Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Kết luận số 154/TB-VPCP ngày 12 tháng 4 năm 2020 của Văn phòng Chính phủ, trong đó giao các Bộ, ngành nghiên cứu, có ý kiến tham gia đối với Dự thảo Nghị quyết của Chính phủ, trong đó đề nghị nghiên cứu, bổ sung thêm phương châm: “Đẩy nhanh việc rà soát, sửa đổi bổ sung các văn bản pháp luật tháo gỡ ngay các chồng chéo, nút thắt, điểm nghẽn, thúc đẩy cải cách, đổi mới, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh để chuẩn bị các điều kiện thu hút các nguồn lực đầu tư phục vụ phát triển đất nước. Thực hiện cung cấp ít nhất 50% số thủ tục hành chính ở cấp độ 4, rà soát cắt giảm các cuộc thanh tra, kiểm tra trong năm 2020, chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm ”.
Các nhiệm vụ giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh và hỗ trợ đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19
Về cắt giảm chi phí, hỗ trợ doanh nghiệp: Bộ Tài nguyên và Môi trường thống nhất với việc miễn giảm phí thẩm định cấp phép khai thác, sử dụng tài nguyên nước, phí khai thác dữ liệu khí tượng thủy văn và đề xuất việc gia hạn nộp tiền thuê đất là 01 năm như dự thảo Nghị quyết.
Đồng thời, đề nghị đưa vào Nghị quyết giao Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài chính bổ sung quy định về giảm tiền thuê đất trong thời gian 06 tháng hoặc 01 năm đối với các cơ sở sản xuất kinh doanh bị ngừng sản xuất kinh doanh do ảnh hưởng của dịch vào Nghị định sửa đổi bổ sung các Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật đất đai. Quy định này nhằm cắt giảm chi phí thuê mặt bằng sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng, dừng sản xuất do dịch Covid-19.
Bổ sung nội dung giao Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài chính báo cáo Chính phủ để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội miễn tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước đối với doanh nghiệp khai thác nước để sản xuất, kinh doanh trong năm 2020. Khoản miễn giảm này ước tính khoảng 1.200 tỷ đồng, chủ yếu đối với các nhà máy thủy điện, nhà máy nhiệt điện sử dụng nước để làm mát nhằm giảm giá điện cho sinh hoạt, sản xuất và hỗ trợ khó khăn đối với các cơ sở có khai thác, sử dụng nước cho sản xuất, kinh doanh dịch vụ.
Gia hạn nộp thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản năm 2020 (khoảng 5 nghìn tỷ); giảm mức phí môi trường cho các cơ sở kinh doanh dịch vụ chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19 trong năm 2020.
Văn bản cũng đề nghị giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các Bộ: Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường rà soát quy hoạch các loại khoáng sản chiến lược tập trung khai thác gắn với chế biến, xác định các khu vực dự trữ, báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép xuất khẩu một số loại khoáng sản:Khoảng sản có quy mô nhỏ lẻ như sắt, bauxit,…ở các khu vực biên giới nếu vận chuyển về các trung tâm chế biến dẫn đến giá thành cao, hỏng đường sá; Đá khối trắng, đá ốp lát sau khi đáp ứng đủ nhu cầu trong nước; Một số loại khoáng sản trên mặt như cát trắng thạch anh được khai thác thu hồi từ các dự án phát triển kinh tế, xã hội để bù thu ngân sách.
Về tháo gỡ khó khăn, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh để chuẩn bị các điều kiện thu hút các nguồn lực đầu tư phục vụ phát triển đất nước:
Bộ Tài nguyên và Môi trường cơ bản thống nhất đối với dự thảo Nghị quyết, đồng thời đề nghị bổ sung giao Bộ Tài nguyên và Môi trường các nhiệm vụ: Trình Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi bổ sung một số Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật đất đai, trong đó quy định việc giao đất không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất đối với các dự án thuộc lĩnh vực ưu đãi đầu tư, địa bàn ưu đãi đầu tư được miễn tiền thuê đất (bao gồm cả miễn tiền cho cả thời gian thuê, hoặc miễn tiền thuê đất trong một số năm; trừ trường hợp miễn tiền thuê đất trong thời gian xây dựng cơ bản) và quy định xử lý đối với trường hợp dự án có diện tích đất công xen kẽ để thúc đẩy thu hút đầu tư và tháo gỡ vướng mắc của các địa phương.
Phối hợp với Bộ: Tư pháp, Kế hoạch và Đầu tư, Xây dựng hướng dẫn các địa phương quyết định chủ trương đầu tư các dự án nhà ở theo quy định của pháp luật về đầu tư và pháp luật về đất đai đối với trường hợp chủ đầu tư đã có quyền sử dụng đất hợp pháp và phù hợp với quy hoạch đã được phê duyệt để tháo gỡ vướng mắc liên quan đến quy định phải có đất ở hợp pháp mới được công nhận là chủ đầu theo Luật nhà ở.
Hướng dẫn Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức lập, thẩm định kế hoạch sử dụng đất hàng năm cấp huyện làm căn cứ để thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất khi quy hoạch tỉnh chưa được phê duyệt; sau đó tích hợp vào quy hoạch tỉnh, kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất.
Chủ trì, phối hợp với các Bộ ngành khẩn trương xây dựng Nghị định quản lý khoáng sản ở các khu vực dự trữ theo trình tự rút gọn để vừa đáp ứng yêu cầu dự trữ khoáng sản vừa đưa các nguồn lực đất đai ở các khu vực dự trữ vào phát triển kinh tế - xã hội nhất là ở các khu vực ven biển, có tiềm năng phát triển du lịch, dịch vụ.
Hướng dẫn, cho phép các doanh nghiệp được giãn tiến độ lắp đặt thiết bị, kết nối, cung cấp thông tin, dữ liệu về hệ thống giám sát khai thác, sử dụng tài nguyên nước theo quy định đến trước ngày 31 tháng 12 năm 2020.
Đồng thời đề nghị bổ sung vào Nghị quyết quy định cho phép các doanh nghiệp được giãn tiến độ lắp đặt hệ thống quan trắc nước thải tự động, liên tục theo quy định tại khoản 20 Điều 2 Nghị định số 40/2019/NĐ-CP của Chính phủ đến ngày 31 tháng 12 năm 2021.
Về giải pháp thúc đẩy đầu tư toàn xã hội, đặc biệt là vốn đầu tư công
Bộ Tài nguyên và Môi trường thống nhất với dự thảo Nghị quyết, đồng thời đề nghị bổ sung 04 nội dung:
Giao Bộ Tài nguyên và Môi trường trên cơ sở đánh giá tình hình Nghị quyết số 27/NQ-CP của Chính phủ về việc cho phép áp dụng thí điểm cơ chế, quy trình đặc thù để rút ngắn thời gian thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và bàn giao mặt bằng dự án có thu hồi đất trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh xây dựng trình ban hành các quy định để rút ngắn thời gian bồi thường, giải phóng mặt bằng.
Bộ Tài chính chủ trì phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường tổng hợp trình Thủ tướng Chính phủ quyết định phân bổ kinh phí sự nghiệp môi trường còn lại của năm 2020 theo nội dung của Nghị quyết số 86/2019/QH14 ngày 16 tháng 11 năm 2019 của Quốc hội, hoàn thành trước ngày 15 tháng 5 năm 2020.
Giảm tiền kiểm, tăng cường hậu kiểm để đẩy nhanh thủ tục triển khai thực hiện các dự án đầu tư công.
Đối với các dự án đầu tư công nằm trong danh mục các công trình, dự án kèm theo quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh đã được Chính phủ phê duyệt theo quy định của pháp luật đất đai, đã có quyết định chủ trương đầu tư của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ mà phải chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất có rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, rừng sản xuất là rừng tự nhiên hoặc các dự án đầu tư công xây dựng các công trình hạ tầng, dự án trọng điểm của địa phương đã được Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định chủ trương chuyển mục đích theo thẩm quyền và quy định của pháp luật thì không phải trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương, trừ trường hợp phải báo cáo Quốc hội theo quy định của pháp luật đất đai, pháp luật về lâm nghiệp và pháp luật về đầu tư…
Với những ý kiến đóng góp trên, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét bổ sung vào dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân đầu tư công trong bối cảnh đại dịch Covid-19, hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội.
BBT (Nguồn: báo TN&MT)
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn