Thành phố Kon Tum có hệ thống di sản văn hóa vật thể và phi vật thể rất phong phú, độc đáo mang đậm bản sắc văn hóa dân gian truyền thống của đồng bào các DTTS. Đó là các lễ hội văn hoá truyền thống; cồng chiêng và nhạc cụ dân tộc; ẩm thực, trang phục độc đáo cùng với nhiều nghề truyền thống như dệt thổ cẩm, làm rượu ghè, đan lát… Ở các làng, người dân vẫn còn giữ được số công trình kiến trúc mang đặc trưng như nhà rông, nhà sàn, nhà nguyện.
Bên cạnh đó, tại các vùng đồng bào DTTS còn có nhiều hệ thống sông, suối chảy qua gắn kết với địa hình đồi núi, rừng cây và rẫy của người dân tạo ra cảnh quan thiên nhiên hài hòa, hội tụ đầy đủ các yếu tố cảnh quan chung của vùng đất Tây Nguyên... Đây là điều kiện và là cơ hội để thành phố khai thác, đưa du lịch cộng đồng phát triển nhằm mang lại lợi ích thiết thực cho người dân, cộng đồng xã hội, góp phần bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các DTTS.
Trong những năm qua, các cấp uỷ Đảng, chính quyền của thành phố đã quan tâm chỉ đạo các ngành, các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá về văn hóa, con người của vùng đất Tây Nguyên nói chung và thành phố Kon Tum nói riêng với khách du lịch và bạn bè thế giới. Thành phố tích cực triển khai thực hiện Đề án phát triển du lịch cộng đồng tại thôn Kon Ktu (xã Đăk Rơ Wa) và hiện đang tiếp tục mở rộng ra một số thôn, làng ở xã Ngọc Bay. Đồng thời, địa phương cũng đẩy mạnh việc khôi phục, bảo tồn các ngành nghề truyền thống để phục vụ du lịch cộng đồng; duy trì các sản phẩm sẵn có và xây dựng mới các sản phẩm du lịch đặc sắc để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao, đa dạng của du khách...
Tính đến nay, chỉ riêng tại làng Kon Ktu có khoảng 40 người tham gia tổ chức các hoạt động du lịch và dịch vụ du lịch cộng đồng, 20 lao động tham gia phục vụ du lịch theo tính chất mùa vụ. Trong làng đã có 1 cơ sở lưu trú của Công ty TNHH Sinh thái Miền Cao và hơn 10 hộ gia đình cung cấp dịch vụ homestay.
Các doanh nghiệp, công ty lữ hành tổ chức những tour du lịch 1 ngày đối với hoạt động trải nghiệm tại cộng đồng làng Kon Ktu; tour 2 ngày 1 đêm gồm trải nghiệm tại cộng đồng làng Kon Ktu và kết nối với các làng DTTS ở xã Ia Chim, Ngọc Bay, các điểm du lịch trong nội thị như Nhà thờ gỗ, cầu treo – nhà rông Kon Klor hay kết nối với các điểm du lịch cộng đồng tại các huyện Ngọc Hồi, Kon Plông...
Đặc biệt, các doanh nghiệp và các hộ gia đình người DTTS đã biết liên kết để phục vụ các đoàn khách du lịch đến tham quan, lưu trú, trải nghiệm thực tế, mang lại sự hài lòng cho du khách cũng như giúp người dân có thêm việc làm, tăng thu nhập.
Tham gia du lịch cộng đồng, du khách tham quan được tìm hiểu về kiến trúc nhà rông, nhà sàn; tìm hiểu cuộc sống sản xuất, sinh hoạt của đồng bào; cùng chế biến và thưởng thức những món ăn mang đậm phong vị của người địa phương như cơm lam, gà nướng, cá sông nướng trên than củi và trong ống lồ ô, măng le, lá mì, rau rừng; hòa mình vào không gian cồng chiêng Tây Nguyên...
Sự độc đáo, mới lạ đó đã khiến cho loại hình du lịch cộng đồng trong vùng đồng bào DTTS ở thành phố Kon Tum hấp dẫn, lôi cuốn du khách. Nhờ đó, mỗi năm, thành phố đã đón khoảng 70.000 lượt khách đến tham quan và tham gia trải nghiệm các hoạt động du lịch cộng dồng, phần đông là du khách quốc tế đến từ các nước như Pháp, Thuỵ Điển, Mỹ...
Phát triển du lịch cộng đồng cũng đã góp phần vào việc cải thiện đời sống người dân. Thu nhập của người dân không chỉ đến từ những việc chuyên nghiệp như đưa đón khách đi tham quan, cho thuê nhà ở, làm hướng dẫn viên cho du khách, mà còn cả từ những hoạt động bên lề như tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp do người dân làm ra, bán các loại đồ lưu niệm từ thổ cẩm, đan lát... Qua đó, góp phần tạo ra động lực để người dân tự giác bảo tồn, gìn giữ và quảng bá những giá trị, sản phẩm văn hoá đặc trưng của người dân địa phương.
Thành phố Kon Tum phấn đấu đến năm 2020, du lịch cộng đồng sẽ trở thành thành phần kinh tế quan trọng trong sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; tạo ra nhiều việc làm cho người dân, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế trong các làng đồng bào DTTS gắn với bảo tồn các giá trị văn hoá truyền thống; hướng tới xây dựng thành phố trở thành điểm đến hấp dẫn du khách trong và ngoài nước.
Để thực hiện mục tiêu này, thành phố đã đề ra những giải pháp quan trọng như: Huy động các nguồn lực xã hội tham gia phát triển du lịch; đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu về vùng đất – con người – văn hóa của địa phương đến với du khách trong và ngoài nước; tăng cường công tác bảo tồn và phát triển nghề truyền thống gắn với du lịch cộng đồng, phát triển các sản phẩm du lịch đặc sắc. Thành phố cũng tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành của tỉnh để triển khai Đề án xây dựng điểm du lịch cộng đồng làng Kon Ktu (xã Đăk Rơ Wa). Ngoài ra, thành phố Kon Tum cũng sẽ chú trọng đến việc nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức trong công tác quản lý các hoạt động du lịch; tích cực tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân tại các điểm, vùng phát triển du lịch cộng đồng...
Bài và ảnh: Thùy Hương
Nguồn tin: Báo Kon Tum Online
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn