Trước những thắc mắc của một lượng lớn người dùng ứng dụng Bluezone, Cục tin học hóa đã có những thông tin cụ thể về tính năng và vấn đề bảo mật thông tin khi cài đặt và sử dụng Bluezone.
1. Ứng dụng Bluezone là gì, dùng để làm gì?
Ứng dụng phát hiện tiếp xúc gần Bluezone là do Bộ thông tin và truyền thông, cùng Bộ y tế triển khai dưới sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ với mục đích bảo vệ cộng đồng trước đại dịch Covid-19, giảm thiểu các nguy cơ lây lan, giúp người dân trở lại cuộc sống bình thường.
Bluezone là ứng dụng sử dụng công nghệ Bluetooth năng lượng thấp (Bluetooth Low Energy) để ghi nhận các tiếp xúc gần giữa các điện thoại di động thông minh (smartphone) cùng cài đặt và sử dụng Bluezone. Nó sẽ cảnh báo khi người dùng có tiếp xúc gần với ca nhiễm, ca nghi nhiễm hoặc người đã từng tiếp xúc gần với ca nhiễm, ca nghi nhiễm.
Những tiếp xúc của người dùng Bluezone với người dùng Bluezone khác được ghi vào lịch sử tiếp xúc. Dữ liệu lịch sử tiếp xúc được lưu trên smartphone của người dùng; và chỉ được sử dụng để phục vụ cơ quan y tế khi có sự đồng ý của người dùng hoặc trong trường hợp người dùng là ca nhiễm, ca nghi nhiễm.
Bluezone chỉ lưu lịch sử tiếp xúc mà không lưu vị trí địa điểm, không sử dụng hoặc truy cập đến các thông tin khác trên smartphone của người dùng như danh bạ, hình ảnh...
Càng nhiều người cài đặt Bluezone thì hiệu quả bảo vệ càng cao. Bộ thông tin và truyền thông, Bộ y tế khuyến nghị toàn dân hãy cài Bluezone cho mình và cho 3 người khác.
Để thực hiện việc quản lý tiếp xúc gần, đầu tiên người dùng cần tải và cài đặt ứng dụng phát hiện tiếp xúc gần Bluezone tại địa chỉ www.Bluezone.gov.vn/taiapp, hoặc từ các kho ứng dụng (App Store, Play Store) với hệ điều hành của smartphone đang xài.
2. Luôn luôn mở bluetooth và kết nối Internet?
Để ứng dụng Bluezone phát huy tác dụng của nó, người dùng cần phải bật bluetooth để nó ghi nhận được tiếp xúc với những người dùng Bluezone khác. Việc mở bluetooth thường xuyên cho ứng dụng này chỉ tốn thêm khoảng 10% pin trong 1 ngày.
Nếu không kết nối Internet (wifi, 3G, 4G) nhưng vẫn mở bluetooth thì không ảnh hưởng đến hoạt động của ứng dụng. Tuy nhiên, khi đó người dùng sẽ không nhận được thông báo từ phía Bluezone.
3. Vì sao Bluezone cần ghi/đọc thẻ nhớ và lấy danh bạ trong điện thoại?
Bluezone chỉ sử dụng quyền “truy cập file” để ghi lịch sử tiếp xúc vào bộ nhớ của thiết bị. Do theo chính sách của Google, bất cứ ứng dụng nào khi yêu cầu quyền “truy cập file” thì thiết bị vẫn tự động đề nghị "cho phép truy cập vào ảnh, phương tiện và tệp" ngay cả khi các ứng dụng đó (bao gồm cả Bluezone) không sử dụng các quyền còn lại. Vì vậy, người dùng cần cấp quyền để có thể lưu lại lịch sử tiếp xúc.
BKAV chỉ là một trong số những đơn vị hỗ trợ xây dựng và vận hành hệ thống, mà không có quyền khai thác và sử dụng những dữ liệu phát sinh. Hiện nay đã có quy chế quy định rõ về vấn đề này và các giải pháp kỹ thuật kèm theo tuân theo các quy định của pháp luật hiện hành về an toàn thông tin và an ninh mạng.
Người dùng có quyền lựa chọn đăng ký thông tin cá nhân của mình để được trợ giúp từ cơ quan y tế khi cần thiết (bao gồm số điện thoại). Bằng việc đăng ký thông tin cá nhân, người dùng đồng ý cho cơ quan y tế sử dụng với mục đích phòng chống dịch bệnh Covid-19.
4. Những trường hợp Bluezone ghi nhận tiếp xúc khi 2 xe ô tô dừng cạnh nhau (cách cửa kính xe) hoặc nhà hàng xóm sát vách (cách tường) thì tôi cũng thành F1 và phải đi cách ly?
Bluezone có thể ghi nhận tiếp xúc khi hai người ngồi cách nhau 1 vách thạch cao, 1 lớp kính mà trên thực tế không hề có tiếp xúc gần. Dữ liệu này sẽ được các cán bộ y tế, cán bộ kỹ thuật cùng phối hợp với các phương pháp điều tra dịch tễ, sau đó mới có thể kết luận là có tiếp xúc gần hay không.
Bluezone rất có giá trị trong trường hợp 2 người có tiếp xúc nhưng không quen biết nhau (ví dụ: đi vào quán ăn, đi siêu thị mua sắm...). Khi đó, bằng phương pháp điều tra dịch tễ rất khó xác định được những người có tiếp xúc gần với ca nhiễm. Bluezone giải quyết được vấn đề này nếu mọi người cùng cài đặt và sử dụng.
5. Có phải lúc nào cũng phải bật Bluezone để quét hay không? Máy không tự quét và lưu số người đã tiếp xúc hay sao?
Bluezone cũng giống như mọi ứng dụng quản lý tiếp xúc khác (contact tracing) trên thế giới, chỉ ghi nhận các lượt tiếp xúc giữa các thiết bị được cài Bluezone chứ không cho biết tiếp xúc với ai và ở đâu.
Bluezone sẽ duy trì hoạt động kể cả trong trường hợp máy tắt màn hình. Bluezone có thể chạy ngầm, người dùng không cần trực tiếp sử dụng nó (trực tiếp quét). Nó vẫn có thể quét ra những lượt tiếp xúc của người dùng.
Sau mỗi 15 phút, mã Bluezone lại thay đổi để đảm bảo tính ẩn danh. Do vậy, nếu các máy điện thoại ở gần nhau trong thời gian dài, thì số lượt tiếp xúc sẽ tăng dần.
6. Ứng dụng Bluezone có quét và tìm ra người nào nhiễm Covid-19, người nào là F1 không?
Ứng dụng Bluezone không tự nó tìm ra người nhiễm bệnh. Người nhiễm sẽ được các cơ quan y tế xét nghiệm và xác định, sau đó sẽ được cách ly và điều trị tại các cơ sở y tế. Nó chỉ ghi nhận lịch sử tiếp xúc của người dùng. Nếu trong số những người mà bạn tiếp xúc (đã cài Bluezone) được xác định là người nhiễm, thì bạn sẽ nhận được cảnh báo.
Có thể có một số trường hợp là F1, nhưng cơ sở y tế chưa kịp liên hệ để cách ly, người đó cũng không biết mình là F1. Hiện nay ứng dụng đang nâng cấp tính năng cho phép người dùng chủ động quét và kiểm tra.
7. Dữ liệu lịch sử mà Bluezone thu thập và lưu trên máy trong bao lâu, có tốn dung lượng không?
Dữ liệu lịch sử được thu thập và lưu trong khoảng thời gian do cơ quan y tế quy định. Hiện tại có thể lưu trữ trong nhiều năm (cho đến khi có vaccin). Ước tính dữ liệu lịch sử lưu trong vòng 1 năm là khoảng 2,5 MB, rất nhỏ.
BBT (Nguồn: khoahocphothong.com.vn)
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn