Để phát huy nguồn lực tài nguyên và môi trường đóng góp nhiều hơn nữa cho phát triển bền vững đất nước
Nhân dịp Xuân mới Tân Sửu 2021, Tiến sỹ Trần Hồng Hà, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có bài viết quan trọng đánh giá về những kết quả nổi bật của nhiệm kỳ 2016-2020 và định hướng lớn trong nhiệm kỳ 2021-2026 của ngành Tài nguyên và Môi trường để thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó. Cổng thông tin điện tử Bộ Tài nguyên và Môi trường xin trân trọng giới thiệu bài viết của Bộ trưởng Trần Hồng Hà.
Trong giai đoạn 2016-2020, mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức to lớn, ngành Tài nguyên và Môi trường đã phát huy tinh thần “kiến tạo, liêm chính, hành động, phục vụ nhân dân”chủ động, sáng tạo hóa giải các thách thức để trở thành ngành có đóng góp quan trọng cho phát triển đất nước. Để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao trong giai đoạn phát triển mới, cần tiếp tục đổi mới mạnh mẽ về tư duy quản lý, thúc đẩy sáng tạo trong thực thi nhiệm vụ để tài nguyên và môi trường đóng góp ngày càng lớn, quan trọng hơn vào phát triển bền vững của đất nước. Yêu cầu đổi mới tư duy quản lý từ thực tiễn Ngay từ năm đầu tiên bước vào thực hiện kế hoạch 2016-2020, mặc dù có nhiều thuận lợi nhưng ngành Tài nguyên và Môi trường cũng phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức to lớn do nhiều vấn đề tồn tại tích tụ từ trước đây như cơ chế chính sách, mô hình tăng trưởng chưa bền vững, dựa vào lợi thế tài nguyên, nhân lực giá rẻ, thâm dụng vào môi trường. Điều này xuất phát từ nguyên nhân khách quan là thực tiễn và bối cảnh đất nước khi mở cửa để thu hút đầu tư cùng với nguyên nhân chủ quan là trình độ, năng lực quản lý khi đó vẫn còn hạn chế. Đây cũng là giai đoạn phát triển các nước đều phải trải qua. Vì vậy, các lĩnh vực quản lý của ngành, đặc biệt môi trường luôn nảy sinh những vấn đề, sự cố bất ngờ, đòi hỏi ngành Tài nguyên và Môi trường phải giải quyết lâu dài. Điển hình là: Sự cố môi trường biển do doanh nghiệp Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh gây ra trong những tháng đầu năm 2016 đã gây hậu quả nghiêm trong tại 4 tỉnh miền Trung, bao gồm: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế đặt ra không chỉ đặt thách thức to lớn về đảm bảo an ninh môi trường, sinh kế cho người dân và ổn định và trật tự xã hội mà còn là bài học lớn đối với cơ quan quản lý. Đất đai luôn đứng đầu trong số các lĩnh vực nóng bỏng, với số lượng các vụ khiếu kiện đông người, phức tạp rất cao. Tài nguyên khoáng sản chưa được quản lý một cách chặt chẽ dẫn đến khai thác trái phép, sử dụng thiếu hiệu quả, gây lãng phí, thất thoát, ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Cũng trong 5 năm qua, biến đổi khí hậu (BĐKH) đã diễn biến ngày càng phức tạp, ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi lĩnh vực, mọi mặt kinh tế - xã hội ở Việt Nam. Hạn hán diễn ra gay gắt tại các tỉnh Tây Nguyên, Nam Trung Bộ, xâm nhập mặn nghiêm trọng chưa từng có xảy ra ở Đồng bằng sông Cửu Long, mưa lũ lịch sử, sạt lở đất nghiêm trọng tại miền Trung gây ra những tổn thất to lớn về người và tài sản của Nhà nước và nhân dân. 2016-2020 là giai đoạn đánh dấu sự chuyển tiếp trong chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước từ huy động tất cả các nguồn lực cho phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo; phát triển kinh tế dựa trên mô hình khai thác, sử dụng tài nguyên thiên nhiên sang giai đoạn phát triển mới với chủ trương tăng cường quản lý chặt chẽ tài nguyên, bảo vệ môi trường và chủ động ứng phó với BĐKH phục vụ phát triển bền vững đất nước. Trong khi đó, trên phạm vi toàn cầu đã hình thành những khuôn khổ pháp lý mới, đặt ra những yêu cầu rất cao về tiêu chuẩn, quy chuẩn trong quản lý, sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng với biến đổi khí hậu. Điển hình như Chương trình nghị sự phát triển bền vững đến năm 2030 của Liên hợp quốc, Thỏa thuận Paris về BĐKH... Các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mà Việt Nam vừa ký kết, tham gia cũng đặt ra những quy định ngặt nghèo về tiêu chuẩn môi trường và khí thải. Điều đó đặt ra yêu cầu cấp bách đối với ngành phải đổi mới về tư duy và hành động trên tất cả các lĩnh vực quản lý phục vụ mục tiêu phát triển bền vững đất nước, cũng như đón đầu xu thế toàn cầu để tận dụng được những cơ hội hợp tác, đối tác nhằm huy động hiệu quả hỗ trợ về chuyên môn, nguồn lực và công nghệ.
Chuyển từ bị động khắc phục sang chủ động kiểm soát, phòng ngừa
Hòa chung với dòng chảy phát triển của đất nước, bám sát sự lãnh đạo của Đảng, Quốc hội, chỉ đạo điều hành sâu sát của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự phối hợp của các Ban, Bộ, ngành, đặc biệt là nỗ lực, quyết tâm vào cuộc của các địa phương, ngành Tài nguyên và Môi trường đã từ chỗ bị động khắc phục chuyển sang chủ động nghiên cứu, chuẩn bị các nền tảng thế và lực, tăng tốc bứt phá để tạo sự chuyển biến rõ nét, thực chất trên tất cả các lĩnh vực quản lý của ngành, đặc biệt trong việc tham mưu xây dựng và ban hành các chủ trương, chính sách, cụ thể là: Hướng về cơ sở, lắng nghe người dân và doanh nghiệp, toàn ngành đã từng bước đưa ra các giải pháp lấp đầy những lỗ hổng về thể chế, chính sách để góp phần giải quyết các khó khăn vướng mắc bằng, những giải phóng, sử dụng hiệu quả các nguồn lực tài nguyên, môi trường cho phát triển đất nước. Trong đó, có thể kể đến Nghị định số 01/2017/NĐ-CP năm 2017 vận hành quan hệ đất đai đầy đủ theo cơ chế thị trường đã tạo cú hích cho đà phục hồi và phát triển của thị trường bất động sản phát triển, giải quyết nợ xấu của các tổ chức tín dụng; cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính trong thực hiện các quyền của người sử dụng đất, tạo điều kiện cho nông dân linh hoạt trong chuyển đổi sử dụng đất nông nghiệp phù hợp với nhu cầu của thi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu. Nghị định số 40/2019/NĐ-CP thể chế hóa quan điểm chuyển từ bị động sang chủ động kiểm soát, bảo vệ môi trường. Cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính, cắt giảm điều kiện kinh doanh, chuyển từ “tiền kiểm” sang “hậu kiểm”; hoàn thiện quy định về quy hoạch bảo vệ môi trường, đánh giá môi trường chiến lược; quy định các công trình phòng ngừa ứng phó sự cố môi trường phải được quy định trong đánh giá tác động môi trường; thay đổi nội dung liên quan đến điều kiện hoạt động dịch vụ quan trắc môi trường cho phù hợp với thực tiễn và lĩnh vực quản lý về môi trường; bãi bỏ một số điều kiện không cần thiết và không thuộc phạm vi quản lý của ngành. Nghị định số 148/2020/NĐ-CP vừa mới ban hành tiếp tục cởi những nút thắt về tiếp cận đất đai cho phát triển sản xuất kinh doanh, thu hút đầu tư phát triển các vùng khó khăn và các lĩnh vực có công nghệ cao được các địa phương mong chờ và kỳ vọng sẽ thúc đấy sự phục hồi của nền kinh tế trong năm 2021 và các năm tiếp theo.
Đồng thời, ngành cũng đã chủ động nghiên cứu, tham mưu và đề xuất để Đảng, Nhà nước ban hành nhiều chủ trương, chính sách lớn mang tầm chiến lược đã được xây dựng, trình ban hành để giải quyết hài giữa phát triển kinh tế, xã hội với bảo vệ môi trường, quản lý, sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên, chủ động ứng phó với BĐKH cho phát triển bền vững. Theo đó, toàn ngành đã hoàn thành tổng kết, sơ kết 3 nghị quyết quan trọng về tài nguyên và môi trường, trình Ban Chấp hành Trung ương ban hành Nghị quyết số 36/NQ-TW ngày 22/10/2018 về phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; trình Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 36-KL/TW về đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 Khóa XI, Kết luận số 56-KL/TW về đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành trung ương khóa XI; bổ sung nhiều chủ trương, giải pháp mới vào trong các văn kiện Đại hội đảng các cấp. Trình Quốc hội thông qua Luật Đo đạc và bản đồ, thiết lập cơ sở pháp lý cho quản lý hoạt động đo đạc, bản đồ và viễn thám và Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) với nhiều nội dung đổi mới, thể chế hóa được chủ trương phát triển hài hòa dựa trên 3 trụ cột kinh tế, xã hội, môi trường; thiết lập hành lang pháp lý cho phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, kinh tế các bon thấp, sử dụng tiết kiệm tài nguyên, quản lý chất thải, kiểm soát ô nhiễm và cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính. Ngành cũng đã chủ động tham mưu để Chính phủ ban hành Nghị quyết số 120 về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu, đánh dấu bước đột phá lớn trong tư duy tiếp cận về việc định hình các kế hoạch dài hạn theo hướng tổng thể, tích hợp phát triển kinh tế - xã hội với tầm nhìn dài hạn, tăng cường kết nối phát triển giữa các địa phương trong vùng, bảo đảm tính liên vùng, liên ngành, có trọng tâm, trọng điểm thông qua cơ chế điều phối thống nhất.
Tăng cường kiện toàn bộ máy, thúc đẩy chuyển đổi số Bộ và ngành Tài nguyên và Môi trường đã tăng cường kiện toàn bộ máy, tích cực thúc đẩy chuyển đổi số, đẩy mạnh cải cách hành chính trong thực thi nhiệm vụ. Đặc biệt, chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác chỉ đạo điều hành là một trong những điểm nhấn quan trọng của Bộ Tài nguyên và Môi trường trong thời gian qua. Trong định hướng phát triển, Bộ luôn coi kinh tế số vừa là động lực, vừa là giải pháp để quản trị, lượng hóa, hạch toán, thực hiện đồng thời 2 mục tiêu, vừa giảm áp lực với môi trường tự nhiên, vừa tạo giá trị lớn cho xã hội. Bộ Tài nguyên và Môi trường đã là sớm xây dựng hành lang pháp lý; triển khai các ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và là Bộ đầu tiên ban hành và triển khai Kiến trúc Chính phủ điện tử phiên bản 2.0. Đến nay, các ứng dụng trong quản lý điều hành, kết nối từ Trung ương, đến địa phương đã được triển khai. Thiết lập nền tảng thông tin phục vụ điều hành, thực hiện hội nghị, họp và đang hướng đến mục tiêu văn phòng không giấy tờ. Với sự chủ động chuẩn bị, nên trong quá trình thực hiện dãn cách xã hội các hoạt động của ngành vẫn đảm bảo thông suốt; nhiều Hội nghị, diễn đàn quốc tế diễn ra bình thường theo kế hoạch ngay cả trong bối cảnh đại dịch Covid-19 tác động nghiêm trọng. Ngành cũng đã thiết lập tài nguyên số thông qua xây dựng các dữ liệu điều tra, khảo sát, quan trắc, đo đạc thu nhận dữ liệu sử dụng công nghệ số tích hợp giải pháp thông minh sử dụng công nghệ kết nối internet vạn vật (IoT). Hoàn thành đưa vào vận hành cơ sở dữ liệu của 192 đơn vị hành chính cấp huyện; cơ sở dữ liệu siêu dữ liệu viễn thám quốc gia; dữ liệu về thông tin địa lý. Đặc biệt, đã đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính: đơn giản hóa 80,1% thủ tục, bãi bỏ, thay thế 62,6% điều kiện đầu tư kinh doanh, rà soát cắt giảm 50% số mặt hàng thuộc danh mục kiểm tra chuyên ngành, cắt giảm 1/3-1/2 thời gian thực hiện thủ tục khi thực hiện các quyền của người sử dụng đất, thủ tục về môi trường, qua đó, góp phần tiết kiệm được khoảng 1.047 tỷ đồng/năm. 100% thủ tục hành chính được thực hiện theo hình thức trực tuyến, trong đó 50,09% số lượng thủ tục cấp độ 4. Nhờ đó, trong 05 năm qua, tính riêng xếp hạng của Bộ về ứng dụng công nghệ thông tin của Chỉ số VietNam ICT đã tăng 15 bậc từ thứ 21 lên thứ 6 trong số các Bộ, ngành, chỉ số dịch vụ công trực tuyến đã tăng 11 bậc từ 21 lên thứ 10. Tổ chức bộ máy đã được toàn ngành đẩy mạnh kiện toàn từ trung ương đến địa phương; đổi mới lề lối làm việc, tăng cường hướng về cơ sở, đổi mới cách thức chỉ đạo, điều hành; tập trung hoàn thiện thể chế, tháo gỡ và bổ sung những khoảng trống pháp luật như đã nói ở trên; tổ chức xây dựng và thực hiện bài bản các chương trình, kế hoạch công tác.
Đã có nhiều dấu ấn đậm nét nhưng cũng còn đó một số nốt trầm Trong năm 2020, mặc dù chịu tác động nặng nề do đại dịch Covid-19 và thiên tai khốc liệt, Việt Nam vẫn là điểm sáng trên thế giới về phát triển kinh tế - xã hội khi đứng trong nhóm các nước có mức tăng trưởng kinh tế cao trên thế giới. Trong đó, có những đóng góp mang dấu ấn đậm nét của ngành vào thành tựu chung của đất nước thể hiện ở các khía cạnh sau: Các nguồn tài nguyên được quản lý chặt chẽ, sử dụng hiệu quả. Tài nguyên khoáng sản, giá trị địa chất được điều tra, quản lý, sử dụng hiệu quả gắn với công nghiệp chế biến đóng góp cho tăng trưởng. Tổng số tiền đã phê duyệt cấp quyền khai thác tài nguyên nước đạt khoảng 10,6 nghìn tỷ đồng, từ cấp quyền khai thác khoáng sản đạt hơn 23 nghìn tỷ đồng cho ngân sách 5 năm qua. Tình trạng lãng phí các nguồn tài nguyên được khắc phục. Đặc biệt năm 2020 trong bối cảnh nguồn thu ngân sách khó khăn nguồn thu từ đất đai vẫn đạt 170% kế hoạch, khoảng sản đạt 112% kế hoạch đóng góp cho ngân sách. Đã hoàn thành công tác lập bản đồ địa chất, khoáng sản cho 70% diện tích đất liền, xác định tiềm năng, giá trị địa chất, khoáng sản cho phát triển kinh tế xã hội. Khắc phục tình trạng xuất khẩu khoáng sản thô; khai thác khoáng sản không đi đôi với bảo vệ môi trường; thiết lập hành lang pháp lý trong phối hợp xử lý vi phạm trong khai thác thác cát sỏi lòng sông. Riêng trong lĩnh vực đất đai, đã chuyển dịch hơn 230 nghìn ha đất sang các mục đích phi nông nghiệp cho phát triển sản xuất, kinh doanh, hạ tầng,..tạo ra hiệu quả lớn về kinh tế, xã hội, đóng góp gần 850 nghìn tỷ đồng vào ngân sách (năm 2020 cao gấp hơn 2 lần năm 2015); đưa gần 1 triệu ha đất chưa sử dụng vào sử dụng chủ yếu cho phát triển rừng đưa độ che phủ rừng lên 42% năm 2020; trong giai đoạn 2016-2020 cấp mới trên 3,3 triệu Giấy chứng nhận lần đầu, đưa tỷ lệ diện tích được cấp giấy lên 97,36%. Cơ bản hoàn thành việc sắp xếp nâng cao hiệu quả sử dụng đối với 2 triệu ha đất của các công ty nông, lâm nghiệp và triển khai sắp xếp đất đai có nguồn gốc từ các nông, lâm trường quốc doanh; xử lý thu hồi, yêu cầu đưa vào sử dụng gần 100 nghìn ha đất của các dự án chậm triển khai để mang lại hiệu quả lớn về kinh tế. Các lợi thế của vùng biển, ven biển tiếp tục được phát huy, đóng góp 60% GDP của cả nước. Triển khai thực hiện nhiều đề án, kế hoạch, chương trình để cụ thể hóa Nghị quyết số 36 như hợp tác quốc tế về phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030; tăng cường năng lực cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ công tác quản lý tổng hợp và điều tra cơ bản tài nguyên và môi trường biển, hải đảo đến năm 2030. Tài nguyên nước từng bước được quản lý sử dụng bền vững, đảm bảo an ninh, an toàn phục vụ đa mục tiêu; tập trung triển khai thực khắc phục tình trạng ô nhiễm nguồn nước tại các dòng sông lớn. Đồng thời, tập trung triển khai thực hiện công tác điều tra tìm kiếm nguồn nước phục vụ dân sinh vùng hạn mặn, vùng cao, biên giới, hải đảo; nghiên cứu giải pháp trữ nước cho Đồng bằng sông Cửu Long; các giải pháp tổng thể về quản lý sử dụng bền vững tài nguyên nước đảm bảo an ninh nguồn nước. Chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường được tập trung hoàn thiện; phương thức quản lý được đổi mới, chuyển trọng tâm từ bị động ứng phó sang chủ động phòng ngừa các nguy cơ ô nhiễm từ giai đoạn đầu tư, giám sát chặt chẽ nguồn thải lớn. Chất lượng các thành phần môi trường được cải thiện, đóng góp cho tăng trưởng bền vững, đặc biệt sau sự cố môi trường biển tại 4 tỉnh miền Trung năm 2016. Công tác bảo vệ môi trường đã tạo sức lan tỏa lớn trong cộng đồng cũng như toàn xã hội với nhiều mô hình tổ chức bảo vệ môi trường, giảm thiểu rác thải nhựa đã được các cộng đồng dân cư tích cực triển khai rất hiệu quả, đặc biệt có sự tham gia tích cực của của các tổ chức tôn giáo. Nhờ đó, tỷ lệ người dân quan ngại về môi trường giảm từ 12,53% xuống còn 8,85% năm 2019; góp phần đưa chỉ số phát triển bền vững năm 2020 của Việt Nam tăng 34 bậc từ 88 năm 2016 lên 49/166 quốc gia và vùng lãnh thổ, đứng thứ hai ở khu vực Đông Nam Á (chỉ xếp sau Thái Lan) theo xếp hạng của Liên hợp quốc.
Tuy nhiên, cùng với những thành tựu quan trọng vẫn còn đó những cung trầm, buộc ngành phải tiếp tục nỗ lực hơn nữa để giải quyết trong thời gian tới, như là: Biến đổi khí hậu vẫn rất khó lường, ngày càng cực đoan, khó đoán định, thiên tai, bão lũ vì vậy cũng ngày càng trở nên khó dự báo hơn bao giờ hết, đòi hỏi nỗ lực mạnh mẽ hơn và nguồn lực đầu tư nhiều hơn để ứng phó. Vấn đề an ninh nguồn nước vẫn tiếp tục là vấn đề cấp bách trong hiện tại và tương lai, trong khi đó, theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới, vẫn còn những bất cập về thể chế trong lĩnh vực tài nguyên nước. Lĩnh vực quản lý đất đai đang đứng trước đòi hỏi phải tiếp tục đổi mới về lý luận và thực tiễn quản lý mới có thể giải quyết được mâu thuẫn và xung đột trong quá trình chuyển đổi mục đích sử dụng và thu hồi đất đai. Lĩnh vực địa chất và khoáng sản và một số lĩnh vực điều tra cơ bản bị chảy máu chất xám, chưa được quan tâm đầu tư để đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ trong giai đoạn mới.
Để phát huy nguồn lực tài nguyên và môi trường đóng góp nhiều hơn nữa cho phát triển bền vững đất nước Quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, có tầm ảnh hưởng lớn, quan hệ, tác động qua lại, cùng quyết định sự phát triển bền vững của đất nước; là cơ sở, tiền đề cho hoạch định đường lối, chính sách phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và an sinh xã hội. Nội dung về quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu là một trong những nội dung quan trọng trong dự thảo Văn kiện trình Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, được Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước hết sức quan tâm; có sự đóng góp trí tuệ không chỉ của ngành Tài nguyên và Môi trường mà còn có tâm huyết, gửi gắm của các nhà khoa học và Nhân dân. Theo đó, phát triển phải hài hòa giữa kinh tế, xã hội và môi trường; lấy bảo vệ sức khoẻ nhân dân làm mục tiêu hàng đầu, ứng xử hài hoà với thiên nhiên, theo quy luật tự nhiên, coi đầu tư cho bảo vệ môi trường là đầu tư cho phát triển bền vững; chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu trong mối quan hệ toàn cầu, tạo cơ hội thúc đẩy chuyển đổi mô hình tăng trưởng; khai thác, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, bền vững các nguồn lực tài nguyên vừa đáp ứng yêu cầu trước mắt, vừa bảo đảm lợi ích lâu dài, trong đó lợi ích lâu dài là cơ bản, bảo đảm an ninh tài nguyên trên cơ sở phương thức quản lý tổng hợp và thống nhất, liên vùng; đánh giá đầy đủ các giá trị, định giá, hạch toán trong nền kinh tế, đảm bảo công bằng, dân chủ, khách quan trong tiếp cận các nguồn tài nguyên trên cơ sở thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Đây là chủ trương lớn mang tầm thời đại, phục vụ phát triển bền vững đất nước cùng với nhiều giải pháp lớn như phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh,.. được nhấn mạnh trong Văn kiện lần này. Để đạt được mục tiêu trên, bên cạnh sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, cần có sự vào cuộc của tất cả các cấp, các ngành cũng như toàn xã hội. Cụ thể là: Một là, tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật trên cơ sở triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Trong đó, sẽ tập trung tổng kết đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết số 19 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI và thi hành Luật Đất đai, đề xuất các nội dung cần sửa đổi, bổ sung để làm cơ sở cho Ban Chấp hành Trung ương ban hành Nghị quyết mới làm định hướng sửa đổi căn bản, toàn diện Luật Đất đai năm 2013. Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 02-NQ/TW ngày 25/4/2011 của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược khoáng sản và Luật Khoáng sản. Chuẩn bị để trong nhiệm kỳ này tiến hành tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương về chủ động ứng phó với BĐKH, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường. Xây dựng ban hành đồng bộ các văn bản quy định chi tiết Luật Bảo vệ môi trường 2020 để có hiệu lực đồng thời với Luật theo hướng đổi mới các mô hình phát triển dựa trên sự hài hoà, sự bền vững về hệ sinh thái, đồng thời phải thay đổi nhận thức, ý thức, dần hình thành văn hoá ứng xử đối với thiên nhiên. Tiếp tục rà soát hoàn thiện các quy định của pháp luật về tài nguyên nước, khoáng sản, quản lý tổng hợp biển và hải đảo. Hai là, thúc đẩy hơn nữa cải cách hành chính, đẩy mạnh phát triển Chính phủ điện tử, chuyển đổi số, phát triển kinh tế số. Tăng cường cắt giảm đơn giản hóa ít nhất 20% thủ tục hành chính. Thực hiện mục tiêu cung cấp dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3, 4 đối với 90% thủ tục hành chính của ngành. Tăng cường sự phối hợp giữa Trung ương và địa phương thiết lập hệ thống theo dõi đánh giá việc quản lý sử dụng tài nguyên; thực hiện đánh giá xếp hạng chỉ số bảo vệ môi trường cấp tỉnh. Tăng cường đầu tư cho quan trắc, điều tra cơ bản, ứng dụng công nghệ hiện đại, chuyển đổi số để phát huy tiềm năng lớn về tài nguyên số từ dữ liệu không gian, đất đai, địa chất, biển thành nguồn tài nguyên số nhằm cung cấp nền tảng cho việc chuyển đổi số quốc gia, phát triển trí tuệ nhân tạo thông qua xây dựng nền tảng cơ sở dữ liệu, Internet kết nối vạn vật. Tăng cường hiện đại hóa hệ thống quan trắc, nâng cao chất lượng dự báo khí tượng thủy văn, cảnh báo thiên tai, giám sát khí hậu cùng với việc đánh giá đầy đủ tác động do BĐKH, xây dựng các quyết sách tổng thể, giải pháp thông minh về ứng phó với biến đổi khí hậu, nâng cao tính chống chịu và khả năng thích ứng với BĐKH của hệ thống kết cấu hạ tầng và của nền kinh tế và từng lĩnh vực. Đến năm 2030, cơ bản đạt mục tiêu phát triển bền vững về tài nguyên, môi trường và ứng phó với BĐKH. Ba là, kiện toàn tổ chức bộ máy, phát triển và thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao; đẩy mạnh đầu tư cho nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ; tăng cường hợp tác quốc tế, huy động hiệu quả nguồn lực tri thức, tài chính để giải quyết những vấn đề quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với BĐKH trong nước. Tiếp tục xây dựng, kiện toàn tổ chức bộ máy tinh gọn, hiệu quả giảm khâu trung gian gắn với hiện đại hóa ngành; thu hút, phát triển đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất, năng lực thực thi nhiệm vụ. Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, thanh tra, giám sát việc thực thi các quy định pháp luật trong lĩnh vực tài nguyên, môi trường, ngăn chặn và xử lý nghiêm mọi hành vi vi phạm pháp luật. Đẩy mạnh công tác nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ, đặc biệt là thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư vào điều tra, quan trắc về tài nguyên và môi trường nhằm thống kê, kiểm kê, quy hoạch đồng bộ và hạch toán đầy đủ giá trị của tài nguyên, môi trường trong nền kinh tế; giám sát việc thực thi về quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với BĐKH. Tăng cường hợp tác khu vực, quốc tế về khai thác sử dụng bền vững tài nguyên nước, giải quyết vấn đề ô nhiễm rác thải nhựa, ứng phó với BĐKH. Tham gia tích cực và trách nhiệm vào các khuôn khổ hợp tác, những chế định mang tính toàn cầu liên quan đến vấn đề môi trường, BĐKH, rác thải nhựa, tranh thủ cũng như huy động hiệu quả nguồn lực, hỗ trợ từ các khuôn khổ hợp tác đa phương và song phương.
TS. Trần Hồng Hà Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Ban Cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường