(TN&MT) - Gần 90% nguồn nước sạch trên thế giới đang được dùng để sản xuất thực phẩm và năng lượng. Rất nhiều người không có ý niệm gì về những sản phẩm dùng hàng ngày khiến lượng nước sạch tiêu hao mau chóng.
Cụ thể, cần 1,5 tấn nước để sản xuất một máy vi tính, 6 tấn nước để làm ra một cái quần jean. Lượng nước sạch được tiêu dùng trên phạm vi toàn cầu hàng năm tương đương với 10 con sông Nile. Theo cảnh báo của các nhà khoa học, 20 năm tới, thế giới có thể sẽ thiếu 40% nước sạch. Trong 2 thập niên tới, 1/3 dân số toàn cầu sẽ chỉ có được một nửa lượng nước sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp, công nghiệp sẽ thiếu nước trầm trọng. Ngay với Việt Nam, tài nguyên nước cả về số lượng và chất lượng đều đang đối mặt với những đe dọa ngày càng lớn. Các mối đe dọa do tác động của biến đổi khí hậu đã tạo ra nhiều áp lực, đặc biệt là lũ lụt, ô nhiễm ngày càng gia tăng và cạnh tranh giữa các ngành sử dụng nước trong mùa khô.
Các báo cáo khoa học đã chỉ ra rằng, nếu không có hành động can thiệp để ngăn chặn các mối đe dọa này, nền kinh tế Việt Nam có thể bị tổn thất khoảng 6% GDP mỗi năm từ năm 2035 so với kịch bản không có các mối đe dọa. Những mối đe dọa này cần được giải quyết để đảm bảo có được nước an toàn và đầy đủ nhằm hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Thiệt hại do ô nhiễm nước gây ra là rất lớn. Hiện nay, do tác động của các hoạt động kinh tế, không có lưu vực sông nào ở Việt Nam có nguồn nước mặt đáp ứng các tiêu chuẩn vệ sinh của WHO dành cho nước uống. Đặc biệt nghiêm trọng với những đoạn sông chảy qua các thành phố lớn đều bị ô nhiễm nặng, gây lãng phí nguồn tài nguyên, rủi ro cho sức khỏe con người và các hệ sinh thái tự nhiên. Mức độ ô nhiễm cao của các nguồn nước cũng hạn chế sự phát triển, nhất là sự phát triển bền vững và tương lai của ngành công nghiệp, nông nghiệp. Theo ước tính của Ngân hàng Thế giới (WB), Việt Nam sẽ tiêu tốn khoảng 12,4 - 18,6 triệu đô la mỗi ngày cho chi phí xử lý do ô nhiễm vào năm 2030 nếu không có các biện pháp xử lý kịp thời. Ô nhiễm nước đang nổi lên là mối đe dọa lớn nhất đối với nền kinh tế. Mô hình kinh tế được xây dựng phục vụ nghiên cứu này cho thấy, mối đe dọa chính là tác động của nguồn nước ô nhiễm lên sức khỏe con người, có thể làm giảm 3,5% GDP vào năm 2035. Tác động nhỏ hơn khoảng 0,8% tới năng suất lúa là do ảnh hưởng của chất lượng nước kém. Mô hình này chưa tính đến hậu quả kinh tế do các hình thức ô nhiễm nước khác, bao gồm cả tình trạng xâm nhập mặn của nguồn nước mặt và nước dưới đất. Theo các chuyên gia, nếu không có những giải pháp hữu hiệu, nguồn cung cấp nước sạch được dự báo sẽ giống như tình trạng khan hiếm dầu. Các biện pháp bổ sung nguồn nước thiếu hụt trên toàn cầu cần chi phí 124 tỷ euro hàng năm. Nhưng khoản chi phí này sẽ chỉ còn từ 31 - 37 tỷ euro nếu người dân các nước được giáo dục cách tiết kiệm nước. Giải pháp cấp bách là quản trị nguồn nước hiệu quả. Các chuyên gia về lĩnh vực này cũng đặc biệt lưu ý đến ý thức về sử dụng nguồn nước của các chủ hộ gia đình tại những đô thị lớn. Đã có rất nhiều chương trình hành động, tuyên truyền nhằm tác động đến ý thức của đối tượng sử dụng này. Song dường như, hiệu quả thực tế chưa được như mong muốn. Nhiều nghiên cứu trực tiếp đã cho thấy, nếu biết tận dụng, dự trữ nguồn nước mưa cho sinh hoạt và tưới cây thì nhu cầu sử dụng nước sinh hoạt có thể giảm đến 70% khi người ta nhận ra vấn đề. Nước vô cùng quan trọng với con người. Con người sống không thể thiếu nước. Bởi thế, bảo vệ và sử dụng bền vững nguồn tài nguyên nước đang là vấn đề nóng bỏng của không riêng một quốc gia nào.