Tỉnh Kon Tum có điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng khá đa dạng. Đây được coi là điều kiện thuận lợi để phát triển các loại dược liệu có dược tính cao. Theo kết quả nghiên cứu của đề tài “Xây dựng bộ tài liệu về nguồn dược liệu tỉnh Kon Tum”, trên địa bàn tỉnh có tổng số 853 loài cây thuốc và nấm làm thuốc, thuộc 549 chi, 191 họ của 6 ngành thực vật khác nhau. Trên cơ sở đó, ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Đề án đầu tư, phát triển và chế biến dược liệu trên địa bàn tỉnh đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, trong đó, xác định phát triển chủ yếu 27 loài dược liệu và các loài có giá trị kinh tế cao như Sâm Ngọc Linh, Đảng sâm, Đương quy, Ngũ vị tử, Lan Kim tuyến, Nghệ vàng, Đinh lăng, Sa nhân tím, Ý dĩ, nấm dược liệu, Giảo cổ lam, Bảy lá một hoa, Sâm cau, Thạch hộc tía, Ba kích, Hà thủ ô,...
Dựa trên những tiềm năng, lợi thế về dược liệu đã được khảo sát qua các công trình nghiên cứu trước đó, ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum phê duyệt, triển khai thực hiện 14 đề tài, dự án khoa học và công nghệ cấp tỉnh trong lĩnh vực bảo tồn, phát triển và chế biến dược liệu. Nhiều kết quả nghiên cứu này đã được chuyển giao, ứng dụng vào thực tế, trong đó có thể kể đến như: ứng dụng công nghệ GIS trong xác định các vùng phân bố dược liệu trên địa bàn tỉnh; Xây dựng thành công vườn giống gốc Sâm Ngọc Linh tại Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đăk Tô; Quy trình nhân giống, trồng, chăm sóc một số loại dược liệu như: ba kích, mật nhân, nấm linh chi, nấm đông trùng hạ thảo, lan kim tuyến, ngũ vị tử, đảng sâm,... Trong lĩnh vực chế biến, cũng đã hỗ trợ các doanh nghiệp, địa phương triển khai tiếp nhận quy trình công nghệ sản xuất nấm dược liệu, chế biến các loại trà hòa tan từ các dược liệu của địa phương, như: Trà Linh Chi Sâm, Trà Linh chi, Trà Trinh nữ Hoàng Cung, Trà Ngũ vị tử, Trà Hà thủ ô, Trà Diệp Hạ Châu, nước uống sâm dây đóng lon,...
Qua kết quả giám sát 01 năm thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TU ngày 02/3/2018 của Tỉnh ủy Kon Tum, trên địa bàn tỉnh phát triển được khoảng 1.265 ha cây dược liệu, trong đó diện tích Sâm Ngọc Linh đã trồng hơn 600 ha với sản lượng đạt khoảng 4.600 tấn, 118 ha Đảng Sâm, 05 ha Sa Nhân tím, 399 ha Ý dĩ, 72,6 ha Nghệ vàng, 9,9 ha Đinh lăng, 16,1 ha Đương quy. Bước đầu hình thành các vùng phát triển dược liệu tập trung đối với các loài dược liệu chủ lực, tạo nguồn thu nhập, nâng cao đời sống cho người dân, bộ mặt nông thôn từng bước thay đổi, an ninh chính trị - trật tự an toàn xã hội được ổn định, giữ vững, góp phần phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội trên địa bàn tỉnh.
Bên cạnh đó, nhằm đẩy mạnh việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ của các tổ chức, cá nhân trồng, phát triển, sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ sâm Ngọc Linh và các loại dược liệu khác, ngành khoa học và công nghệ đã tham mưu Úy ban nhân dân tỉnh thành lập, đưa vào hoạt động Hội Sâm Ngọc Linh; đồng thời, phối hợp với ngành y tế tham mưu, thành lập Hội Dược liệu tỉnh.
Trên thực tế, hiện nay việc phát triển dược liệu của tỉnh Kon Tum vẫn còn một số hạn chế như: năng suất, chất lượng, giá trị các sản phẩm chế biến từ dược liệu còn thấp. Trước yêu cầu của hội nhập, việc trồng, thu hái dược liệu theo nguyên tắc, tiêu chuấn của Tổ chức Y tế thế giới (GACP-WHO); công nghệ chế biến sâu các sản phấm từ dược liệu để gia tăng giá trị sản phâm; việc xây dựng và phát triển thương hiệu các sản phẩm dược liệu của tỉnh Kon Tum còn nhiều khó khăn và thách thức; các đơn vị đủ khả năng để sản xuất, chế biến các thành phẩm từ dược liệu của tỉnh vẫn chưa tạo được thế mạnh cạnh tranh trên thị trường...
Để tiếp tục phát huy những kết quả đạt được cũng như khắc phục những hạn chế trong phát triển dược liệu thời gian tới, ngành khoa học và công nghệ tập trung triển khai một số nhiệm vụ chủ yếu như sau: một là, triển khai việc nhân giống, xây dựng các mô hình trồng, bảo quản, chế biến dược liệu ứng dụng công nghệ cao gắn với việc đảm bảo tính bền vững sinh thái; hai là, khẩn trương hình thành và đưa vào hoạt động khu vực nghiên cứu, thử nghiệm phát triển Sâm Ngọc Linh Kon Tum và dược liệu khác; ba là, tổ chức thực hiện hiệu lực, hiệu quả công tác sở hữu trí tuệ đối với các sản phấm từ dược liệu; phối hợp với các ngành liên quan thực hiện việc xúc tiến thương mại, quảng bá, giới thiệu sản phẩm; bốn là, nâng cao chất lượng công tác quản lý nghiên cứu, đào tạo, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, hỗ trợ chuyên gia trong các hoạt động nghiên cứu, chuyến giao công nghệ lĩnh vực dược liệu./.
Trần Thị Nga
Tỉnh uỷ viên, Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh
Nguồn tin: Thông tin KH&CN - Số 01/2020
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn