Bộ TN&MT tập huấn các quy định, chính sách của Luật Bảo vệ môi trường cho các tỉnh, thành khu vực miền Trung và Tây Nguyên
Ngày 30/3, tại Hà Nội, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức Hội thảo tập huấn các quy định, chính sách của Luật Bảo vệ môi trường và các văn bản quy định chi tiết thi hành cho các tỉnh, thành phố khu vực miền Trung và Tây Nguyên. Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân chủ trì Hội thảo.
Tham dự tại điểm cầu Bộ TN&MT có Tổng Cục trưởng Tổng cục Môi trường Nguyễn Văn Tài, đại diện lãnh đạo một số đơn trực thuộc Bộ, Tổng cục Môi trường. Tại các điểm cầu trực tuyến có đại diện lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường, Chi cục Bảo vệ môi trường, lãnh đạo phụ trách công tác bảo vệ môi trường cấp huyện, xã và các đơn vị có liên quan với 25 điểm cầu tại 19 tỉnh, thành phố khu vực miền Trung và Tây Nguyên. Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân cho rằng, Hội thảo có ý nghĩa thiết thực giúp các địa phương cập nhật các quy định mới cũng như hiểu rõ hơn mục tiêu, tinh thần của Luật và các văn bản hướng dẫn thi hành, giúp việc triển khai thực hiện được chính xác và thống nhất.
Đồng thời, trên cơ sở ý kiến trao đổi, thảo luận của các đại biểu tại Hội thảo, Bộ TN&MT sẽ tổng hợp, đăng tải chính thức toàn bộ nội dung Hỏi đáp trên Cổng Thông tin điện tử của Bộ, tiến tới ban hành Sổ tay hướng dẫn triển khai chi tiết các quy định mới của Luật và các văn bản hướng dẫn thi hành; xây dựng các ấn phẩm, tài liệu truyền thông đa phương tiện về BVMT và tổ chức truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng, các công cụ truyền thông trên mạng xã hội; tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật về BVMT. Thứ trưởng đề nghị, các Sở TN&MT sau Hội thảo cần triển khai nghiên cứu, nắm bắt và tham mưu tiếp tục tổ chức các hoạt động tuyên truyền, phổ biến các quy định mới của Luật và các văn bản hướng dẫn một các sâu rộng, mạnh mẽ đến các đối tượng có liên quan tại địa phương; sớm đưa các quy định, chính sách mới của Luật đi vào cuộc sống. Báo cáo tổng quan chung về các quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật, ông Nguyễn Hưng Thịnh, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Môi trường cho biết, Luật và các văn bản hướng dẫn thi hành có 8 nội dung nổi bật là: Thứ nhất, cộng đồng dân cư được quy định là một chủ thể trong công tác BVMT; tăng cường công khai thông tin, tham vấn, phát huy vai trò giám sát, phản biện, đồng thời, được bảo đảm quyền và lợi ích của cộng đồng dân cư khi tham gia các hoạt động BVMT. Thứ hai, thay đổi phương thức quản lý môi trường đối với dự án đầu tư theo các tiêu chí môi trường; kiểm soát chặt chẽ dự án có nguy cơ tác động xấu đến môi trường mức độ cao, thực hiện hậu kiểm đối với các dự án có công nghệ tiên tiến và thân thiện môi trường; cắt giảm thủ tục hành chính.
Thứ ba, đã định chế nội dung sức khỏe môi trường; bổ sung nhiều giải pháp bảo vệ các thành phần môi trường, đặc biệt là môi trường không khí, nước. Thứ tư, thúc đẩy phân loại rác thải tại nguồn; định hướng cách thức quản lý, ứng xử với chất thải, góp phần thúc đẩy kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam. Thứ năm là chế định về thẩm quyền quản lý Nhà nước dựa trên nguyên tắc quản lý tổng hợp, thống nhất, một việc chỉ giao cho một cơ quan chủ trì thực hiện. Thứ sáu, cụ thể hóa các quy định về ứng phó BĐKH, thúc đẩy phát triển thị trường các-bon trong nước. Thứ bảy, hoàn thiện hành lang pháp lý bảo vệ di sản thiên nhiên phù hợp với pháp luật quốc tế về di sản thế giới, đáp ứng yêu cầu của quá trình hội nhập quốc tế. Cuối cùng là tạo lập chính sách phát triển các mô hình tăng trưởng kinh tế bền vững, thúc đẩy kinh tế tuần hoàn, phục hồi và phát triển nguồn vốn tự nhiên Cụ thể, về cải cách hành chính, Luật đã có chế định về giấy phép môi trường trên cơ sở tích hợp 7 loại thủ tục hành chính theo các pháp luật về bảo vệ môi trường, thủy lợi, tài nguyên nước… qua đó, giảm thủ tục hành chính. Tinh thần cải cách thủ tục hành chính thể hiện xuyên suốt trong Nghị định 08, Thông tư 02, nhất là về cấp giấy phép môi trường đã chú trọng giảm thời gian, thành phần hồ sơ, giảm nội dung phải báo cáo. Tại Hội thảo các đại biểu cũng được nghe 5 chuyên đề chuyên sâu về: Phân loại dự án đầu tư theo tiêu chí môi trường, đánh giá tác động môi trường; Giấy phép môi trường, đăng ký môi trường, quản lý chất thải rắn sinh hoạt và một số quy định khác về quản lý chất thải; Phân vùng môi trường, nội dung bảo vệ môi trường trong quy hoạch tỉnh và thanh kiểm tra về bảo vệ môi trường; Bảo vệ môi trường di sản thiên nhiên.