Tham gia buổi họp báo có ông Vũ Minh Sơn - Vụ trưởng Vụ Thi đua, Khen thưởng và Tuyên truyền và ông Nguyễn Vĩnh Khang - Phó Chánh Văn phòng Bộ, cùng lãnh đạo một số đơn vị trực thuộc Bộ và đông đảo phóng viên các cơ quan thông tấn báo chí.
Tại cuộc họp báo, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã thông tin một số nội dung chuyên đề trọng tâm về: kết quả thực hiện nhiệm vụ công tác quý I/2019; Chương trình xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ năm 2019; công tác kiểm tra, thanh tra và kế hoạch thanh tra năm 2019; kết quả tổ chức thực hiện Nghị quyết số 120/NQ-CP của Chính phủ về phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu và các nhiệm vụ thực hiện trong năm 2019; các cơ chế, chính sách mới trong lĩnh vực bảo vệ môi trường và một số nội dung công việc trọng tâm quý II/2019 trong lĩnh vực môi trường; nhận định tình hình khí tượng thủy văn mùa mưa bão năm 2019...
Phát biểu tại họp báo, Thứ trưởng Lê Công Thành thay mặt Bộ Tài nguyên và Môi trường trân trọng ghi nhận và đánh giá cao các cơ quan thông tấn báo chí trong những tháng đầu năm 2019 đã tập trung tuyên truyền, truyền thông với dấu ấn đậm nét về nhiều chủ đề, nhiều nội dung liên quan đến công tác quản lý nhà nước của Bộ như chính sách quản lý nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất; các hoạt động hưởng ứng Ngày Nước thế giới, Ngày Khí tượng thế giới...
Tập trung hoàn thiện cơ chế chính sách
Nhấn mạnh về Chương trình xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ, Thứ trưởng cho biết, năm 2019, Bộ sẽ tiếp tục tập trung thực hiện các nhiệm vụ được Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao và theo thẩm quyền được giao. Bộ tiếp tục quan tâm đầu tư nguồn lực thực hiện nhiệm vụ xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật; nhằm góp phần sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện chính sách pháp luật tài nguyên và môi trường. Cơ chế, chính sách pháp luật của ngành đang được người dân, cộng đồng doanh nghiệp quan tâm; góp phần phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh, quốc phòng và đẩy mạnh hội nhập quốc tế.
Năm 2019, theo Chương trình xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Bộ sẽ tập trung xây dựng và trình cơ quan có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền 37 văn bản, gồm: 01 luật, 01 nghị quyết, 07 nghị định, 04 quyết định, 24 thông tư.
Bộ đang xây dựng và hoàn thiện các quy định của Luật Bảo vệ môi trường (dự kiến trình Chính phủ dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo vệ môi trường tháng 11 năm 2019). Trình Chính phủ để trình Quốc hội để xem xét, ban hành Nghị quyết về miễn tiền cấp quyền khai thác khoáng sản và khai thác tài nguyên nước. Hoàn thiện về khung giá đất theo định kỳ 5 năm cho phù hợp với thị trường (Nghị định thay thế Nghị định số 104/2014/NĐ-CP ngày 14/11/2014 của Chính phủ quy định về khung giá đất, dự kiến 9/2019 trình Chính phủ). Cụ thể hóa bằng pháp luật với việc trình Chính phủ xem xét, ban hành Nghị định quy định về tích tụ, tập trung đất đai cho sản xuất nông nghiệp. Tiếp tục hoàn thiện các nghị định quy định về xử phạt hành chính liên quan đến các lĩnh vực môi trường, khoáng sản; đo đạc và bản đồ; biển và hải đảo,...
Trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, ban hành Quy chế ứng phó sự cố môi trường; sửa đổi các Quyết định về tổ chức và hoạt động của Quỹ bảo vệ môi trường Việt Nam; về dự báo, cảnh báo và truyền tin thiên tai; về quy định mức nước tương ứng với các cấp báo động lũ trên các sông trong phạm vi cả nước. Đồng thời, tiếp tục hoàn thiện các quy định kỹ thuật, định mức kinh tế kỹ thuật về tài nguyên và môi trường.
Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các lĩnh vực
Trong Quý I/2019, Bộ đã thanh tra đột xuất việc chấp hành pháp luật về đất đai, môi trường, khoáng sản và tài nguyên nước đối với các tổ chức hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản thuộc mỏ Trại Sơn huyện Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng; tổ chức đoàn công tác kiểm tra về việc xử lý, tiêu hủy lợn chết do dịch tả lợn Châu Phi tại tỉnh Thái Bình nhằm hướng dẫn địa phương thực hiện các giải pháp bảo đảm yêu cầu về bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó, thông qua hoạt động theo dõi các thông báo kế hoạch vận hành thử nghiệm công trình xử lý chất thải của chủ dự án và kiểm tra, xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường của dự án, ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 02 cơ sở với số tiền 480 triệu đồng.
Trong năm 2019, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ thanh tra việc chấp hành pháp luật về đất đai, môi trường và tài nguyên nước đối với các dự án có quy mô sử dụng đất lớn, các tổ chức sử dụng đất có nguồn gốc từ nông trường, lâm trường tại 04 tỉnh, gồm: Bắc Ninh, Cà Mau, Gia Lai và Kon Tum; thanh tra việc chấp hành pháp luật khí tượng thủy văn đối với các trạm khí tượng thủy văn chuyên dùng trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.
Trong lĩnh vực đất đai, sẽ thanh tra việc quản lý, sử dụng đất đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh ngoài khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu kinh tế theo Đề án "Tăng cường xử lý vi phạm trong quản lý, sử dụng đất đai đến năm 2020" trên địa bàn 05 tỉnh, gồm: Hà Nam, Nghệ An, Bình Dương, Tây Ninh, Hải Dương. Thanh tra việc chấp hành pháp luật đất đai đối với các dự án FDI và các dự án khác sử dụng nhiều diện tích đất, mặt nước ven biển nhưng chậm triển khai, hoạt động kém hiệu quả trên địa bàn 02 tỉnh, gồm: Khánh Hòa và Bình Thuận. Kiểm tra việc quản lý sử dụng đất sắp xếp lại cơ sở nhà đất thuộc sở hữu nhà nước do các đơn vị sự nghiệp hoặc doanh nghiệp sử dụng theo Quyết định 09/2007/QĐ-TTg ngày 19/01/2007 của Thủ tướng Chính phủ tại Tập đoàn dệt may Việt Nam, Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) và Tổng công ty Thương mại Sài Gòn.
Trong lĩnh vực địa chất và khoáng sản, sẽ thanh tra chuyên đề xác định sản lượng khoáng sản khai thác thực tế bằng phương pháp đo đạc hiện trạng mỏ đối với các mỏ đá vôi, đá sét làm nguyên liệu xi măng trên địa bàn 08 tỉnh, gồm: Hà Nam, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Nam, Thừa Thiên Huế, Tây Ninh, Bình Phước, Kiên Giang.
Trong lĩnh vực môi trường, sẽ thanh tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường đối với các tổ chức sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn 20 tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương. Thanh tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường đối với các cơ sở xử lý chất thải nguy hại trên địa bàn 10 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Trong lĩnh vực biển và hải đảo, sẽ thanh tra công tác quản lý tổng hợp tài nguyên, môi trường biển và hải đảo (đối với đơn vị có chức năng quản lý nhà nước) và việc chấp hành các quy định của pháp luật về tài nguyên, môi trường biển và hải đảo (đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ ven biển) trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh.
Trong lĩnh vực tài nguyên nước, sẽ thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về tài nguyên nước trong hoạt động thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước trên địa bàn 02 tỉnh: Đồng Nai và Thành phố Hồ Chí Minh; thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về tài nguyên nước trong hoạt động thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước của một số đơn vị khai thác, sử dụng nước đa mục tiêu, có quy mô lớn và phục vụ cấp nước cho đô thị trên địa bàn 04 tỉnh: Thanh Hóa, Quảng Ngãi, Bà Rịa - Vũng Tàu và thành phố Hải Phòng; thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về tài nguyên nước trong hoạt động quản lý, vận hành hồ chứa thủy điện, thủy lợi trên địa bàn tỉnh Sơn La.
Trong lĩnh vực khí tượng thủy văn, sẽ kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về khí tượng thủy văn tại 11 tỉnh: Tuyên Quang, Hà Giang, Lai Châu, Nghệ An, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Phú Yên, Bình Phước, Đồng Nai, Đắk Lắk và Đắk Nông.
Trong lĩnh vực biến đổi khí hậu, sẽ kiểm tra việc chấp hành pháp luật về biến đổi khí hậu; việc thực hiện theo Thỏa thuận Pari; kiểm tra việc tuân các quy định hiện hành trong nước và quốc tế đối với dự án theo Cơ chế phát triển sạch tại 04 tỉnh: Sóc Trăng, Bạc Liêu, Quảng Nam và Nghệ An.
Trong lĩnh vực đo đạc và bản đồ, sẽ kiểm tra công tác quản lý nhà nước và việc chấp hành các quy định của pháp luật về đo đạc và bản đồ tại 05 tỉnh: Bắc Giang, Kiên Giang, Bến Tre, Bình Phước và thành phố Hà Nội.
Trong lĩnh vực viễn thám, sẽ kiểm tra việc chấp hành quy định của pháp luật về viễn thám tại 04 tỉnh: Thái Bình, Nam Định, Quảng Ninh và Ninh Bình.
Triển khai quyết liệt Nghị quyết số 09/NQ-CP của Chính phủ về quản lý chất thải rắn
Triển khai thực hiện Nghị quyết số 09/NQ-CP của Chính phủ về quản lý chất thải rắn, Bộ đang tập trung hoàn thiện báo cáo rà soát, đề xuất phương án thống nhất quản lý chất thải rắn; dự thảo Quyết định ban hành Kế hoạch thống nhất quản lý nhà nước về chất thải rắn; chuẩn bị tổ chức Hội thảo khoa học tại các địa phương về mô hình xử lý chất thải rắn; tổ chức các đoàn kiểm tra đánh giá thực trạng quản lý chất thải rắn tại các địa phương.
Ngày 08/3/2019, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành Thông tư số 01/2019/TT-BTNMT quy định ngưng hiệu lực thi hành một số quy định của Thông tư số 08/2018/TT-BTNMT ngày 14/9/2018 và Thông tư số 09/2018/TT-BTNMT ngày 14/9/2018 ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường theo đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 09/NQ-CP và Công văn số 1036/VPCP-TH của Thủ tướng Chính phủ.
Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chủ động phối hợp với Văn phòng Chính phủ, Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp rà soát, xây dựng quy định về quản lý chất lượng phế liệu nhập khẩu và thông quan phế liệu nhập khẩu trong dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ môi trường theo hướng thay đổi phương thức kiểm tra nhà nước đối với chất lượng phế liệu nhập khẩu theo hướng chủ động phòng ngừa từ xa việc nhập khẩu phế liệu và kiểm soát chặt chẽ để tránh việc lợi dụng đưa phế liệu không đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường vào nước ta, chuyển từ “tiền kiểm” sang “hậu kiểm” tuân thủ các yêu cầu pháp luật hiện hành trên tinh thần thực hiện Nghị quyết số 09/NQ-CP nêu trên. Theo đó, Sở Tài nguyên và Môi trường không tiến hành trực tiếp việc kiểm tra nhà nước về chất lượng phế liệu nhập khẩu. Nghị định hiện nay đã được trình Thủ tướng Chính phủ xem xét ban hành.
Kết quả bước đầu triển khai các nội dung Nghị quyết 120/NQ-CP của Chính phủ về phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu
Các Bộ, ngành, địa phương tập trung xây dựng Kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết số 120/NQ-CP. Bộ TN&MT phối hợp các Bộ, ngành, địa phương xây dựng Chương trình hành động tổng thể thực hiện Nghị quyết số 120/NQ-CP, tích cực xây dựng và ban hành một số cơ chế chính sách đột phá như: Cơ chế chính sách tập trung, tích tụ đất đai phục vụ sản xuất quy mô lớn, chính ách quản lý tài nguyên nước và tài nguyên khoáng sản; Khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; Ưu tiên phát triển công nghiệp hỗ trợ cho nền kinh tế nông nghiệp, công nghiệp chế biến các sản phẩm nông sản; Hỗ trợ hoạt động xúc tiến thương mại...
Bước đầu đề xuất, xây dựng, triển khai các dự án ưu tiên, có quy mô vùng, có tính lan tỏa và đảm bảo tính bền vững như Dự án chống chịu khí hậu tổng hợp và sinh kế bền vững với sự tham gia trực tiếp của 9 tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long; Dự án Hệ thống thủy lợi sông Cái Lớn - Cái Bé; Dự án hồ trữ lũ và cấp nước ngọt Trà Sư - Tri Tôn nhằm kiểm soát lũ vào mùa mưa, trữ nước trong mùa khô, phục vụ sinh hoạt và sản xuất, đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất lúa, nuôi trồng thủy sản ở các địa phương thuộc tiểu vùng Tứ giác Long Xuyên.
Tập trung triển khai các nội dung: Cập nhật và hệ thống hóa số liệu, dữ liệu liên ngành, tăng cường điều tra cơ bản; Đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ; Xây dựng quy hoạch và tổ chức không gian lãnh thổ; Xây dựng cơ cấu kinh tế hợp lý thích ứng với biến đổi khí hậu; Phòng chống sạt lở, phát triển hạ tầng; Phát triển và huy động nguồn lực; Các hoạt động truyền thông
Các nhiệm vụ trọng tâm triển khai trong năm 2019, xây dựng cơ sở dữ liệu liên ngành đồng bằng sông Cửu Long và xây dựng Trung tâm Tích hợp dữ liệu vùng đồng bằng sông Cửu Long; có cơ chế phối hợp, chia sẻ, cung cấp thông tin giữa các cơ quan trung ương - địa phương. Thiết lập hệ thống giám sát đánh giá trực tuyến để thu thập dữ liệu, công khai kết quả thực hiện kế hoạch hành động biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh, chia sẻ những mô hình thành công và truyền thông để lan tỏa, nhân rộng.
Đẩy nhanh việc xây dựng Quy hoạch tổng thể phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo phương pháp tích hợp đa ngành làm cơ sở cho việc thiết kế và triển khai các nhiệm vụ cụ thể, dài hạn theo Nghị quyết 120.
Tổ chức Hội nghị lần thứ 2 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu và đánh giá, kiểm điểm việc thực hiện Nghị quyết nhằm đánh giá tổng thể những việc đã làm được, chưa làm được và những khó khăn, vướng mắc trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết 120 (dự kiến trong tháng 5/2019).
El Nino có cường độ yếu và không kéo dài
Theo các kết quả dự báo mới nhất về hiện tượng ENSO cho thấy nhiệt độ mặt nước biển khu vực NINO3.4 tiếp tục cao hơn so với trung bình nhiều năm và đang có xu hướng tăng dần. Theo đó, hiện tượng ENSO được dự báo sẽ duy trì trạng thái El Nino yếu từ nay cho tới khoảng tháng 7, tháng 8 năm 2019 với xác suất 60-70%, đến những tháng cuối năm 2019 nhiệt độ mặt nước biển khu vực NINO3.4 có xu hướng giảm dần và ENSO có khả năng trở về trạng thái trung tính. Như vậy, có thể nhận định El Nino năm 2018-2019 có cường độ yếu và không kéo dài.
Mùa bão năm 2019 trên khu vực Biển Đông có xu hướng hoạt động muộn hơn so với trung bình nhiều năm. Dự báo số lượng bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động trên khu vực Biển Đông và ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta trong năm 2019 có khả năng ít hơn so với trung bình nhiều năm, có khả năng xuất hiện khoảng 10 - 12 cơn bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động trên khu vực Biển Đông và trong đó có khoảng 4 - 5 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền, tập trung nhiều ở khu vực Trung Bộ trong những tháng nửa cuối năm 2019.
Tại họp báo, lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ cũng đã trả lời nhiều câu hỏi được báo chí và dư luận quan tâm liên quan đến các nội dung quản lý của Bộ; các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước của ngành trong công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; việc xử lý sai phạm đất rừng ở huyện Sóc Sơn; công tác quản lý nhập khẩu phế liệu, rác thải nhựa; việc giao vùng biển để Tập đoàn Hoà Phát nhận chìm ở vùng biển Dung Quất; những lo ngại về việc xử lý nước rỉ từ bãi xỉ rác của Formosa; vấn đề ô nhiễm môi trường tại nhà máy xử lý rác thải ở Hải Dương...
Kết luận họp báo, Thứ trưởng Lê Công Thành nhấn mạnh, với hơn 20 câu hỏi của các nhà báo trong buổi họp báo thể hiện sự quan tâm toàn diện của các nhà báo đến các lĩnh vực quản lý của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Thứ trưởng cảm ơn các nhà báo đã đồng hành với chủ trương của lãnh đạo Bộ là tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đột xuất các vấn đề mà báo chí nêu sẽ được Bộ chỉ đạo làm rõ và thông tin kịp thời cho báo chí và người dân. Chính sự quan tâm của báo chí đã, đang và sẽ giúp cơ quan quản lý Nhà nước nắm bắt thêm nhiều vấn đề dư luận xã hội đang quan tâm, đồng thời truyền tải được những thông tin, tuyên truyền về lĩnh vực tài nguyên và môi trường.
Thứ trưởng mong muốn: “Các nhà báo tiếp tục đồng hành với Bộ để có thể tuyên truyền, thông tin thêm về những dự thảo văn bản quy phạm pháp luật của Bộ đang trong quá trình soạn thảo, xây dựng để có thể nhận được ý kiến phản hồi của người dân, doanh nghiệp; để các văn bản, các quy định ngày càng đầy đủ hơn, chặt chẽ hơn, phù hợp hơn với thực tiễn triển khai.”
Nhấn mạnh về những nhiệm vụ trọng tâm trong quý II/2019 của Bộ, bên cạnh việc tiếp tục tuyên truyền xây dựng, hoàn thiện thể chế chính sách tài nguyên và môi trường, Thứ trưởng Lê Công Thành mong muốn các cơ quan thông tấn báo chí tiếp tục đồng hành với Bộ trong tuyên truyền công tác thanh tra, kiểm tra đột xuất xử lý vi phạm pháp luật về tài nguyên môi trường; nâng cao nhận thức của cộng đồng về rác thải nhựa để tiến tới “nói không với rác thải nhựa”, tăng cường sử dụng túi ni-lon thân thiện với môi trường; đẩy mạnh tuyên truyền về kết quả Nghị quyết 120/NQ-CP của Chính phủ, nhất là Hội nghị lần thứ 2 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long (dự kiến trong tuần từ 13-17/5/2019); Phiên họp lần thứ 7 của Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam - Hà Lan về thích ứng với biến đổi khí hậu và quản lý nước…
Thứ trưởng cũng đề nghị Vụ Thi đua Khen thưởng và Tuyên truyền làm đầu mối tổng hợp, ghi nhận ý kiến, câu hỏi của các phóng viên báo, đài để gửi đến những đơn vị chức năng của Bộ Tài nguyên và Môi trường trả lời theo quy định. Thứ trưởng bày tỏ tin tưởng rằng, sự hợp tác, chia sẻ phối hợp giữa các cơ quan thông tấn, báo chí với Bộ sẽ tiếp tục được củng cố và khăng khít hơn nữa trong thời gian tới.
BBT (Nguồn: Cổng TTĐT Bộ TN&MT)
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn