Theo các báo cáo, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Bộ nhận được rất nhiều các kiến nghị của địa phương liên quan đến vướng mắc, bất cập trong thực hiện các quy định pháp luật tài nguyên và môi trường. Trên cơ sở báo cáo của địa phương và tại các Hội nghị giao ban năm 2018 và 2019, Vụ Pháp chế đã tổng hợp các kiến nghị, vướng mắc, bất cập của địa phương; báo cáo Lãnh đạo Bộ phân công các đơn vị xử lý; đôn đốc bảo đảm trả lời kịp thời cho các địa phương.
Tại cuộc họp, lãnh đạo các đơn vị đã báo cáo cụ thể về tiến độ trả lời, tháo gỡ các vướng mắc, kiến nghị của địa phương, doanh nghiệp gửi tới Bộ.
Lĩnh vực đất đai - một trong những lĩnh vực có nhiều câu hỏi, kiến nghị gửi tới Bộ nhất, báo cáo với Bộ trưởng Trần Hồng Hà, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai Lê Thanh Khuyến cho biết, hiện các ý kiến gửi đến Tổng cục đã xử lý xong và đã gửi cho Vụ pháp chế để tổng hợp, đăng tải nội dung trả lời, giải đáp trên Cổng thông tin điện tử của Bộ. Những câu hỏi được gửi về sau cuộc Hội nghị giao ban vùng năm 2019 vừa qua, Tổng cục đã phân công cho các đơn vị chuyên môn xử lý.
Với lĩnh vực môi trường, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Nguyễn Hưng Thịnh cho biết: Trong 7 tháng đầu năm 2019, Tổng cục Môi tường đã tiếp nhận 421 phản ánh, kiến nghị của người dân và doanh nghiệp thông qua đường văn bản và đã xử lý được 381 kiến nghị chiếm 90,5%; số kiến nghị còn lại trong hạn đang được tích cực triển khai thực hiện (gồm 40 kiến nghị chiếm 9,5%). Trong đó, có một số vấn đề liên quan đến sửa đổi Luật bảo vệ môi trường cũng đang được Tổng cục nghiên cứu, bổ sung trong quá trình sửa đổi Luật Bảo vệ môi trường.
Với lĩnh vực công nghệ thông tin, Cục Công nghệ thông tin và Dữ liệu tài nguyên môi trường cho biết, Cục đang xây dựng cơ sở dữ liệu văn bản hướng dẫn dùng chung để các địa phương tham khảo, nghiên cứu, thực hiện thống nhất, nhằm nâng cao hiệu quả trao đổi, xử lý văn bản giữa Bộ, các đơn vị trực thuộc Bộ với các địa phương. Qua hệ thống trao đổi văn bản trực tuyến giữa Bộ với các địa phương, đến hết ngày 31/7 đã gửi hơn 19.000 văn bản tới các địa phương và cũng nhận lại 226.000 văn bản cần trả lời. Hiện nay Cục đang phối hợp với Vụ Pháp chế để xây dựng hệ thống trả lời kiến nghị, hướng dẫn giải đáp thực hiện pháp luật trên nền công nghệ hiện đại, thông minh và đa dụng…
Nghe thêm báo cáo từ các đơn vị: Vụ Tổ chức Cán bộ, Cục Quản lý tài nguyên Nước, Tổng cục Địa chất Khoáng sản Việt Nam…, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh hiện nay việc thực thi các quy định pháp luật tài nguyên và môi trường có ảnh hưởng rất lớn tới sự phát triển kinh tế - xã hội. Những kiến nghị của các địa phương là cơ sở để Bộ Tài nguyên và Môi trường tổng hợp, sửa đổi tham mưu cho Chính phủ những chính sách, quyết định để phát triển đất nước.
Bộ trưởng đề nghị các đơn vị của Bộ cần phối hợp chặt chẽ với nhau để cung cấp thông tin, tháo gỡ các vướng mắc pháp luật, bảo đảm nhất quán, đồng bộ, tiếp thu được trọn vẹn những ý kiến đóng góp của các địa phương.
Về các kiến nghị liên quan đến kiện toàn công tác cán bộ của ngành trong tình hình mới, Bộ trưởng đề nghị Vụ Tổ chức cán bộ tăng cường hướng dẫn các Sở Tài nguyên và Môi trường địa phương đề xuất, xây dựng các tiêu chí sắp xếp, kiện toàn bảo đảm tính hiệu quả và đáp ứng được yêu cầu quản lý. Cục Công nghệ thông tin và Dữ liệu tài nguyên và môi trường nghiên cứu, đề xuất phát triển đồng bộ, bảo đảm kết nối thông tin kịp thời, hiệu quả giữa Bộ với các Sở Tài nguyên và Môi trường. Bộ trưởng ghi nhận những nỗ lực, cố gắng của Tổng cục Quản lý đất đai, Tổng cục Môi trường trong việc xử lý các kiến nghị của cử tri, địa phương, doanh nghiệp về các vướng mắc trong thực thi các quy định pháp luật về tài nguyên và môi trường liên quan tới phạm vi, chức năng, nhiệm vụ quản lý của đơn vị.
BBT (Nguồn: Cổng TTĐT Bộ TN&MT)
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn