5 đề xuất phát triển kinh tế tuần hoàn của Bộ trưởng Tài nguyên - Môi trường
Theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, so với kinh tế tuyến tính truyền thống, kinh tế tuần hoàn mang lại nhiều lợi ích đối với quốc gia, xã hội và doanh nghiệp.
Phát biểu tại đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 13, Bộ trưởng Bộ TN-MT Trần Hồng Hà cho biết, kinh tế tuần hoàn đang trở thành xu thế tất yếu của thế giới. Xu thế này nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững trong bối cảnh tài nguyên ngày càng suy thoái, cạn kiệt, môi trường bị ô nhiễm, biến đổi khí hậu diễn biến khốc liệt. Cũng tại Đại hội, Bộ trưởng Trần Hồng Hà đưa ra 5 đề xuất để phát triển kinh tế tuần hoàn. Theo ông, để thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn, chúng ta cần thực hiện đồng bộ các giải pháp từ nâng cao nhận thức đến hoàn thiện thể chế và tổ chức thực hiện. Đầu tiên, Bộ trưởng Bộ TN-MT kiến nghị Ban chấp hành T.Ư Đảng khoá XIII xem xét ban hành Nghị quyết về thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn. Theo ông Trần Hồng Hà, cần xem xét phát triển kinh tế tuần hoàn là giải pháp tất yếu để nâng cao chất lượng tăng trưởng, cải thiện năng lực cạnh tranh quốc gia, bảo đảm sản xuất và tiêu dùng bền vững; phân bổ, quản lý, sử dụng hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, góp phần giải quyết các vấn đề xã hội, tạo việc làm... Tiếp đó, sức mạnh của toàn bộ hệ thống chính trị cần được phát huy. Các cấp ủy đảng, chính quyền cần được phát triển, tăng cường tuyên truyền rộng rãi trong toàn xã hội về yêu cầu thực tiễn, vai trò, ý nghĩa, lợi ích và tầm quan trọng của phát triển kinh tế tuần hoàn, trong đó, cộng đồng doanh nghiệp và người dân đóng vai trò trung tâm. Thứ ba là lãnh đạo, chỉ đạo việc rà soát, sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các cơ chế, chiến lược, chính sách, pháp luật thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn, phù hợp với chủ trương của Đảng, xu thế mới, những quy định, tiêu chuẩn đã và đang hình thành trong khu vực và trên quy mô toàn cầu.
Chi trả chi phí xử lý rác thải Theo ông Trần Hồng Hà, trước mắt cần cụ thể hóa các quy định trong luật Bảo vệ môi trường năm 2020. Chẳng hạn như quy định trách nhiệm cụ thể của nhà sản xuất trong việc thu hồi, tái chế hoặc chi trả chi phí xử lý các sản phẩm thải bỏ dựa trên số lượng sản phẩm bán ra trên thị trường; phát triển công nghiệp môi trường, thị trường hàng hóa và dịch vụ môi trường, sản phẩm thân thiện môi trường…; quản lý dự án theo vòng đời, thiết lập lộ trình xây dựng và áp dụng quy chuẩn, tiêu chuẩn về môi trường (phát thải và công nghệ) tương đương với nhóm các quốc gia tiên tiến trong khu vực. Bên cạnh đó, tư lệnh ngành TN-MT cũng cho rằng, cần phải thực hiện các giải pháp để chuyển đổi mô hình kinh tế như điều chỉnh quy hoạch năng lượng, giảm dần sự phụ thuộc vào các dạng năng lượng từ nhiên liệu hóa thạch, thủy điện; xây dựng lộ trình chuyển đổi công nghệ dựa trên các tiêu chí tiết kiệm và hiệu quả năng lượng, giảm thiểu chất thải. Để làm được cần chú trọng ngay từ khâu quy hoạch, kế hoạch, thiết kế sản xuất, thiết kế sản phẩm để tăng cường kết nối chuỗi sản xuất tuần hoàn. Lựa chọn một số ngành, lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ như công nghiệp giấy, sản xuất sắt, thép, nhiệt điện, quản lý nước theo chu trình thực hiện theo mô hình kinh tế tuần hoàn là cần thiết. Bên cạnh đó, phát triển các đô thị, khu công nghiệp, khu chế xuất, trung tâm nhiệt điện theo mô hình tuần hoàn cũng là cần thiết. Thứ 4, Bộ trưởng Bộ TN-MT Trần Hồng Hà đề cập việc đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng khoa học, công nghệ, lấy chuyển đổi số và ứng dụng thành tựu của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư làm động lực để phát triển kinh tế tuần hoàn. Cuối cùng là phát huy nội lực, tranh thủ hỗ trợ quốc tế để thực hiện các cam kết của Việt Nam; khuyến khích, huy động cộng đồng doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân tăng cường đầu tư vào phát triển kinh tế tuần hoàn. Bộ trưởng Bộ TN-MT Trần Hồng Hà cho biết, hiện nay kinh tế xanh, kinh tế các bon thấp, kinh tế tuần hoàn được coi là có thể đáp ứng yêu cầu về sử dụng tiết kiệm các nguồn tài nguyên, giải quyết ô nhiễm môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, phục vụ mục tiêu phát triển bền vững. Đây là mô hình kinh tế trong đó các hoạt động thiết kế, sản xuất và dịch vụ đặt ra mục tiêu kéo dài tuổi thọ của vật chất, loại bỏ tác động tiêu cực đến môi trường. So với kinh tế tuyến tính truyền thống, kinh tế tuần hoàn mang lại nhiều lợi ích đối với quốc gia, xã hội và doanh nghiệp.