Thách thức của ngành xuất bản trước cuộc cách mạng công nghiệp 4.0
Trong xã hội văn minh, đọc sách là để tiếp nhận, khai thác kho tàng tri thức của nhân loại giúp hoàn thiện nhân cách, phát triển con người… đó là một nhu cầu thường xuyên, chính đáng và lâu dài. Nhưng có một thực tế không thể phủ nhận, đó là hiện nay sách in hay các xuất bản phẩm truyền thống không còn giữ vị thế độc tôn như trước đây. Sự phát triển như vũ bão của ngành công nghệ thông tin đã kéo theo một loạt những thay đổi sâu sắc trong những lĩnh vực về truyền thông, báo chí, văn hóa giáo dục… cách thưởng thức và tiếp nhận xử lý thông tin của con người cũng theo xu thế công nghệ mà diễn ra dưới nhiều hình thức mới, độc giả ngày càng có thói quen mua bán, trao đổi và lựa chọn các xuất bản trực tuyến thông qua các thiết bị có kết nối internet, các phần mềm hỗ trợ trên smartphone.
Xuất hiện vào những năm cuối thế kỷ XX, xuất bản điện tử đã làm cho ngành công nghiệp xuất bản thế giới có những chuyển hóa sâu sắc, khi các thiết bị lưu trữ và phổ biến thông tin kỹ thuật số ngày càng chiếm vị trí quan trọng nhờ những ưu thế về dung lượng, sự tiện lợi. Đi đầu là các tập đoàn công nghệ thông tin với sự góp mặt của các tên tuổi lớn như Google, Yahoo, Facebook,... kết hợp với các nhà sản xuất như Apple, SamSung, Nokia, Sony,... Sự kết hợp này đã tạo nên nguồn tư liệu khổng lồ với hàng chục triệu xuất bản phẩm sách, bản đồ điện tử … trên toàn thế giới được tích hợp sẵn trên các thiết bị điện tử cho phép chúng ta tìm đường, thu thập thông tin và tải ảnh vệ tinh, bản đồ của mọi nơi. Xuất bản điện tử đã đến với mọi đối tượng người dùng một cách tự nhiên và nhanh chóng nhất.
Với ưu thế là một trong những quốc gia có tốc độ phát triển internet hàng đầu khu vực và trên thế giới, Việt Nam chúng ta hoàn toàn đủ nền tảng cơ bản để bước vào giai đoạn xuất bản điện tử trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0.
Ngày 25/8/2004, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ra Chỉ thị số 42/CT-TW về nâng cao chất lượng toàn diện của hoạt động xuất bản, trong đó xác định cần tổ chức “nghiên cứu thí điểm xuất bản sách điện tử”, đây là một dấu mốc quan trọng trong hoạt động xuất bản. Năm 2012, Luật Xuất bản sửa đổi đã dành hẳn một đến hai chương quy định về xuất bản điện tử. Tiếp theo sau là Nghị định số 195/2013/NĐ-CP của Chính phủ, Thông tư 23/2014/TT-BTTTT và Thông tư 42/2017/TT-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông đã quy định và hướng dẫn chi tiết việc quản lý xuất bản và phát hành xuất bản phẩm điện tử. Đến nay, trên cả nước mới chỉ có ba nhà xuất bản được cấp phép xuất bản điện tử, trong đó Nhà xuất bản Tài nguyên môi trường và Bản đồ Việt Nam là nhà xuất bản duy nhất được cấp phép xuất bản điện tử các thể loại bản đồ.
Trong khi đó, trên nhiều website của các tổ chức và cá nhân trong nước hiện có rất nhiều sách điện tử bằng tiếng Việt hay các bản đồ Việt Nam được phát hành tràn lan, hoàn toàn chưa có sự kiểm soát và cấp phép bởi các cơ quan quản lý xuất bản. Việc này gây nguy hại lớn nếu như các xuất bản điện tử đó mang các nội dung tuyên truyền chống phá, hoặc sai lệch về chủ quyền lãnh thổ, gây mất đoàn kết dân tộc, làm lu mờ bản sắc văn hóa dân tộc hay làm ảnh hưởng đến lối sống của thế hệ trẻ… Đây là nguyên nhân lớn nhất tạo nên áp lực với các nhà xuất bản trong công tác quản lý xuất bản, phát hành các xuất bản phẩm điện tử.
Nhà xuất bản Tài nguyên môi trường và Bản đồ Việt Nam là nhà xuất bản duy nhất được cấp phép xuất bản điện tử các thể loại bản đồ
Nhà xuất bản Tài nguyên Môi trường và Bản đồ Việt Nam (sau đây gọi tắt là Nhà xuất bản) là cơ quan xuất bản, in, cấp phép và phát hành, đơn vị sản xuất – kinh doanh trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường. Danh mục đầu xuất bản phẩm của Nhà xuất bản là rất lớn, đó là các xuất bản phẩm thuộc các lĩnh vực của ngành Tài nguyên và Môi trường, bao gồm các tài liệu, bản đồ phục vụ quản lý đất đai, quản lý môi trường, địa chất - khoáng sản, tài nguyên nước, khí tượng thủy văn, biển và hải đảo, đo đạc-bản đồ, các văn bản quy phạm pháp luật tài nguyên và môi trường,... Những xuất bản phẩm này có ý nghĩa rất quan trọng trong việc nâng cao hiệu lực quản lý ngành, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và tuyên truyền, nâng cao nhận thức, hiểu biết của nhân dân.
Đặc thù của chuyên ngành Bản đồ - Thông tin địa lý luôn gắn bó với việc phát triển và ứng dụng GIS (Geographic information system – Hệ thống thông tin địa lý) nên Nhà Xuất Bản đã ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động chuyên môn từ rất sớm. Cách đây hơn 20 năm, ngay từ thuở mới sơ khai về ứng dụng công nghệ thông tin trong xuất bản ở Việt nam, Nhà xuất bản đã bước đầu tạo ra những xuất bản phẩm điện tử có giá trị. Có thể kể đến như sách điện tử “Chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954”, “Mùa xuân toàn thắng 1975”... là những sản phẩm có tính giáo dục cao, sinh động về mặt đồ họa, được tích hợp nhiều 3 phương thức truyền tải thông tin (gồm: bài viết, hình ảnh, mô hình chuyển động, tương tác, video, ...); Từ năm 2007 một chuỗi các sản phẩm Atlas điện tử của các tỉnh như Đắk Lắk, Bình Dương, Hưng Yên, Đồng Nai, Quảng Ninh… được đóng gói dưới dạng đĩa CD hoặc được phát hành trên Cổng Thông tin địa phương.
Nhà xuất bản đã thực hiện xây dựng hệ thống dữ liệu nền địa lý tự nhiên – hạ tầng kinh tế xã hội phủ trùm toàn quốc. Đây là nguồn tư liệu cơ bản, đồng bộ, được cập nhật định kỳ theo các tài liệu pháp lý và là nguồn tư liệu quan trọng làm cơ sở để quản lý, kiểm tra các xuất bản phẩm khi cấp phép. Hệ thống dữ liệu cũng được sử dụng để biên tập các xuất bản phẩm điện tử, thành lập các cơ sở dữ liệu chuyên ngành mà gần đây là hệ thống bản đồ hành chính phát hành trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ được thực hiện bằng công nghệ là webgis.
Là một nhà xuất bản có bề dày kinh nghiệm trong công tác biên tập, xuất bản các xuất bản phẩm điện tử thuộc lĩnh vực bản đồ và tài nguyên môi trường; là nhà xuất bản duy nhất được cấp phép xuất bản điện tử các thể loại bản đồ trên toàn quốc cho đến nay. Tuy nhiên việc theo dõi, quản lý xuất bản điện tử trên phạm vi 10 lĩnh vực của Bộ Tài nguyên và Môi trường quản lý trong bối cảnh hoạt động xuất bản điện tử ở nước ta trong thời kỳ hội nhập còn hết sức phức tạp, thiếu kiểm soát như đã phân tích ở trên đang thực sự là một thách thức đối với Nhà xuất bản.
Để vượt qua thách thức này, bên cạnh việc xây dựng môi trường pháp lý, xây dựng một cơ sở hạ tầng phù hợp, thay đổi về mô hình và quy trình xuất bản điện tử hài hòa xuất bản truyền thống, đẩy mạnh xây dựng chất lượng đội ngũ biên tập viên về chuyên ngành và kiến thức nền tảng về việc bảo mật an toàn an ninh thông tin… thì còn cần phải có những phương tiện làm việc hữu hiệu, trong đó hệ thống cơ sở dữ liệu nền địa lý, hạ tầng kinh tế - xã hội và các nội dung cơ bản của các chuyên ngành thuộc quản lý của Bộ Tài nguyên và Môi trường phủ trùm toàn quốc sẽ là phương tiện “mềm” đặc biệt hữu hiệu trong công tác quản lý đồng bộ, toàn diện xuất bản điện tử lĩnh vực tài nguyên môi trường trên toàn quốc.
BBT (Nguồn: Cổng TTĐT Bộ TN&MT)
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn