Bộ TN&MT tập trung nguồn lực hoàn thành nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2022
Sáng 13/7, tại Hà Nội, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cùng các Thứ trưởng: Võ Tuấn Nhân, Trần Quý Kiên, Lê Minh Ngân chủ trì Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm 2022 Bộ Tài nguyên và Môi trường. Hội nghị được tổ chức trực tiếp và trực tuyến với sự tham dự đông đủ lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà cho biết: Trong 6 tháng đầu năm, tình hình kinh tế - xã hội của đất nước có nhiều khởi sắc trên hầu hết các lĩnh vực, tăng trưởng ấn tượng, kinh tế đang phục hồi toàn diện, nhiều chỉ số vượt kế hoạch đề ra. GDP quý II tăng 7,72% (tốc độ tăng cao nhất trong 11 năm qua) cho thấy rõ sự phục hồi và phát triển của nền kinh tế; 44/63 tỉnh có tốc độ tăng trưởng trên 6% đã thể hiện tính đồng đều trong phục hồi của các địa phương. Các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm trong điều kiện khó khăn (thu NSNN 6 tháng ước đạt 66,1% dự toán…). Ngành TN&MT đóng góp vào sự tăng trưởng ấn tượng của đất nước Bộ trưởng cho biết, Ngân hàng Thế giới (WB) nhấn mạnh nền kinh tế Việt Nam tiếp tục duy trì đà phục hồi mạnh mẽ bất chấp tình trạng bất định toàn cầu gia tăng; IMF dự báo đến 2025, Việt Nam vươn lên đứng thứ 3 Đông Nam Á về quy mô kinh tế với GDP 571,1 tỷ USD (sau Indonesia 1.628,9 tỷ và Thái Lan 632,4 tỷ USD). Bộ trưởng Trần Hồng Hà khẳng định, đóng góp vào các thành tựu chung đó có sự nỗ lực, sáng tạo của toàn Ngành Tài nguyên và Môi trường. Trong đó, Bộ đã có những dự báo sớm để chủ động trong chỉ đạo điều hành bám sát yêu cầu của thực tiễn như: Bộ đã khẩn trương trình phê duyệt Quy hoạch sử dụng đất đai quốc gia; phân bổ các chỉ tiêu sử dụng đất cho các tỉnh, thành phố; đôn đốc đốc hướng dẫn các địa phương lập quy hoạch cấp huyện, giải quyết tháo gỡ vướng mắc liên quan đến vật liệu, chỉ đạo cải cách thủ tục môi trường, tài nguyên nước,...để đảm bảo các đầu vào của nền kinh tế, chủ động đón các dòng đầu tư, thúc đẩy giải ngân các nguồn vốn. Các nguồn thu từ đất đai, khoáng sản, tài nguyên nước,...đóng góp lớn cho ngân sách để đảm bảo các cân đối lớn. Bộ cũng đã chủ động phân tích dự báo các xu thế của thời đại đề xuất các giải pháp pháp đột phá như mô hình kinh tế tuần hoàn, phát triển mạng lưới Kinh tế tuần hoàn Việt Nam, tận dụng cơ hội về công nghệ, dòng vốn đầu tư vào Việt Nam sau COP26… Cùng với giải quyết các vấn đề phát triển trước mắt, Bộ đã phối hợp, chủ trì hoàn thiện nhiều chủ trương, chính sách, pháp luật lớn như Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương về đất đai, Nghị quyết số 10-NQ/TW của Bộ Chính trị về khoáng sản, Chiến lược quốc gia về ứng phó với biến đổi khí hậu, Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia, chiến lược đa dạng sinh học quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050,...để phục vụ cho phát triển bền vững kinh tế, xã hội của đất nước trong tầm nhìn dài hạn đến năm 2030 và 2045. Chuẩn bị xây dựng chiến lược phát triển cho giai đoạn mới Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng thẳng thắn nhìn nhận, công tác chỉ đạo, điều hành vẫn còn những hạn chế. Do đó, Bộ trưởng đề nghị các đơn vị tập trung đánh giá, kiểm điểm làm rõ đâu là nguyên nhân những hạn chế, rút ra bài học kinh nghiệm để trên cơ sở đó triển khai các nhiệm vụ giải pháp trong 6 tháng cuối năm 2022. Tại Hội nghị, ông Phạm Tân Tuyến, Chánh Văn phòng Bộ Tài nguyên và Môi trường đã báo cáo về tình hình thực hiện Chương trình công tác, nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Lãnh đạo Bộ giao 6 tháng đầu năm 2022 với những kết quả khả quan. Theo đó, trong 06 tháng đầu năm 2022, Bộ đã trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ 06/07 đề án, nhiệm vụ trong chương trình, trong đó có 02 nhiệm vụ ngoài chương trình. Đối với tình hình thực hiện nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao, tổng số nhiệm vụ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao: 969 nhiệm vụ. Số nhiệm vụ đã hoàn thành: 542/969 (đạt 56%); Số nhiệm vụ đang triển khai thực hiện (trong hạn) chiếm 39,7%; Số nhiệm vụ đã quá hạn chưa hoàn thành chiếm 1,75%, giảm 5,45% so với cùng kỳ năm 2021.
Theo ông Phạm Tân Tuyến, mặc dù số lượng nhiệm vụ được giao cao hơn cùng kỳ năm 2021 là 11,67% tương đương với 124 nhiệm vụ nhưng số nhiệm vụ chậm giảm 5,45% là do: Nhiều đơn vị đã chủ động hơn trong công tác phối hợp, thực hiện xử lý ngay văn bản trên phiếu giao việc tại hệ thống mà không chờ phải có văn bản lấy ý kiến của đơn vị được giao chủ trì; Tổ công tác hàng tuần rà soát, có văn bản đôn đốc từng đơn vị; Các Thứ trưởng giao việc yêu cầu thời hạn trình sớm hơn để đảm bảo thời gian; Các nhiệm vụ được quy trình hóa để rõ trách nhiệm. Về triển khai kế hoạch chuyển đổi số và cải cách thủ tục hành chính Bộ Tài nguyên và Môi trường, theo đó, đề nghị bãi bỏ, đơn giản hóa 153 TTHC trên tổng số 178 TTHC được rà soát (đạt 85%); Bộ cũng cung cấp 74 dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) mức độ 4 trên Cổng Dịch vụ công trực tuyến của Bộ đạt tỷ lệ trên 75,8%; tích hợp, cung cấp 33 TTHC (tương ứng 48 DVCTT mức độ 3, 4 trong đó 19 DVCTT mức độ 4, đạt tỷ lệ > 39,6%) lên Cổng Dịch vụ công Quốc gia. Triển khai kết nối Cổng Dịch vụ công, Hệ thống thông tin một cửa điện tử của Bộ với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Chuẩn bị các điều kiện để kết nối, liên thông dữ liệu đất đai ở địa phương với Hệ thống tích hợp, kết nối, chia sẻ dữ liệu đất đai quốc gia. Bên cạnh đó, Bộ cũng phối hợp với các Bộ để hoàn thành trình Chính phủ phương án kiện toàn tổ chức bộ máy của Bộ trong nhiệm kỳ Chính phủ khóa XV; sửa đổi, bổ sung các quy định, quy trình về quản lý, sử dụng công chức, viên chức…
Kết luận Hội nghị, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, khối lượng nhiệm vụ trong 6 tháng cuối năm là rất lớn trong đó có những nhiệm vụ hết sức khó khăn, phức tạp, nhạy cảm, được dư luận hết sức quan tâm như sửa đổi Luật Đất đai, xây dựng dựng chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW của BCH Trung ương, sửa đổi Luật Tài nguyên nước,… Bộ trưởng mong muốn sự quyết tâm, tinh thần trách nhiệm của từng đồng chí Lãnh đạo Bộ, Lãnh đạo các đơn vị; sự nỗ lực hàng ngày của các cán bộ đồng tâm, nhất trí để thực hiện tốt các nhiệm vụ Đảng, Nhà nước, Chính phủ giao, thực hiện nhiệm vụ 6 tháng cuối năm và đặc biệt là chuẩn bị xây dựng chiến lược phát triển cho giai đoạn mới. Đối với các lĩnh vực quản lý chuyên môn của Ngành, Bộ trưởng đề nghị thủ trưởng các đơn vị đề cao trách nhiệm cá nhân người đứng đầu, lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành quyết liệt, cụ thể, phân công rõ trách nhiệm, đặc biệt chú trọng khâu tổ chức thực hiện; chủ động dự báo, nhận diện sớm các vấn đề đặt ra từ thực tiễn địa phương, cơ sở, đề xuất hiến kế các giải pháp về thể chế chính sách để tiếp tục tháo gỡ các điểm nghẽn, thúc đẩy cải cách, đổi mới để tạo đột phá trong phát triển, chuyển dịch mô hình tăng trưởng. Bên cạnh đó, đóng góp các sáng kiến để thực hiện lộ trình xây dựng tài nguyên số để sớm thực hiện chuyển đổi số Ngành Tài nguyên và Môi trường đảm bảo hệ thống công nghệ thông tin được thống nhất, đồng bộ, xuyên suốt và phục vụ người dân, đất nước phát triển kinh tế xã hội phục hồi sau đại dịch. Ngoài ra, năm nay Bộ hướng đến Lễ kỷ niệm 20 năm thành lập Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ trưởng đề nghị các đơn vị chủ động, bám sát chương trình, kế hoạch đã được phê duyệt, đề xuất tổ chức các hoạt động bảo đảm ý nghĩa, thiết thực, tiết kiệm, hiệu quả. Các đơn vị trực thuộc phát động phong trào thi đua, lao động, sản xuất, tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao tạo không khí vui tươi, phấn khởi để lập thành tích chào mừng 20 năm ngày thành lập Bộ.