của một số lãnh đạo cấp Chính phủ và Nhà nước cùng hơn 100 Trưởng đoàn là cấp Bộ trưởng và các đại diện cấp cao khác. Phiên họp cấp cao gồm 03 cuộc họp đối thoại cấp cao theo các chủ đề: (i) Cơ hội để giải quyết ba cuộc khủng hoảng hành tinh về môi trường gồm ô nhiễm, biến đổi khí hậu và suy giảm đa dạng sinh học thông qua việc thực hiện các Công ước Basel, Rotterdam và Stockholm; (ii) Các cơ hội có được thông qua việc thực hiện các Công ước Basel, Rotterdam và Stockholm hướng tới quản lý vòng đời của hóa chất và chất thải; (iii) Các cơ hội để nâng cao việc thực hiện các Công ước Basel, Rotterdam và Stockholm thông qua quảng bá công nghệ mới và sạch và các cách tiếp cận sáng tạo đối với tài chính. Các phát biểu tại Phiên khai mạc và tại 03 cuộc họp đối thoại cấp cao đều nhấn mạnh và chỉ ra mối liên quan giữa quản lý hóa chất và chất thải trong khuôn khổ 03 Công ước Basel, Rotterdam, Stockholm với 03 cuộc khủng hoảng hành tinh hiện nay, cụ thể là biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường và suy giảm, mất đa dạng sinh học. Các Trưởng đoàn đã chia sẻ kinh nghiệm của quốc gia trong quản lý hóa chất và chất thải, các khó khăn thách thức đang gặp phải liên quan đến nguồn lực và công nghệ, các giải pháp và cam kết quản lý an toàn, hiệu quả hóa chất và chất thải để đóng góp cho các nỗ lực giải quyết 03 cuộc khủng hoảng hành tinh hiện nay. Một số đại diện quốc gia phát biểu kêu gọi sự đoàn kết, đồng lòng của các thành viên 03 Công ước thực thi nghiêm túc và hiệu quả các nghĩa vụ, đồng thời đề nghị Ban Thư ký đưa ra những hướng dẫn cụ thể nhằm giúp thực hiện hiệu quả hơn các Công ước này. Tại Phiên họp cấp cao của Hội nghị các bên tham gia các Công ước Basel, Rotterdam, Stockholm, Đoàn Việt Nam đã gửi tới Ban Thư ký 03 thông điệp gắn với nội dung và chủ đề của 03 cuộc họp đối thoại cấp cao, cụ thể là: (i) Thúc đẩy nền kinh tế xanh và kinh tế tuần hoàn cùng với việc quản lý hiệu quả hóa chất và chất thải là cực kỳ quan trọng để giải quyết ba cuộc khủng hoảng môi trường toàn cầu hiện nay; (ii) Hợp tác quốc tế thông qua trao đổi kiến thức và kinh nghiệm, chia sẻ các bài học và thực tiễn tốt nhất, chuyển giao công nghệ sẽ góp phần to lớn vào việc quản lý thành công vòng đời của hóa chất và chất thải; (iii) Công nghệ sẵn có tốt nhất (BAT) và Thực hành môi trường tốt nhất (BEP) kết hợp với thúc đẩy Hợp tác đối tác công-tư (PPP) là những yếu tố quan trọng để thực hiện thành công Công ước Stockholm, Basel và Rotterdam. Các Thỏa thuận toàn cầu cho một Hành tinh xanh và sạch: Quản lý an toàn hoá chất và chất thải Đoàn công tác tham dự Hội nghị các bên tham gia các Công ước Basel, Rotterdam và Stockholm được tổ chức trong các ngày 06 - 17 tháng 6 năm 2022 tại Giơnevơ, Thụy Sỹ. Vào lúc 03h chiều ngày 06 tháng 6 năm 2022 (giờ Việt Nam), Hội nghị lần thứ 15 các Bên tham gia Công ước Basel (COP15 BC), Hội nghị lần thứ 10 các Bên tham gia Công ước Rotterdam (COP10 RC) và Hội nghị lần thứ 10 các Bên tham gia Công ước Stockholm (COP10 SC) đã chính thức khai mạc tại Giơnevơ, Thuỵ Sỹ. Gần 1.000 đại biểu đại diện cho các quốc gia là thành viên của ba Công ước Basel, Rotterdam, Stockholm, các tổ chức chính trị xã hội và các tổ chức quốc tế đã tham dự Hội nghị. Đoàn công tác gồm 05 thành viên là đại diện các đơn vị của Bộ Tài nguyên và Môi trường, bao gồm Vụ Hợp tác quốc tế, Tổng cục Môi trường (Vụ Quản lý chất lượng môi trường, Vụ Quản lý chất thải) và Bộ, ngành có liên quan (Bộ Khoa học và Công nghệ) do ông Lê Hoài Nam, Vụ trưởng Vụ Quản lý chất lượng môi trường, Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường làm Trưởng đoàn tham dự các Phiên họp toàn thể, các Phiên họp kỹ thuật của từng Công ước. Chủ đề của Hội nghị là “Các Thỏa thuận toàn cầu cho một Hành tinh xanh và sạch: Quản lý an toàn hoá chất và chất thải”. Nội dung Hội nghị gồm: (i) Giới thiệu và thông qua chương trình; (ii) Các vấn đề tổ chức của các Công ước; (iii) Các vấn đề liên quan đến thực hiện Công ước Basel, Công ước Rotterdam và Công ước Stockholm; (iv) Các vấn đề điều phối và hợp tác quốc tế; (v) Tăng cường sự phối hợp và hợp tác giữa Công ước Basel, Công ước Rotterdam và Công ước Stockholm; (vi) Chương trình làm việc và kinh phí; (vii) Các vấn đề khác; (viii) Thông qua các quyết định và báo cáo của Hội nghị. Trong tuần đầu tiên tham dự Hội nghị, Đoàn công tác đã tham gia một số hoạt động cụ thể như sau: Tham dự các phiên họp tổng thể và các phiên họp kỹ thuật của khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. - Tham gia các các cuộc họp với các đối tác, tổ chức quốc tế để tăng cường sự hợp tác, trao đổi giữa các bên, đồng thời tìm kiếm nguồn tài trợ cho việc thực hiện các hoạt động của Công ước Basel, Công ước Stockholm tại Việt Nam: Ban Thư ký các Công ước Basel, Rotterdam, Stockholm và Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF). - Tham gia trình bày tại sự kiện bên lề “Nhựa và nền kinh tế tuần hoàn - Các giải pháp cộng đồng” do Chương trình Tài trợ các dự án nhỏ của Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF) và Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tổ chức ngày 09 tháng 6 năm 2022.
- Làm việc với Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) và các quốc gia tham gia Dự án (Bangladesh, Parkistan, Indonesia) về việc triển khai Dự án khu vực “Giảm phát thải hóa chất trong ngành dệt may, bao gồm các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy (POP)” do Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF) tài trợ ủy thác thông qua UNEP. - Tham gia các sự kiện bên lề của Hội nghị: Sự kiện “Quy chuẩn về giới hạn tối thiểu toàn cầu (GMTS) đối với các hóa chất nguy hại trong sản phẩm - Một công cụ hữu hiệu để bảo vệ sức khỏe con người và môi trường khỏi phơi nhiễm hóa chất độc hại” do Tổ chức Hỗ trợ Công lý Môi trường và Sức khỏe, Hiệp hội Bảo tồn Thiên nhiên Thụy Điển và OECD tổ chức ngày 07 tháng 6 năm 2022; Sự kiện “Chấm dứt ô nhiễm nhựa: Vai trò của Công ước Basel trong việc hỗ trợ xây dựng công cụ pháp lý ràng buộc mới” do Rwanda, Cơ quan Điều tra Môi trường và Ủy ban Châu Âu tổ chức ngày 10 tháng 6 năm 2022 và Sự kiện “Chương trình đặc biệt về tăng cường thể chế đối với quản lý hóa chất và chất thải” do Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) tổ chức ngày 10 tháng 6 năm 2022. - Gặp và làm việc với Tiến sỹ Lê Thị Tuyết Mai, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền, Trưởng Phái đoàn thường trực nước CHXHCN Việt Nam bên cạnh Liên hợp quốc, Tổ chức Thương mại thế giới và các tổ chức quốc tế khác tại Giơnevơ, Thụy Sỹ để trao đổi về việc tăng cường sự phối hợp giữa Bộ Tài nguyên và Môi trường và Phái đoàn trong các lĩnh vực tài nguyên và môi trường nói chung và thực hiện Công ước Basel và Công ước Stockholm nói riêng.