Tích cực triển khai các nhiệm vụ được giao
Phát biểu tại Hội nghị, ông Đặng Ngọc Điệp, Chánh văn phòng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết: “Trong quý I/2019, các đơn vị của Bộ Tài nguyên và Môi trường đều tích cực tập trung triển khai các nhiệm vụ ngay từ ngày đầu năm, vì vậy tình hình giải quyết các nhiệm vụ đã có những chuyển biến tích cực”.
Bộ đã trình Thủ tướng Chính phủ 05 đề án, trong đó có 02 đề án trình trước tiến độ (Đề án tổ chức Hội nghị đồng bằng sông Cửu Long và Đề án tổ chức Hội nghị phân ban hợp tác Việt Nam - Hà Lan); tích cực đôn đốc triển khai thực hiện Chương trình công tác, nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo Bộ giao; giải quyết các thủ tục hành chính,…
Tại Hội nghị cũng đã trao đổi, thảo luận và tháo gỡ các vướng mắc trong triển khai các nhiệm vụ liên quan đến công tác tổ chức cán bộ và cải cách hành chính; ứng dụng công nghệ thông tin trong toàn Ngành; tình hình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật quý I, triển khai nhiệm vụ quý II năm 2019; kết quả rà soát, giải quyết các kiến nghị, vướng mắc của địa phương về chính sách, pháp luật tài nguyên và môi trường; chuẩn bị cho Bộ trưởng tham dự kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XII; tình hình triển khai thực hiện Chương trình hành động của Bộ thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP, số 02/NQ-CP; tình hình thực hiện các nhiệm vụ, dự án theo kế hoạch,…
Các kết quả cụ thể, tập trung xây dựng thể chế, chính sách, pháp luật, Bộ đã hoàn thiện hồ sơ lập đề nghị xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật bảo vệ môi trường, Nghị quyết của Quốc hội về miễn tiền cấp quyền khai thác khoáng sản và khai thác tài nguyên nước theo Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019. Đã trình và được Chính phủ ban hành Nghị định số 03/2019/NĐ-CP ngày 04/01/2019 về hoạt động viễn thám, Nghị định số 27/2019/NĐ-CP ngày 13/3/2019 quy định chi tiết một số điều của Luật đo đạc và bản đồ; bổ sung, hoàn thiện các dự thảo Nghị định quy định lộ trình và phương thức giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, Nghị định sửa đổi, bổ sung các Nghị định quy định chi tiết Luật bảo vệ môi trường, Nghị định sửa đổi bổ sung Nghị định số 102/2014/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai, Nghị định về quản lý cát sỏi lòng sông và bảo vệ lòng, bờ, bãi sông theo ý kiến của các thành viên chính phủ. Tiếp thu ý kiến của Bộ Tư pháp để hoàn thiện Nghị định sửa đổi bổ sung Nghị định số 51/2014/NĐ-CP quy định về việc giao các khu vực biển nhất định cho tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tài nguyên biển.
Bộ đã tổ chức Hội nghị toàn ngành triển khai kế hoạch thanh tra, kiểm tra năm 2019, đồng thời phối hợp với địa phương tiến hành khảo sát, thống nhất đối tượng thanh tra báo cáo Bộ trước khi thành lập đoàn thanh tra theo quy định; các đơn vị trực thuộc Bộ ban hành chi tiết Kế hoạch thanh tra, kiểm tra năm 2019.
Kiện toàn tổ chức bộ máy, nguồn nhân lực và cải cách hành chính, Bộ đang xây dựng Đề án tăng cường năng lực hệ thống tổ chức và đội ngũ công chức, viên chức Ngành đến năm 2030; Quy hoạch định hướng mạng lưới các đơn vị sự nghiệp công lập; sửa đổi Bộ chỉ số đánh giá, xác định Chỉ số CCHC của các đơn vị,... Ban hành và triển khai Chương trình hành động của Bộ thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP; 02/NQ-CP của Chính phủ; ban hành Quy chế đặt hàng dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách Nhà nước; Bộ đơn giá sản phẩm dịch vụ sự nghiệp công lĩnh vực đất đai Điều tra, thu thập thông tin xây dựng khung giá các loại đất; rà soát, điều chỉnh Chương trình xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật giai đoạn 2016 - 2020; hoàn thiện dự thảo Quy chế Quản lý tài sản công…
Bộ đã rà soát điều ước quốc tế song phương, đa phương để đề xuất nội luật hóa, hoàn thiện hệ thống pháp luật tài nguyên và môi trường nhằm thực hiện hội nhập quốc tế; xây dựng kế hoạch triển khai Hiệp định CPTPP của Bộ; ký kết Bản ghi nhớ hợp tác giữa Bộ và Bộ Năng lượng Mỏ và Phát triển bền vững Ma-rốc; tổ chức thành công Hội nghị liên Chính phủ Việt Nam - Hà Lan lần thứ 7; chuẩn bị tốt nội dung phục vụ Lãnh đạo Bộ tham dự Hội nghị Ủy ban điều phối chung lần thứ 12 Khu vực Tam giác phát triển Việt Nam – Lào – Campuchia; Hội nghị Bộ trưởng Môi trường ASEAN đặc biệt về rác thải biển; đang chuẩn bị tổ chức Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm của Nhật Bản về đăng ký đất đai và hệ thống thông tin đất đai.
Về công tác khoa học và công nghệ, Bộ đã tổng hợp kết quả giao nộp sản phẩm, hoàn thiện hồ sơ nghiệm thu đánh giá, công nhận kết quả nhiệm vụ kết thúc năm 2018; xây dựng 29 tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia.
Công tác ứng dụng công nghệ thông tin, Bộ tiếp tục đẩy mạnh triển khai thực hiện các dịch vụ công trực tuyến trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường. Đến nay, đã hoàn thành và đưa vào triển khai cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho 99 TTHC (tăng 17 dịch vụ công so với cùng kỳ năm 2018), trong đó có 72 dịch vụ công mức độ 3, 27 dịch vụ công mức độ 4; tiếp tục triển khai 11 TTHC dưới hình thức dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 và kết nối với Cổng thông tin Một cửa quốc gia; đang hoàn thành việc xây dựng Kiến trúc Chính phủ điện tử ngành TN&MT phiên bản 2.0; xây dựng Kế hoạch hành động của Bộ thực hiện Nghị quyết 17/NQ-CP ngày 07/3/2019 của Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019 - 2020, định hướng đến 2025,... Đặc biệt, đã quán triệt việc triển khai, vận hành việc quản lý văn bản, hồ sơ công việc gắn với chữ ký số hoàn toàn trên môi trường mạng.
Chủ động thay đổi, sáng tạo, quyết tâm hoàn thành các mục tiêu “bứt phá”
Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Bộ trưởng Trần Hồng Hà đã nhấn mạnh tinh thần của Chính phủ quyết tâm giữ vững xu hướng tăng trưởng kinh tế theo mục tiêu đề ra, mặc dù nhận định là có nhiều khó khăn. Vì vậy Chính phủ cũng đặt nhiều kỳ vọng vào ngành tài nguyên và môi trường trong thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội đất nước.
Qua công tác chỉ đạo điều hành cũng như các chỉ số đánh giá về thực hiện các nhiệm vụ của Bộ cho thấy có chuyển biến tích cực, có những bứt phá so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam năm 2018 cho thấy đánh giá của người dân về 02 lĩnh vực thuộc ngành tài nguyên và môi trường là đất đai và môi trường đều có chuyển biến. Đặc biệt lĩnh vực đất đai 5/5 chỉ tiêu đều tiến bộ; tỷ lệ người dân phản ánh “bôi trơn” khi làm sổ đỏ giảm đáng kể, cho thấy các địa phương đã có tính chủ động tốt. Về lĩnh vực môi trường tỷ lệ người dân quan ngại về vấn đề môi trường đã giảm từ 12% năm 2017 xuống khoảng 7% năm 2018; môi trường là vấn đề mà người dân lo lắng thứ 2 năm 2016, xuống thứ 5 năm 2018. Tỷ lệ người dân phản ánh sự quan tâm đến quản trị, bảo vệ môi trường tăng từ 69% lên đến 74% năm 2018.
Tại Hội nghị cũng đã thẳng thắn nhìn nhận việc còn tình trạng chậm trình một số đề án, nhiệm vụ; trả kết quả thủ tục hành chính; một số đơn vị chưa thực sự chủ động trong phối hợp với các địa phương giải quyết, tháo gỡ các vướng mắc,… Đối với những tồn tại này, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho rằng cần rà soát, hoàn thiện các Quy chế, gắn trách nhiệm cho từng tập thể, cá nhân và đề nghị các đơn vị phải thẳng thắn nhìn nhận, đánh giá nghiêm khắc rút kinh nghiệm và khẩn trương khắc phục.
Với các nhiệm vụ cần triển khai trong năm 2019 và phát triển toàn diện ngành tài nguyên và môi trường trong thời gian tới, Bộ trưởng Trần Hồng Hà đề nghị các đơn vị cần chủ động thay đổi toàn diện, tích cực để hoàn thành các mục tiêu “bứt phá” theo tinh thần của Chính phủ trong tất cả các lĩnh vực mà Bộ quản lý.
“Với tinh thần đó, tôi đề nghị các đơn vị tập trung, quyết liệt triển khai các nội dung trọng tâm đột phá là kiến tạo, đổi mới đột phá về thể chế, thúc đẩy cải cách hành chính; quyết liệt, quyết tâm, sáng tạo trong tổ chức thực thi theo phương châm hướng về địa phương cơ sở; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và khoa học và công nghệ trong công tác quản lý. Đặc biệt cần thêm sức đẩy từ sự chủ động, sáng tạo, hiệu quả của mỗi thủ trưởng đơn vị, từng cán bộ công chức hoàn thành mục tiêu “bứt phá” trong năm 2019”. – Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh.
Bộ trưởng cũng giao nhiệm vụ cụ thể đến từng đơn vị như Tổng cục quản lý đất đai, Tổng cục Môi trường, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, Tổng cục Địa chất và Khoáng sản, Cục Biến đổi khí hậu, Cục Công nghệ thông tin, Thanh tra Bộ… tập trung vào từng nhiệm vụ cụ thể trong công tác quản lý; tháo gỡ các vướng mắc từ thực tiễn để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời tăng cường phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương để thực hiện tốt các công tác trọng tâm mà Bộ được giao, nhất là về các nhiệm vụ, đề án quan trọng như: Đề án triển khai Nghị quyết 120/NQ-CP của Chính phủ về phát triển đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu; xây dựng cơ sở dữ liệu về ngành tài nguyên môi trường phục vụ công tác phát triển kinh tế - xã hội; tuyên truyền về công tác bảo vệ môi trường, chống rác thải nhựa từ học đường tới từng người dân trên mọi miền đất nước; triển khai cung cấp các dịch vụ định vị của Việt Nam như đã báo cáo với Thủ tướng tại Hội nghị tổng kết năm 2018…
Bước vào Quý II/2019, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cũng đề nghị các Thứ trưởng, Thủ trưởng đơn vị bám sát Chương trình công tác; Chương trình hành động thực hiện các Nghị quyết của Chính phủ; Chương trình xây dựng và ban hành văn bản pháp luật; Kế hoạch thanh tra, kiểm tra,… để tập trung chỉ đạo đảm bảo tiến độ và chất lượng trình các Đề án, văn bản, nhiệm vụ. “Chủ động nắm bắt tình hình thực tiễn ở địa phương, cơ sở; tháo gỡ kịp thời các vướng mắc từ thực tiễn để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; xử lý kịp thời các điểm nóng”./.
BBT (Nguồn: Cổng TTĐT Bộ TN&MT)
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn