* 8 nhiệm vụ và giải pháp
Mục đích của kế hoạch nhằm, đảm bảo tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ kịp thời, hiệu quả nhằm đạt được các mục tiêu về quản lý, sử dụng hiệu quả đất có nguồn gốc từ nông, lâm trường đã được xác định trong Nghị quyết số 22/NQ-CP ngày 01 tháng 3 năm 2020 của Chính phủ.
Bên cạnh đó, xác định cụ thể nội dung công việc, thời hạn, sản phẩm dự kiến hoàn thành và trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị liên quan thuộc Bộ trong việc tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết. Đảm bảo sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan trực thuộc Bộ và các Bộ, ngành địa phương có liên quan, kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện.
Kế hoạch đề ra 8 nhiệm vụ và giải pháp gồm: Rà soát, hoàn thiện cơ chế chính sách. Rà soát các quy định của pháp luật về đất đai, chính sách về đất đai cho đồng bào dân tộc thiểu số, dân di cư tự do và các hộ nghèo thiếu đất sản xuất... đảm bảo tính thống nhất, phù hợp với thực tiễn. Hướng dẫn, chỉ đạo các địa phương rà soát các phương án sử dụng đất của các công ty nông, lâm nghiệp, Ban quản lý rừng, ưu tiên bố trí đất sản xuất cho người dân di cư tự do, giảm thiểu việc lấn chiếm đất đai, phá rừng lấy đất sản xuất. Hướng dẫn, chỉ đạo các địa phương rà soát diện tích đất quy hoạch là đất rừng nhưng thực tế không còn rừng và phần diện tích đất rừng nghèo kiệt phân bố manh mún trong vùng quy hoạch bố trí dân di cư tự do để chuyển đổi 2 mục đích sử dụng theo quy định để tạo thêm quỹ đất thực hiện các dự án bố trí ổn định dân di cư tự do.
Đánh giá hiệu quả sử dụng đất của các công ty nông, lâm nghiệp sau khi rà soát, sắp xếp lại theo Nghị định số 118/2014/NĐ-CP của Chính phủ để đề xuất phương án xử lý đảm bảo cân đối giữa mô hình quản trị doanh nghiệp, mô hình sản xuất, nguồn lực lao động với diện tích đất giữ lại, mang lại nguồn thu tương xứng cho ngân sách. Phần diện tích dôi dư ưu tiên giao hoặc cho thuê đối với người dân đang trực tiếp nhận khoán, thuê lại đất của nông, lâm trường để đảm bảo đất đai được sử dụng hiệu quả.
Tổ chức triển khai thực hiện phần nhiệm vụ ở Trung ương và chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương thực hiện Đề án tăng cường quản lý đối với đất đai có nguồn gốc từ các nông, lâm trường quốc doanh hiện do các công ty nông nghiệp, công ty lâm nghiệp không thuộc diện sắp xếp lại theo Nghị định số 118/2014/NĐ-CP; Ban quản lý rừng; Các tổ chức sự nghiệp khác và các hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng; Xác lập cụ thể về chủ thể quản lý, sử dụng đất đai có nguồn gốc từ nông, lâm trường, lập hồ sơ để quản lý chặt chẽ; Không để tình trạng thiếu rõ ràng về ranh giới, dẫn đến tranh chấp, khiếu kiện
Hướng dẫn thực hiện lồng ghép trong các Đề án, Dự án, Nhiệm vụ để thực hiện tổng thể đo đạc, lập hồ sơ địa chính, xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai, nhằm quản lý chặt chẽ, khai thác có hiệu quả tiềm năng đất đai và ứng phó với biến đổi khí hậu tại 05 tỉnh Tây Nguyên trong giai đoạn 2019 - 2025 để quản lý chặt chẽ, nâng cao hiệu quả sử dụng đất, tài nguyên rừng. Cung cấp thông tin làm cơ sở xác định và thu nghĩa vụ tài chính của các đối tượng sử dụng đất.
Tổ chức thực hiện Đề án hoàn chỉnh việc đo đạc, lập bản đồ địa chính, đăng ký đất đai, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai cho các huyện biên giới để khẩn trương triển khai xây dựng và chia sẻ dữ liệu về tình hình quản lý, sử dụng đất đai tại khu vực biên giới giúp Chính phủ và các địa phương huy động, phân bổ và khai thác hợp lý nguồn lực đất đai; làm cơ sở để các bộ, ngành triển khai các chương trình, nhiệm vụ nhằm phát triển kinh tế - xã hội các xã biên giới đất liền kết hợp với tăng cường và củng cố quốc phòng, an ninh, đối ngoại.
Phối hợp với Thanh tra Chính phủ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giải quyết tranh chấp, khiếu nại về đất đai, trong đó quan tâm giải quyết dứt điểm tranh chấp, khiếu nại về đất đai giữa nông, lâm trường đối với người dân để giải quyết các vấn đề bức xúc xảy ra ở địa phương.
Rà soát, tổng hợp, đề xuất nhu cầu kinh phí thực hiện dự án, nhiệm vụ sử dụng vốn đầu tư, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa vào kế hoạch trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Rà soát, tổng hợp, đề xuất nhu cầu kinh phí thực hiện các Đề án, dự án, nhiệm vụ do Bộ đề xuất hỗ trợ kinh phí từ ngân sách trung ương cho địa phương thực hiện, gửi Bộ Tài chính tổng hợp, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
* Báo cáo định kỳ
Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường theo chức năng, nhiệm vụ được phân công, căn cứ vào Kế hoạch hành động xây dựng kế hoạch cụ thể và triển khai thực hiện .
Định kỳ 6 tháng và cuối năm các đơn vị tiến hành đánh giá, báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao tại Kế hoạch, trong đó nêu rõ: Việc đã hoàn thành, việc chưa hoàn thành và nguyên nhân. Báo cáo gửi trước ngày 20/6 (đối với báo cáo 6 tháng) và trước ngày 15/12 (đối với báo cáo năm) gửi Tổng cục Quản lý đất đai để tổng hợp trình Lãnh đạo Bộ xem xét, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Tổng cục Quản lý đất đai chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan theo dõi, đôn đốc, kiểm tra và tổng hợp, báo cáo kết quả thực hiện Kế hoạch.
BBT (Nguồn: Cổng TTĐT Bộ TN&MT)
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn