Quyền con người là mối quan tâm hàng đầu của các khu vực, quốc gia và tổ chức quốc tế
Nhân quyền luồn là mục tiêu hướng tới của nhân loại, nhưng thực tiễn nhân quyền ở mỗi quốc gia chỉ thực sự được quan tâm sau khi Liên hợp quốc ra đời. Nhân quyền ngày càng chiếm vị trí chủ đạo trong đời sống quốc tế.
Trước năm 1945, những vi phạm nhân quyền tại một quốc gia gần như không được đề cập trong các sinh hoạt quốc tế. Thông thường, những vi phạm, kể cả đặc biệt nghiêm trọng, được xem thuộc vấn đề nội bộ quốc gia; cộng đồng quốc tế không có nghĩa vụ pháp lý để can thiệp. Thực tiễn thế giới đã khiến nhân quyền dần trở thành dòng chảy chính trong quan hệ quốc tế. Chẳng hạn, Luật nhân quyền quốc tế xác định việc tàn sát hàng loạt người dân của một nước là một tội danh theo khái niệm “tội ác chống nhân loại”. Theo đó, một cá nhân có thể phải chịu trách nhiệm pháp lý trước cộng đồng quốc tế về những tội ác của mình. Nỗ lực của Liên hợp quốc đã làm cho nhân quyền ngày càng trở thành một chủ đề lớn trong các quan hệ quốc tế.
Từ những năm 1990, đặc biệt sau Hội nghị nhân quyền thế giới lần thứ hai (tại Áo, 1993), hàng loạt hoạt động trên lĩnh vực nhân quyền được triển khai. Sau Hội nghị, việc cải tổ các cơ quan chủ chốt về nhân quyền được triển khai mạnh mẽ theo hướng dân chủ hoá và hiệu quả hơn. Hệ thống báo cáo nhân quyền, trong đó có báo cáo của các tổ chức phi chính phủ, rất được coi trọng. Hàng loạt chỉ số đo lường mức độ hưởng thụ nhân quyền được đưa vào sử dụng[1]. Các cơ quan thuộc Liên hợp quốc được yêu cầu lồng ghép và phối hợp thúc đẩy nhân quyền. Cùng với việc tiếp tục xây dựng các văn kiện nhân quyền mới nhằm bảo vệ các đối tượng đặc biệt, Liên hợp quốc không ngừng bổ sung, hoàn thiện các cơ chế nhân quyền của mình; đặc biệt chú trọng thúc đẩy việc xây dựng cơ quan nhân quyền quốc gia[2].
Nhân quyền được xem là một trong ba trụ cột của Liên hợp quốc – bao gồm an ninh, nhân quyền và phát triển. Tuy nhiên, xét đến cùng, giữ gìn an ninh, thúc đẩy phát triển trên mọi lĩnh vực cũng đều nhằm bảo đảm tối đa các quyền và tự do cơ bản của con người.
Bên cạnh các cơ chế bảo vệ nhân quyền trên phạm vi toàn cầu, một số khu vực cũng rất chú trọng phát triển hệ thống bảo vệ nhân quyền của mình. Sau khi chiến tranh lạnh kết thúc, xu hướng này càng được đẩy mạnh, không chỉ ở châu Âu mà còn ở nhiều khu vực khác trên thế giới.
Trong khi chưa có hệ thống nhân quyền khu vực, một số tổ chức ở châu Á đã nỗ lực hoạt động nhằm khắc phục những thiếu hụt trên lĩnh vực nhân quyền[3], ở phạm vi hẹp hơn, năm 1994, Hội đồng Liên đoàn các quốc gia Arập đã cho ra mắt Hiến chương Ảrập về quyền con người (Hiến chương này vẫn chưa được thông qua); năm 2009, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã thành lập Uỷ ban liên chính phủ về nhân quyền ASEAN (AICHR)… Bên cạnh các tổ chức khu vực, các tổ chức liên khu vực cũng đặc biệt quan tâm vấn đề quyền con người[4].
Sự tham gia của các tổ chức phi chính phủ và công ty xuyên quốc gia trong việc bảo vệ quyền con người được xem là bước phát triển hết sức quan trọng trên lĩnh vực nhân quyền. Các tổ chức phi chính phủ được xem là nòng cốt của xã hội dân sự ở mỗi quốc gia. Một số tổ chức phi chính phủ đã mở rộng hoạt động ra quy mô toàn cầu. Liên hợp quốc đánh giá cao vai trò của các tổ chức phi chính phủ trong việc bảo vệ nhân quyền; đã có hàng ngàn tổ chức phi chính phủ được trao quy chế tư vấn tại các cơ quan chuyên môn và diễn đàn nhân quyền của Liên hợp quốc. Tuy nhiên, một số tổ chức phi chính phủ đã bị sử dụng vào mục đích chính trị. Các công ty xuyên quốc gia có vai trò to lớn trong việc thúc đẩy toàn cầu hoá, nhưng cũng chính quá trình toàn cầu hoá làm xuất hiện những vấn đề nhân quyền tại đây. Một số công ty xuyên quốc gia đã cùng với các cơ quan nhân quyền của Liên hợp quốc ký hiệp ước, nhằm xác định trách nhiệm bảo đảm nhân quyền tại nơi làm việc…
Sự tham gia ngày càng tăng của các tổ chức phi chính phủ và công ty xuyên quốc gia đã dẫn đến việc phương Tây coi cá nhân cùng các tổ chức phi chính phủ và công ty xuyên quốc gia là các chủ thể của luật nhân quyền quốc tế. Điều này đi ngược lại Luật nhân quyền truyền thống, khiến vấn đề nhân quyền trở lên hết sức phức tạp.
Lịch sử đã chứng minh vai trò to lớn của nhân quyền đối với sự phát triển của nền văn minh nhân loại. Nhân quyền là mục tiêu của mỗi con người cũng như của cả loài người; vì thế, phát triển mọi mặt đời sống xã hội, tạo dựng các giá trị vật chất và tinh thần cũng đều nhằm phục vụ con người, hiện thực hoá các quyền con người và rốt cuộc nhằm tôn vinh chính phẩm giá của con người. Nhưng, khi được tôn trọng và bảo vệ, nhân quyền lại góp phần quan trọng vào sự phát triển xã hội; vừa tiếp tục bồi đắp những giá trị hiện có, vừa tạo lập lên những giá trị mới. Nhân quyền là nhằm đảm bảo và hướng tới tự do, tự do làm nảy sinh mọi sáng tạo; xã hội phát triển nhờ những động lực không cùng này.
Ngày nay, nhân quyền trở thành chủ đề lớn trong các quan hệ quốc tế; không chỉ được đặt ra trong quan hệ giữa các quốc gia, mà còn được đặt ra trong quan hệ giữa các tổ chức khu vực và toàn cầu; giữa một tổ chức quốc tế với một quốc gia. Nhân quyền còn là chủ đề của các đảng chính trị trong tranh giành quyền lực và quá trình bầu cử…
Nhân quyền đem lại những lợi ích to lớn, song cũng luôn có khuynh hướng gây ra xung đột. Vì thế, Liên hợp quốc đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy nhân quyền, nhưng lại có nhiệm vụ làm tăng thêm sự hiểu biết, tin cậy và phát triển tình hữu nghị giữa các quốc gia, dân tộc…
Quyền con người là giá trị chung của nhân loại
Quyền con người bắt nguồn từ phẩm giá con người. Nhưng quyền con người có nội hàm phong phú như ngày này là thành quả chung của cả nhân loại, trong việc chinh phục giới tự nhiên và giải phóng con người khỏi mọi sự tha hoá, khôi phục bản thể vốn có của con người. Khái niệm quyền con người ra đời muộn, gắn liền với các cuộc cách mạng tư sản, nhưng những nội dung của quyền con người xuất hiện sớm và tồn tại trong mọi nền văn hoá. Thực tiễn đã chứng minh, những tư tưởng về quyền con người, cũng như những quy định trong pháp luật và thực tiễn bảo vệ quyền con người là sự đóng góp chung của mọi quốc gia, dân tộc, qua mọi thời kỳ phát triển của lịch sử. Quyền con người phát triển không ngừng, gắn liền với các hình thái kinh tế – xã hội, với nền vân minh nhân loại. Mỗi bước tiến của lịch sử nhân loại đều đánh dấu nấc thang mới trong nhận thức và việc hiện thực hoá các quyền con người. Như vậy, quyền con người vừa là sản phẩm của văn minh nhân loại, vừa là sản phẩm của đấu tranh lâu dài của con người chống lại áp bức, bóc lột; làm chủ thiên nhiên và tự hoàn thỉện chính mình.
Quá trình toàn cầu hoá đang tác động mạnh đến lĩnh vực quyền con người và đang có xu hướng “toàn cầu hoá” về nhân quyền. Ngày nay, những nguyên tắc và quy định của luật nhân quyền quốc tế được coi là mục tiêu phấn đấu của nhiều quốc gia. Ở hầu hết các nước, nội dung các công ước nhân quyền đã được nội luật hoá và từng bước tổ chức thực hiện trên thực tế. Là giá trị chung nên tất cả các dân tộc – không phân biệt chế độ chính trị, trình độ phát triển kinh tế, xã hội, văn hoá – đều có quyền thụ hưởng và có nghĩa vụ bảo vệ, phát triển giá trị xã hội cao quý này.
Quan điểm này có ý nghĩa quan trọng, chỉ rõ nguồn gốc của quyền con người, giúp chúng ta có cơ sở bác bỏ các quan điểm sai trái, coi quyền con người là phát kiến, là giá trị riêng có của phương Tây. Do đó, dẫn đến các biểu hiện phiến diện, cực đoan: Hoặc quay lưng, khước từ những giá trị tiến bộ, văn minh; hoặc áp đặt mô hình của nước này cho nước khác.
Từ quan điểm này, Đảng chủ trương: “Kế thừa và phát huy những; truyền thống văn hoá tốt đẹp của tất cả các dân tộc trong nước, tiếp thu những tinh hoa văn hoá nhân loại, xây dựng một xã hội dân chủ, văn minh, vi lợi ích chân chính và phẩm giá con người (…) Chống tư tưởng, văn hoá phản tiến bộ, trái với những truyền thống tốt đẹp của dân tộc và những giá trị cao quý của loài người trái với phương hướng đi lên chủ nghĩa xã hội[1], “Chú trọng nghiên cứu những vấn đề về thời đại, về chủ nghĩa tư bản hiện đại, về những biến đổi trong các quan hệ quốc tế, về trật tự thế giới mới, dự báo xu hướng phát triển của thế giới và của khu vực trong những thập kỷ tới”[2].
Những năm qua, Nhà nước Việt Nam đã chủ động tham gia vào các diễn đàn và hoạt động nhân quyền khu vực cũng như toàn cầu. Đảng luôn khẳng định, việc bảo đảm quyền con người là một mục tiêu, động lực của cách mạng, là trách nhiệm lớn của Đảng và Nhà nước; đồng thời nhấn mạnh “Chăm lo cho con người, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mọi người, tôn trọng và thực hiện các điều ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam đã ký kết hoặc tham gia”[3]. Trong bối cảnh mới, Đảng nêu rõ, Việt Nam là “thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế”, cần “tích cực và chủ động hội nhập quốc tế”
[1] Các cương lĩnh của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nxb CTQG, Hà Nội, tr.120.
[2] Nghị quyết của Bộ Chính trị số 01/N Q-TƯ “Về công tác lý luận trong giai đoạn hiện nay” (ngày 28/3/1992).
[3] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần IX, Nxb CTQG, H.2001, tr.134.
[1] Như chỉ số phát triển con người (HDI), chỉ số phát triển giới (GDI), chỉ số chênh lệch thu nhập (GINI), chỉ số nghèo tổng hợp (HPI), thước đo vị thế giới (GEM), sức mua tương đương (PPP)…
[2] Theo Nguyên tắc Pari, việc thành lập cơ quan này phải được quy định trong hiến pháp; cơ quan này phải “hoạt động độc lập”, có chức năng giám sát và giải quyết khếu kiện về tình trạng bị vi phạm nhân quyền…
[3] Năm 2005, tại Thái Lan, Hội nghị Đại hội đồng Liên minh nghị viện châu Á vì hòa bình (AAPP) lần thứ 6 đã thông qua Hiến chương nhân quyền của các dân tộc châu Á. Trước đó, năm 1998, tại Hồng Công, 200 tổ chức phi chính phủ đã cho ra đời Hiến chương châu Á về quyền con người.
[4] Như Diễn đàn Á-Âu; Diễn đàn EU-Trung Quốc; Hiệp định hợp tác Cotonou…
Nguồn tin: nhanquyenvn.org
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn