Nghị định 91/NĐ-CP đã bổ sung thêm một số hành vi mới phát sinh trong thực tế và các hành vi chưa được quy định trong Nghị định trước đây như: lấn, chiếm đất chưa sử dụng (Điều 14); hủy hoại đất (Điều 15); chuyển nhượng quyền sử dụng đất của dự án hoặc một phần dự án nhưng không đủ điều kiện (Điều 22); không nộp hồ sơ, không cung cấp, cung cấp không đầy đủ giấy tờ để làm thủ tục cấp Giấy chứng nhận cho người mua, thuê mua nhà, công trình xây dựng, nhận chuyển quyền sử dụng đất tại dự án kinh doanh bất động sản (Điều 31); nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sử dụng đất không đủ điều kiện đối với đất chuyên trồng lúa, đất rừng phòng hộ, rừng đặc dụng trong khu vực bảo vệ nghiêm ngặt, đất giao cho đồng bào dân tộc thiểu số (Điều 26); không sử dụng đất trồng cây hàng năm trong thời hạn 12 tháng liên tục (Điều 32)...
Nghị định cũng tăng mức xử phạt đối với các hành vi để tăng cường tính răn đe, phòng ngừa vi phạm, trong đó một số hành vi mức xử phạt lên đến 01 tỷ đồng như các hành vi: chuyển mục đích sử dụng đất không xin phép; lấn, chiếm đất đai; chuyển nhượng quyền sử dụng đất dưới hình thức phân lô, bán nền trong dự án đầu tư xây dựng kinh doanh nhà ở ...và đã chia nhỏ các mức phạt, phân loại đối tượng xử phạt cho phù hợp với thực tế như: Chia mức phạt theo diện tích vi phạm (diện tích vi phạm nhiều thì mức xử phạt cao), theo giá trị loại đất vi phạm (đất ở, đất thương mại dịch vụ thì mức xử phạt cao hơn đất nông nghiệp); phân biệt mức xử phạt giữa đô thị và nông thôn...
Ngoài biện pháp xử phạt chính bằng tiền, lần này Nghị định quy định thêm các biện pháp khắc phục hậu quả rất nghiêm khắc như: Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp do vi phạm pháp luật mà có; buộc phải thực hiện thủ tục hành chính về đất đai; buộc trả lại đất do nhận chuyển quyền trái quy định; buộc phải làm thủ tục cấp giấy chứng nhận về quyền sở hữu tài sản; buộc phải nộp hồ sơ hoặc cung cấp giấy tờ cho người mua nhà ở tự làm thủ tục cấp Giấy chứng nhận; Nhà nước thu hồi đất vi phạm...;
Những nội dung được tập trung sửa đổi nêu trên có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong quá trình quản lý và sử dụng đất đai giai đoạn hiện nay:
Thứ nhất: Mục đích của việc ban hành Nghị định nhằm tăng cường chế tài của Nhà nước để xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật đất đai, nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước đảm bảo việc sử dụng đất đúng mục đích, có hiệu quả cao nhất, tránh lãng phí đất đai. Đồng thời quy định rõ hơn các hành vi và mức xử phạt để dễ xác định trên thực tế đảm bảo tính công khai, minh bạch, tránh tiêu cực, tham nhũng trong quá trình thực hiện.
Thứ hai: Các quy định tại Nghị định số 91/2019/NĐ-CP đã cụ thể hóa hành vi vi phạm trên thực tế; dễ xác định đối với người vi phạm và người, cơ quan có thẩm quyền phát hiện, xử lý vi phạm, đảm bảo tính công khai minh bạch, hạn chế thấp nhất hành vi tiêu cực trong quá trình tổ chức thực hiện.
Thứ ba: Việc tăng cường chế tài của Nhà nước đối với các hành vi vi phạm pháp luật về đất đai góp phần nâng cao tinh thần trách nhiệm của cơ quan quản lý và ý thức pháp luật của người sử dụng đất, đảm bảo việc quản lý và sử dụng đất đai ngày càng hiệu quả.
Cũng trong năm 2019, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 116/NQ-CP ngày 06 tháng 12 năm 2019 ban hành kế hoạch của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 82/2019/QH14 của Quốc hội về tiếp tục hoàn thiện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị. Đây là bước chuẩn bị quan trọng để thúc đẩy, phát huy nguồn lực tài nguyên đất đai và các nguồn loại tài nguyên cho phát triển kinh tế- xã hội của đất nước trong giai đoạn mới.
BBT (Nguồn: Cổng TTĐT Bộ TN&MT)
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn