Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 1990/QĐ-TTg ngày 11 tháng 12 năm 2017 về việc Ban hành danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Tài nguyên và Môi trường; Quyết định số 1602/QĐ-BTNMT ngày 23 tháng 6 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc ban hành Kế hoạch của Bộ Tài nguyên và Môi trường triển khai thực hiện hiện Nghị định số 16/2015/NĐ-CP ngày 14 tháng 02 năm 2015 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập; Quyết định số 410/QĐ-BTNMT ngày 02 tháng 02 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Quyết định số 1990/QĐ-TTg ngày 11 tháng 12 năm 2017 về việc Ban hành danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Trong quá trình triển khai thực hiện Quyết định trên, sau khi phân tích, đánh giá các loại hình dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước do các đơn vị thuộc Bộ đang thực hiện; các tài liệu về dịch vụ và đánh giá chất lượng dịch vụ, Vụ Khoa học và Công nghệ đã đề xuất xây dựng các Thông tư quy định tiêu chí, chỉ số đánh giá chất lượng dịch vụ sự nghiệp công cho các loại hình dịch vụ sự nghiệp công thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tài nguyên và Môi trường do các đơn vị thuộc Bộ hiện đang thực hiện. Trong đó, nhiệm vụ xây dựng tiêu chuẩn quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia của Bộ hiện nay là một trong những nhiệm vụ quan trọng và có tính cấp thiết, nhằm đáp ứng được mục tiêu bảo vệ môi trường và phát triển bền vững của đất nước.
Ngày 30 tháng 12 năm 2016, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành Quyết định số 3086/QĐ-BTNMT đối với quy chế quản lý hoạt động xây dựng tiêu chuẩn quốc gia và quy chuẩn kỹ thuật quốc gia của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Quy chế đã đưa ra được những quy định về xây dựng tiêu chuẩn quốc gia; xây dựng và ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Việc xây dựng Thông tư quy định tiêu chí, chỉ số đánh giá chất lượng dịch vụ sự nghiệp công xây dựng tiêu chuẩn quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia thuộc trách nhiệm của Bộ Tài nguyên và Môi trường mục đích có căn cứ, tiêu chí, chỉ tiêu nhất định để đánh giá quá trình thực hiện xây dựng tiêu chuẩn quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia. Đây là căn cứ để Bộ Tài nguyên và Môi trường đánh giá được năng lực của tổ chức, cá nhân trong quá trình xây dựng tiêu chuẩn quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, góp phần nâng cao hoạt động xây dựng tiêu chuẩn quốc gia và quy chuẩn kỹ thuật quốc gia quốc gia của Bộ, đồng thời góp phần tạo tiền đề định hướng việc quy hoạch xây dựng tiêu chuẩn quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia của Bộ Tài nguyên và Môi trường giai đoạn tới.
Từ những lý do nêu trên, việc xây dựng Thông tư quy định tiêu chí, chỉ số đánh giá chất lượng dịch vụ sự nghiệp công xây dựng tiêu chuẩn quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia thuộc trách nhiệm của Bộ Tài nguyên và Môi trường là rất cần thiết.
Dự thảo Thông tư gồm 03 Chương và 14 Điều và 01 Phụ lục, cụ thể như sau:
Chương I: Quy định chung gồm 03 Điều (Từ Điều 1 đến Điều 3) quy định về phạm vi điều chỉnh; đối tượng áp dụng và giải thích từ ngữ của Thông tư
Phạm vi điều chỉnh của Thông tư này quy định về tiêu chí, chỉ số đánh giá chất lượng dịch vụ sự nghiệp công xây dựng tiêu chuẩn quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia thuộc trách nhiệm của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Đối tượng áp dụng của Thông tư này gồm cơ quan quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường; đơn vị sự nghiệp và tổ chức, cá nhân hoạt động cung cấp dịch vụ xây dựng tiêu chuẩn quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia.
Chương II: Quy định cụ thể gồm 09 Điều (Từ Điều 4 đến Điều 12), Chương này quy định về tiêu chí, chỉ số đánh giá chất lượng dịch vụ sự nghiệp công về xây dựng tiêu chuẩn quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia thuộc trách nhiệm của Bộ Tài nguyên và Môi trường
Thông tư quy định 07 Tiêu chí đánh giá, bao gồm:
Tiêu chí 1: Thông tin, dữ liệu, cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn. Các chỉ tiêu đánh giá là: Thông tin, dữ liệu phục vụ xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn; Hệ thống máy móc, thiết bị, phòng thí nghiệm phục vụ xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn;
Tiêu chí 2: Nhân lực cho xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn. Các chỉ tiêu đánh giá là: Số lượng nhân lực trực tiếp tham gia xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn; Chất lượng nhân lực trực tiếp thực hiện xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn;
Tiêu chí 3: Xây dựng dự thảo tiêu chuẩn, quy chuẩn. Các chỉ tiêu đánh giá là: Quy trình thành lập Tổ biên soạn xây dựng dự thảo tiêu chuẩn, quy chuẩn; Quá trình biên soạn dự thảo tiêu chuẩn, quy chuẩn; Quy trình lấy ý kiến tổ chức, cá nhân và báo cáo hoàn chỉnh; Thời gian lập hồ sơ dự thảo tiêu chuẩn, quy chuẩn từ khi lấy ý kiến dự thảo TC, QC;
Tiêu chí 4: Thẩm tra hồ sơ dự thảo tiêu chuẩn, quy chuẩn. Các chỉ tiêu đánh giá là: Hồ sơ dự thảo tiêu chuẩn, quy chuẩn đề nghị thẩm tra; Thời gian đề nghị thẩm tra; Thời gian chỉnh sửa sau khi có ý kiến thẩm tra; Quy trình thẩm tra;
Tiêu chí 5: Lập hồ sơ đề nghị thẩm định tiêu chuẩn, quy chuẩn. Các chỉ tiêu đánh giá là: Hồ sơ dự thảo tiêu chuẩn, quy chuẩn đề nghị thẩm định; Thời gian đề nghị thẩm định; Hồ sơ báo cáo, thời gian hoàn thiện, chỉnh sửa sau khi có ý kiến thẩm định;
Tiêu chí 6: Ban hành quy chuẩn, công bố tiêu chuẩn. Các chỉ tiêu đánh giá là: Hồ sơ dự thảo tiêu chuẩn, quy chuẩn đề nghị công bố, ban hành; Quy trình đề nghị công bố tiêu chuẩn, ban hành quy chuẩn
Tiêu chí 7: Mức độ phối hợp với cơ quan có liên quan trong hoạt động xây dựng tiêu chuẩn quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia. Các chỉ tiêu đánh giá là: Mức độ sẵn sàng đáp ứng phục vụ theo yêu cầu của cơ quan đặt hàng; Thái độ chấp hành theo quy định về xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn
Chương này quy định việc đánh giá chất lượng dịch vụ sự nghiệp công về xây dựng tiêu chuẩn quốc gia và quy chuẩn kỹ thuật quốc gia theo phương thức chấm điểm. Thang điểm đánh giá là 100. Thang điểm đánh giá được xác định cụ thể đối với từng tiêu chí, chỉ số và thể hiện chi tiết tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư.
Chương III: Điều khoản thi hành gồm 02 điều (Từ điều 13 đến điều 14) quy định về hiệu lực thi hành và tổ chức thực hiện.
Chi tiết nội dung dự thảo Thông tư tải tại đây.
(Nguồn: Cổng TTĐT Bộ TN&MT)
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn