Trong hai năm 2017 – 2018 và 6 tháng đầu năm 2019, toàn quốc có 4.912 trẻ em bị xâm hại, trong đó số trẻ em bị xâm hại tình dục chiếm trên 80%.Tại Việt Nam, 68,4% trẻ em từng bị cha mẹ, người chăm sóc có hành vi bạo lực tại nhà. Bạo lực đối với trẻ em gây hậu quả nặng nề cho bản thân trẻ em và toàn xã hội.
Tính chất của các vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em đang có chiều hướng diễn biến phức tạp, nghiêm trọng. Trẻ em bị bạo lực, xâm hại với nhiều độ tuổi, xảy ra ngay trong môi trường gia đình hoặc trường học, do nhiều đối tượng gây ra. Trong đó, có trường hợp trẻ em bị chính người thân trong gia đình, giáo viên và bạn bè trong trường học bạo lực và xâm hại.
Hiến pháp năm 2013 quy định: “Trẻ em được Nhà nước, gia đình và xã hội bảo vệ, chăm sóc và giáo dục; được tham gia vào các vấn đề về trẻ em. Nghiêm cấm xâm hại, hành hạ, ngược đãi, bỏ mặc, lạm dụng, bóc lột sức lao động và những hành vi khác vi phạm quyền trẻ em”. Tất cả những hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em (xâm hại tình dục, dâm ô…) tác động rất lớn đến quá trình phát triển tâm lý và thể chất của trẻ, ảnh hưởng nghiêm trọng đến những giá trị đẹp đẽ của đạo đức xã hội, sự phát triển của đất nước. Do đó, hành vi này cần được phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn kịp thời bởi sự tham gia phối hợp, chung tay góp sức của các cơ quan chức năng, gia đình và toàn xã hội.
Trước tình hình bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em diễn biến phức tạp, Chính phủ đã giao cho Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội chủ trì xây dựng Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em giai đoạn 2020 – 2025. Theo đó, BộLao động, Thương binh và Xã hội đã ban hành Quyết định số 382/QĐ-LĐTBXH ngày 21/3/2019 về việc thành lập Ban soạn thảo xây dựng Quyết định của Thủ tướng và đã có văn bản gửi xin ý kiến các bộ, ngành, địa phương về dự thảo Kế hoạch nêu trên. Trên cơ sở đó, Ban soạn thảo đã hoàn chỉnh Tờ trình, Quyết định, văn kiện Kế hoạch.
Kế hoạch hướng tới việc nâng cao nhận thức, năng lực phòng ngừa, hỗ trợ, can thiệp các trường hợp, vụ việc bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em của gia đình, trẻ em, cơ sở giáo dục, cơ quan, tổ chức có trách nhiệm bảo vệ trẻ em và cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em.Kế hoạch cũng đặt ra mục tiêu hình thành chuẩn mực xã hội và tập quán ứng xử đối với trẻ em nhằm xây dựng môi trường sống an toàn, thân thiện, lành mạnh cho trẻ em.
Nội dung kế hoạch gồm 6 dự án: (1) Dự án 1: Truyền thông, vận động xã hội thay đổi nhận thức, tập quán ứng xử, chuẩn mực xã hội về bảo vệ trẻ em và nâng cao năng lực về bảo vệ trẻ em cho cha mẹ, người chăm sóc trẻ và trẻ em. (2) Dự án 2: Phòng ngừa bạo lực học đường; Hỗ trợ, can thiệp đối với trẻ em bị bạo lực, xâm hại trong các cơ sở giáo dục. (3) Dự án 3: Cải thiện dịch vụ bảo vệ trẻ em và tăng cường phối hợp liên ngành trong hỗ trợ các trường hợp trẻ em là nạn nhân của bạo lực, xâm hại tình dục. (4) Dự án 4: Phòng ngừa, can thiệp, hỗ trợ đối với trẻ em bị bạo lực, xâm hại trong ngành y tế. (5) Dự án 5: tăng cường hệ thống điều tra thân thiện đối với trẻ em là nạn nhân của bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em. (6) Dự án 6: Hình thành mạng lưới xã hội về bảo vệ trẻ em, phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em.
Đồng thời đưa ra 07 nhóm giải pháp chủ yếu, bao gồm: Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương về công tác bảo vệ trẻ em, phòng ngừa bạo lực, xâm hại trẻ em; Củng cố, kiện toàn cơ cấu tổ chức nhân lực bảo vệ trẻ em các cấp, đặc biệt là tổ chức phối hợp liên ngành về trẻ em, nhóm thường trực bảo vệ trẻ em cấp xã phù hợp với tình hình thực tế của các địa phương; Đẩy mạnh hoạt động xây dựng xã phường phù hợp với trẻ em, cộng đồng, trường học an toàn, thân thiện với trẻ em;Lồng ghép các hoạt động bảo vệ trẻ em, phòng ngừa bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em với các chương trình, kế hoạch, đề án, dự án có liên quan do các ngành Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Công an chủ trì; Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá, xây dựng dữ liệu quốc gia về bảo vệ trẻ em, khuyến khích khu vực tư nhân tham gia cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em; Tiếp tục hoàn thiện luật pháp, chính sách về bảo vệ trẻ em, phòng ngừa bạo lực, xâm hại trẻ em, xây dựng và ban hành định mức kinh tế kỹ thuật và khung giá dịch vụ bảo vệ trẻ em; Khuyến khích khu vực tư nhân tham gia cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em, phát triển dịch vụ bảo vệ trẻ em trên cả các lĩnh vực phúc lợi xã hội, y tế, giáo dục và tư pháp.
Ngoài ra, để tiếp túc siết chặt công tác quản lý, nâng cao ý thức phòng ngừa, ngăn chặn hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em, cuối tháng 11 vừa qua, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã có Công điện chỉ đạo UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm:
– Lồng ghép các chỉ tiêu về thực hiện quyền trẻ em vào kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội. Tăng cường công tác truyền thông, giáo dục đối với gia đình, người dân trong cộng đồng và trẻ em về chính sách, pháp luật liên quan đến quyền trẻ em.
– Tăng cường công tác quản lý nhà nước về trẻ em, tiến hành ngay việc giám sát, kiểm tra, thanh tra toàn diện việc thực hiện quyền trẻ em của các cấp chính quyền, cơ quan, tổ chức, đơn vị, cở sở trợ giúp xã hội, cơ sở giáo dục trẻ em trên địa bàn.
– Chỉ đạo xử lý kịp thời, nghiêm minh tất cả các vụ việc, những người vi phạm bạo lực xâm hại trẻ em…
Nguồn tin: congankontum.gov.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn