Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Cần đổi mới tư duy về quản trị tài nguyên nước

“Đã đến lúc, Việt Nam phải thay đổi tư duy quản trị tài nguyên nước. Việc thay đổi này phải từ các nhà quản lý cho đến người dân, từ thành thị đến nông thôn, ở các lĩnh vực khác nhau: từ quản lý hồ đập, kiểm soát lũ đến quản lý chất lượng nước, xử lý nước,… nhằm đảm bảo nguồn nước thực sự là động lực cho phát triển kinh tế - xã hội.” - Đây là vấn đề được đặt ra tại buổi làm việc giữa Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà với ông Ousmane Dione – Giám đốc quốc gia Ngân hàng thế giới (WB) tại Việt Nam và ông Steven N.Schonberger – Giám đốc ngành nước khu vực Châu Á – Thái Bình Dương của WB, vào chiều ngày 13/5, tại Hà Nội.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà tiếp và làm việc với ông Ousmane Dione – Giám đốc quốc gia Ngân hàng thế giới (WB) tại Việt Nam
Bộ trưởng Trần Hồng Hà tiếp và làm việc với ông Ousmane Dione – Giám đốc quốc gia Ngân hàng thế giới (WB) tại Việt Nam

Phát biểu tại buổi tiếp và làm việc, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho rằng, hiện nay, mỗi người dân Việt Nam cần phải hiểu những thách thức lớn nhất đối với tài nguyên nước là gì, bởi Việt Nam là một quốc gia “nghèo” về nước.

Theo Bộ trưởng, trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, Việt Nam đã và đang phải đối mặt với những thách thức nghiêm trọng, cần có những giải pháp quản lý an ninh nước hướng tới phát triển bền vững. Với khoảng 63% trong tổng trữ lượng 830-840 tỷ m3 nguồn nước bên ngoài lãnh thổ, an ninh nguồn nước của Việt Nam phụ thuộc rất lớn vào động thái phát triển trên các con sông quốc tế như sông Mê Kông... Mặc dù đã tham gia các cơ chế hợp tác song phương, đa phương về phát triển bền vững nguồn nước, song trên thực tế phát triển và xu hướng gia tăng khai thác nguồn nước của các quốc gia thượng nguồn đang đặt ra nhiều sức ép cho Việt Nam- một quốc gia ở hạ nguồn vốn có ít lợi thế trong đàm phán về sử dụng nguồn nước quốc tế.

Hiện nay, nhiều người vẫn coi nước là tài nguyên được sử dụng miễn phí, nước “không có giá”. Vì thế, việc sử dụng nước diễn ra tràn lan, giá trị của nước chưa được nhìn nhận đúng trong đời sống. “Nước ở Việt Nam rất rẻ. Người ta có thể tính được giá nhân công lao động khi xuất khẩu 1 tấn lúa, nhưng chưa ai tính được cần bao nhiêu m3 nước để sản xuất ra 1 tấn lúa ấy”, Bộ trưởng nói.

Trong khi nước phục vụ đời sống chưa được quan tâm đúng mức, thì nước thải xả ra ngày càng lớn. Chi phí cho xử lý nước thải phần lớn vẫn là do Nhà nước chịu trách nhiệm, chưa thu hút được nhiều tư nhân đầu tư. Ô nhiễm nguồn nước không còn là nguy cơ mà đã là sự thật hiện hữu.

Xét về góc độ quản lý, theo Bộ trưởng, thể chế quản lý tài nguyên nước còn bất cập do nhiều Bộ, ngành cùng quản lý. Chính sự phân mảnh, cắt khúc ở nhiều cơ quan khiến cho việc quản lý tài nguyên nước còn chồng chéo, chưa thống nhất, không tập trung được nguồn lực, chi phí quản lý lớn nhưng hiệu quả lại không cao.

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng chưa hình thành được bộ cơ sở dữ liệu về tài nguyên nước. Mặt khác, việc phát triển kinh tế chưa phù hợp với khả năng chịu tải của tự nhiên, khả năng cung ứng của nguồn nước. “Đơn cử như ở Tây Nguyên là vùng đất trồng nhiều loại cây như điều, cà phê, hồ tiêu. Đây là những loài cây cần nhiều nước tưới, nhưng Tây Nguyên lại là vùng khan hiếm nước. Việc hạn hán thường xuyên xảy ra, gây khó khăn cho trồng trọt; nước ngầm vì thế sụt giảm”, Bộ trưởng nêu ví dụ.

Chia sẻ với những vấn đề về tài nguyên nước ở Việt Nam, ông Ousmane Dione cho biết, sắp tới, Ngân hàng thế giới sẽ công bố Báo cáo “Việt Nam: Hướng tới một hệ thống nước có tính thích ứng sạch và an toàn”. Đây sẽ là một bức tranh toàn cảnh về thực trạng tài nguyên nước ở Việt Nam với những thông tin xác thực, minh bạch, khách quan. “Qua việc xây dựng báo cáo cho thấy, tất cả các rủi ro, hệ lụy về quản lý tài nguyên nước và biến đổi khí hậu của Việt Nam, nếu không có các hành động kịp thời, phù hợp, sẽ gây ra tổn thất lên tới 6% GDP vào năm 2035. Như vậy, vấn đề nước ở Việt Nam sẽ trở nên gay gắt và phức tạp hơn trong tương lai gần” - ông Ousmane Dione nói.

Nhìn nhận rõ những thách thức về tài nguyên nước ở Việt Nam, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho rằng, đã đến lúc, Việt Nam cần có cách nhìn mới, tư duy duy mới trong quản lý tài nguyên nước trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 này.

Theo Bộ trưởng, sự thay đổi tư duy lúc này là hoàn toàn phù hợp, khi Việt Nam đang chuẩn bị bước vào Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 – 2025, tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó, tài nguyên nước được coi là yếu tố thiết yếu cho sự phát triển và nếu không đảm bảo sẽ là thách thức lớn nhất mà Việt Nam phải đối mặt.

Việc đổi mới tư duy phải từ các nhà quản lý cho đến người dân, từ thành thị đến nông thôn, ở các lĩnh vực khác nhau: từ quản lý hồ đập, kiểm soát lũ đến quản lý chất lượng nước, xử lý nước,… nhằm đảm bảo nguồn nước thực sự là động lực cho phát triển kinh tế”, Bộ trưởng bày tỏ quan điểm.

Đồng tình với ý kiến của Bộ trưởng Trần Hồng Hà, ông Steven N.Schonberger – Giám đốc ngành nước khu vực Châu Á – Thái Bình Dương của WB cho rằng, Việt Nam là đất nước có nhịp độ phát triển kinh tế nhanh, cơ hội nhiều song thách thức về tài nguyên cũng không nhỏ. Phải tìm biện pháp để tài nguyên nước không là “điểm nghẽn” của sự phát triển ấy.

Ông Ousmane Dione cho hay, Báo cáo “Việt Nam: Hướng tới một hệ thống nước có tính thích ứng sạch và an toàn” sẽ công bố vào cuối tháng 5 tới, sẽ là tiếng nói thức tỉnh mọi người về hiện trạng tài nguyên nước Việt Nam, hiểu được cách thức quản lý tài nguyên nước; từ đó, sẽ đưa ra những khuyến nghị cụ thể để nước thực sự là động lực cho phát triển bền vững.

Cũng trong buổi làm việc, hai bên cùng trao đổi về phương án tổ chức Hội thảo công bố Báo cáo của WB “Việt Nam: Hướng tới một hệ thống nước có tính thích ứng sạch và an toàn” và khả năng phối hợp giữa hai Bên triển khai các khuyến nghị của Báo cáo trên đây trong thời gian tới.

Theo đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã nhất trí với WB về chủ trương là Bộ trưởng Trần Hồng Hà sẽ đồng chủ trì với ông Ousmane Dione, Giám đốc quốc gia WB tại Việt Nam tổ chức Hội thảo công bố Báo cáo của WB.

Tuy nhiên, theo những ý kiến của các thành viên Bộ Tài nguyên và Môi trường tham dự buổi làm việc, về mặt tổng thể, mặc dù còn một số hạn chế về tính chính xác của một vài số liệu, mức độ sâu và khả thi của các khuyến nghị, nhưng Báo cáo đã đưa ra được nhiều nhận định chính xác về hiện trạng công tác quản trị tài nguyên nước của Việt Nam và có thể được xem là nguồn tham khảo có giá trị; các khuyến nghị cần được xem xét, phân tích kỹ lưỡng hơn để định hình công tác quản trị tài nguyên nước của Việt Nam trong thời gian tới.

Cũng trong buổi làm việc, sau những ý kiến đóng góp của các thành viên tham gia buổi tiếp và làm việc, các thành viên đưa ra các khuyến nghị mới mang tính định hướng, vì vậy, đề nghị WB tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng như các Bộ, ngành liên quan xây dựng các giải pháp cụ thể, đề xuất các nội dung hợp tác và dự án cụ thể nhằm cải thiện tình hình quản trị nước của Việt Nam.

BBT (Nguồn: Cổng TTĐT Bộ TN&MT)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
hc.jpg kt.jpg 2.jpg 3.jpg
 
thong diep phong covid 2023

Bien Dong
bao chi

tham van DTM

HOC TAP LAM THEO

THONG TIN TUYEN TRUYEN

tthc tnmt

phan anh kien nghi

THIEN TAI

LICH TIEP CONG DAN

BANG GIA DAT

CONG THONG TIN

TCVN ISO 9001 2015
 
TIEP CAN THONG TIN
 
thu thap du lieu 2023
 
congpd
Liên kết site

 

Online
  • Đang truy cập78
  • Hôm nay17,104
  • Tháng hiện tại182,317
  • Tổng lượt truy cập27,206,481
Văn bản pháp luật mới cập nhật
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây