Phiên họp Chính phủ trực tuyến với các địa phương hôm nay (4/7) đã ghi nhận các kiến nghị của 15 địa phương với 76 vấn đề từ báo cáo của 367 vấn đề. Thủ tướng lưu ý Văn phòng Chính phủ ghi chép, tổng hợp đầy đủ các ý kiến phát biểu, việc gì cần Thủ tướng chỉ đạo thì báo cáo Thủ tướng, các Phó Thủ tướng, việc gì thuộc Bộ thì giao Bộ xử lý, giải quyết, trả lời cho địa phương với thời hạn cụ thể. Việc gì thuộc thẩm quyền của bộ, ngành, địa phương thì có văn bản đôn đốc, theo dõi, không được để tình trạng ý kiến của địa phương, của các bộ được nghe nhưng không được trả lời.
Nhấn mạnh quan điểm chỉ đạo điều hành nhất quán của Chính phủ: Kiên quyết không lùi bước trước khó khăn, thách thức, kiên định với mục tiêu, nhiệm vụ đề ra; Thủ tướng cũng đề cập đến một số kết quả tích cực về an sinh xã hội, quốc phòng, an ninh, đổi mới sáng tạo…
Thủ tướng chỉ ra các rủi ro, thách thức, tồn tại cần lưu ý thời gian tới. Trước hết là rủi ro, thách thức từ bên ngoài như kinh tế thế giới nhạy cảm, nhiều rủi ro; các động lực tăng trưởng chính đang có dấu hiệu chậm lại; áp lực lạm phát còn hiện hữu; các hiện tượng thời tiết cực đoan ảnh hưởng tiêu cực đến nông nghiệp; giải ngân vốn đầu tư công, vốn ODA tiếp tục là điểm nghẽn. Vì vậy, Thủ tướng yêu cầu tất cả Bộ trưởng, Chủ tịch, cơ quan thuộc Chính phủ đều phải kiểm điểm việc này và sẽ có chế tài nghiêm để xử lý vấn đề giải ngân.
Đặc biệt chú trọng rủi ro từ căng thẳng thương mại Mỹ - Trung, Thủ tướng cho rằng cần theo dõi, phối hợp, có động thái chính sách nhằm hạn chế tối đa rủi ro. “Tôi vừa ký "Đề án tăng cường quản lý Nhà nước về chống lảng tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ". Các bộ, cơ quan liên quan cần cương quyết xử lý vi phạm”, người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh.
Trên cơ sở đó, Thủ tướng khẳng định quyết tâm phấn đấu hoàn thành toàn diện kế hoạch 2019 của cả nước, của từng bộ, ngành, địa phương, góp phần thực hiện thành công kế hoạch 5 năm 2016 -2020. “Cho nên, dứt khoát không có chuyện điều chỉnh bất cứ một chỉ tiêu nào đã giao cho các đồng chí”, Thủ tướng kiên quyết.
Về định hướng nhiệm vụ, giải pháp những tháng tới, Thủ tướng nêu rõ đối với rủi ro bên ngoài, cần theo dõi, bám sát, cập nhật và đánh giá đầy đủ tác động của căng thẳng thương mại Mỹ - Trung, đưa ra các giải pháp, kịch bản kịp thời, phù hợp, tận dụng các FTA đã ký và tập trung phát triển thị trường trong nước. Kiểm tra đánh giá ngay tình trạng đội lốt nhãn mác hàng hóa xuất xứ Việt Nam, xử lý nghiêm vi phạm.
Theo dõi, đánh giá, dự báo tác động của thị trường tài chính tiền tệ quốc tế, có giải pháp kịp thời, bảo đảm ổn định lãi suất và tỷ giá, thị trường ngoại hối, tiếp tục tăng dự trữ ngoại hối, tạo bước đệm chống chọi với các cú sốc bên ngoài. Trong vấn đề này, cần chú ý một số ý kiến từ phía Hoa Kỳ trong mua ròng ngoại hối. Cần duy trì kênh liên lạc thường xuyên với các cơ quan chuyên môn của phía Hoa Kỳ để họ nhìn nhận vấn đề một cách khách quan, thận trọng.
Tiếp tục tìm cách thu hút các nhà đầu tư, các chuỗi cung ứng đang tìm cách di chuyển khỏi các nước vào Việt Nam. Cho biết sắp trình Bộ Chính trị Đề án thu hút FDI, Thủ tướng nêu rõ tinh thần lớn trong thu hút FDI là phải có chọn lọc, chú trọng vào các tập đoàn hàng đầu thế giới, có công nghệ cao, thân thiện với môi trường. “Sắp tới, sẽ thành lập tổ công tác đặc biệt đón làn sóng FDI mới vào Việt Nam”, Thủ tướng thông báo.
Theo Thủ tướng, cần đưa ra các tiêu chí lựa chọn doanh nghiệp nước ngoài đến đầu tư; đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, vốn ODA. Các bộ, ngành, địa phương cần lập tổ công tác xử lý việc này. Cần thiết thì điều chuyển vốn của những ngành, địa phương làm chậm cho ngành, địa phương khác. Kết quả cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh ở địa phương, ở các ngành sẽ được đưa vào đánh giá thi đua cuối năm. Xử lý nghiêm tình trạng nhũng nhiễu, hối lộ, cản trở phát triển.
Thủ tướng cũng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước sớm trình sửa đổi Nghị định 96 về xử phạt hành chính trong lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng mà “một số quy định chúng ta thấy đã lạc hậu”. Bộ Tài chính làm đầu mối sớm trình sửa Nghị định 20 về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết, Nghị định về thanh toán tài sản công.
Đánh giá kinh tế là một dòng chảy, không được dừng, cần giải quyết các tồn tại để dòng chảy ấy ngày càng lớn, Thủ tướng nhấn mạnh, đây là trách nhiệm của Chính phủ kiến tạo phát triển.
Xây dựng thể chế, chính sách để tạo điều kiện phát triển là việc quan trọng hàng đầu. Cần lưu ý không chỉ lo kinh tế, lo tăng trưởng mà phải lo cả bảo vệ môi trường, đặc biệt là vấn đề xã hội, bảo đảm tam giác phát triển kinh tế - xã hội-môi trường. Nếu không chú ý vấn đề xã hội đúng mức thì đến một lúc nào đó, kinh tế không phát triển được nữa, rất nguy hiểm. Thủ tướng cảnh báo một số địa phương còn chạy theo phát triển kinh tế, chưa chú ý đúng mức vấn đề xã hội.
“Có nhiều ý kiến đề nghị chúng ta nên có "Chương trình quốc gia xanh đường, sạch phố”, Thủ tướng nêu, không để tình trạng bẩn thỉu, nhếch nhác, trong khi du lịch phát triển mạnh mẽ như vậy. Hay vấn đề rác thải nhựa, rác thải nhựa đại dương, không chỉ phát động phong trào mà cần có thể chế đối với vấn đề này như chính sách thuế làm sao, chế tài như thế nào, giải quyết việc làm ở những nơi sản xuất nhựa… Như thế mới thành công, chứ không làm nửa vời, Thủ tướng nhấn mạnh.
Mặt khác, Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương sớm có đánh giá biểu giá điện, phương thức tính giá, để đề xuất giải pháp phù hợp nhất là đối với người dân. Thủ tướng cũng nhấn mạnh việc bảo đảm nguồn cung ứng điện bởi “điện không chỉ là vấn đề kinh tế, bởi nếu mất điện thì thành vấn đề chính trị, an ninh trật tự”. Vấn đề này cần lo ngay từ bây giờ chứ không để đến năm 2022-2023.
Đối với công tác thông tin truyền thông, Thủ tướng nêu rõ tinh thần là xây dựng ý chí dân tộc mạnh mẽ, vươn lên sánh vai với các cường quốc năm châu như lời dặn của Bác Hồ. Cần đưa các mô hình tốt, gương tốt, chống thông tin giả, xấu độc, phá hoại, truyền thông cần phải chính xác, trung thực.
BBT (Nguồn: Báo TN&MT)
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn