Thực hiện Chương trình công tác của Chính phủ năm 2018, Bộ Tài nguyên và Môi trường được giao chủ trì xây dựng dự thảo Nghị định về hoạt động viễn thám. Đến nay, Bộ đã hoàn thiện dự thảo Nghị định và gửi xin ý kiến các Bộ, ngành, địa phương, cơ quan có liên quan.
Để có thêm thông tin về dự thảo Nghị định này, Cổng thông tin điện tử Bộ Tài nguyên và Môi trường trân trọng giới thiệu về sự cần thiết, cũng như các nội dung chính của dự thảo như sau:
Hiện trạng và xu thế chung trong quản lý nhà nước về viễn thám ở Việt Nam
Ở nước ta, trong suốt quá trình phát triển, lĩnh vực viễn thám phục vụ điều tra cơ bản, quản lý và quy hoạch lãnh thổ, phục vụ công cuộc phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh; quản lý, giám sát tài nguyên thiên nhiên và môi trường; cứu hộ, cứu nạn; nâng cao dân trí, tiến bộ xã hội và nhiều mục tiêu công đồng khác đã đem lại những kết quả đáng khích lệ và khẳng định tính ưu việt của công nghệ viễn thám về mọi mặt. Đến nay, ở Việt Nam, bên cạnh Cục Viễn thám quốc gia, có 20 trung tâm, phòng viễn thám thuộc nhiều ngành. Trong số đó có một số đơn vị đã định hình hướng hoạt động chuyên sâu và có chức năng nhiệm vụ đặc thù cho ngành mình. Về hệ thống thu nhận xử lý và cung cấp dữ liệu viễn thám, hiện chúng ta đã có một trạm thu viễn thám hiện đại, trạm thu này đang thu nhận dữ liệu từ vệ tinh VNREDSat-1 của Việt Nam thuộc Cục Viễn thám quốc gia. Bên cạnh trạm thu này, hiện nay còn khoảng 10 trạm thu ảnh khác đang hoạt động tại Viện Hàn lâm khoa học công nghệ Việt Nam, Cục Lâm nghiệp, Cục Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu, Đại học Quốc gia Hà Nội thu các loại ảnh khác nhau như MODIS, NOAA, MTSAT, FY-2, NPP, JPSS.
Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, công nghệ viễn thám được ứng dụng ở Việt Nam từ những năm 80 của thế kỷ trước. Vấn đề quản lý nhà nước về viễn thám cũng đã được đặt ra trong Chiến lược nghiên cứu và ứng dụng công nghệ vũ trụ. Tuy nhiên quản lý nhà nước về viễn thám chỉ chính thức được áp dụng trên thực tiễn vào năm 2013 với việc Chính phủ ban hành Nghị định 21/2013/NĐ-CP ngày 04 tháng 3 năm 2013 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài nguyên và Môi trường, trong đó Cục Viễn thám quốc gia chính thức được thành lập.
Qua hơn 5 năm hoạt động theo mô hình quản lý nhà nước, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) được rà soát và bổ sung, xây dựng mới và đẩy nhanh quá trình xây dựng, các văn bản về quy trình kỹ thuật, định mức kinh tế đã xây dựng hoặc đưa vào chương trình xây dựng VBQPPL. Tuy nhiên, để ban hành được các VBQPPL phục vụ công tác quản lý nhà nước của lĩnh vực viễn thám, cũng như việc triển khai ứng dụng và phát triển viễn thám vẫn còn sự thiếu căn cứ pháp lý là Luật và Nghị định về viễn thám.
Để nâng tầm quản lý nhà nước trong hoạt động viễn thám, có được các công cụ, thiết chế đủ mạnh, ngang tầm, có đủ nguồn lực, năng lực để thống nhất điều chỉnh việc quản lý và thực thi các hoạt động của Nhà nước về viễn thám thì cần phải có một hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật, trong đó việc xây dựng Nghị định của Chính phủ về hoạt động viễn thám - một trong các văn bản cần thiết, quan trọng nhất.
Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về viễn thám
Dự thảo Nghị định nêu trên được xây dựng dựa trên quan điểm chỉ đạo, nguyên tắc sau đây:
Thứ nhất là, hướng dẫn chi tiết các nội dung liên quan đến hoạt động viễn thám đã được quy định trong Luật Đo đạc và bản đồ nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, tăng cường vai trò của cơ quan quản lý nhà nước về viễn thám trong việc thống nhất quản lý hoạt động viễn thám trên phạm vi toàn quốc, phát triển lĩnh vực viễn thám trở thành lĩnh vực điều tra cơ bản có trình độ khoa học công nghệ hiện đại, đạt mức tiên tiến của khu vực và tiếp cận với trình độ tiên tiến trên thế giới;
Thứ hai là, kế thừa, phát huy các quy định phù hợp, đã có tác dụng tích cực đồng thời khắc phục những tồn tại, hạn chế của các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan của lĩnh vực viễn thám đã ban hành.
Thứ ba là, việc xây dựng chính sách quản lý phải trên cơ sở quan điểm đường lối, chính sách của Đảng về phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập kinh tế quốc tế cũng như Chiến lược nghiên cứu và ứng dụng công nghệ vũ trụ đến năm 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 137/2006/QĐ-TTg ngày 14 tháng 6 năm 2006;
Thứ tư là, đẩy mạnh huy động nguồn lực xã hội phát triển dịch vụ viễn thám. Khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư cho sản xuất và phát triển các ứng dụng viễn thám phục vụ nâng cao dân trí, tiến bộ xã hội; sử dụng sản phẩm viễn thám vào hoạt động quản lý, sản xuất, kinh doanh và các nhu cầu của đời sống.
Dự thảo Nghị định gồm 7 Chương thể hiện trong 41 Điều.
Về phạm vi điều chỉnh, dự thảo Nghị định quy định về hệ thống thu nhận dữ liệu viễn thám; xử lý, lưu trữ, cung cấp, khai thác và sử dụng dữ liệu viễn thám; xây dựng, quản lý, vận hành cơ sở dữ liệu viễn thám. Đồng thời, dự thảo cũng nêu bật các nguyên tắc trong hoạt động viễn thám là những nguyên tắc cơ bản và xuyên suốt và phải phù hợp với Luật Đo đạc và bản đồ.
Nội dung chính của dự thảo Nghị định bao gồm:
Hệ thống thu nhận dữ liệu viễn thám quy định về các hoạt động gồm: Hệ thống thu nhận dữ liệu viễn thám, vệ tinh viễn thám; Xây dựng công trình hạ tầng thu nhận dữ liệu viễn thám, vận hành, bảo trì công trình hạ tầng thu nhận dữ liệu viễn thám, hành lang bảo vệ công trình hạ tầng thu nhận dữ liệu viễn thám, trách nhiệm bảo vệ công trình hạ tầng thu nhận dữ liệu viễn thám, di dời, hủy bỏ công trình hạ tầng thu nhận dữ liệu viễn thám; Thu nhận dữ liệu viễn thám, xử lý dữ liệu viễn thám.
Cơ sở dữ liệu viễn thám quy định về Cơ sở dữ liệu viễn thám, vận hành, cập nhật cơ sở dữ liệu viễn thám; Công bố siêu dữ liệu viễn thám, tạm hoãn công bố siêu dữ liệu viễn thám quốc gia.
Lưu trữ, cung cấp, khai thác, sử dụng thông tin, dữ liệu, sản phẩm viễn thám quy định về: Danh mục thông tin, dữ liệu, sản phẩm viễn thám, giao nộp và lưu trữ thông tin, dữ liệu, sản phẩm viễn thám, hình thức khai thác và sử dụng dữ liệu ảnh viễn thám, khai thác và sử dụng thông tin, dữ liệu qua trang thông tin hoặc cổng thông tin điện tử của cơ quan cung cấp thông tin, dữ liệu, văn bản, phiếu yêu cầu cung cấp thông tin, dữ liệu, khai thác và sử dụng thông tin, dữ liệu bằng hình thức hợp đồng, trách nhiệm và quyền hạn của tổ chức, cá nhân khai thác và sử dụng thông tin, dữ liệu viễn thám, cung cấp thông tin, dữ liệu, sản phẩm viễn thám cho tổ chức, cá nhân trong nước.
Quản lý chất lượng, kiểm tra, thẩm định và kiểm định sản phẩm viễn thám quy định về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia của sản phẩm viễn thám, quản lý chất lượng, kiểm tra, thẩm định và kiểm định sản phẩm viễn thám.
Trách nhiệm về hoạt động viễn thám quy định cụ thể trách nhiệm của Bộ Tài nguyên và Môi trường; trách nhiệm của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có liên quan; trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; trách nhiệm của tổ chức, cá nhân; báo cáo về hoạt động viễn thám; xử lý vi phạm pháp luật về viễn thám.
Bộ Tài nguyên và Môi trường rất mong nhận được lấy ý kiến rộng rãi của các tổ chức, cá nhân có liên quan về dự thảo.
Chi tiết nội dung dự thảo mời xem tại đây.
BBT (Nguồn: Cổng TTĐT Bộ TN&MT)
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn