Sơ kết 3 năm thực hiện Nghị quyết 120/NQ-CP: Dấu ấn lớn về tài nguyên nước
Báo cáo tổng hợp của Bộ Tài nguyên và Môi trường chuẩn bị cho Hội nghị đánh giá 03 năm thực hiện Nghị quyết số 120/NQ-CP của Chính phủ về phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu, nội dung, hoạt động về quản lý, sử dụng tài nguyên nước được đánh giá với nhiều hoạt động nổi bật, thiết thực.
Thời gian qua, Bộ TN&MT đã tăng cường mạng lưới quan trắc, giám sát các yếu tố khí tượng thủy văn, hải văn, biến động bùn cát, đo mưa tự động. Qua đó đã nâng cao công tác dự báo khí tượng thủy văn, cảnh báo sớm thiên tai cả về chất lượng và thời gian dự báo, cảnh báo, góp phần quan trọng trong các giải pháp thích ứng như: tích nước, chuyển đổi thời vụ canh tác, cơ cấu lại cây trồng - vật nuôi, gia cố bảo vệ nhà cửa, cơ sở sản xuất… Nhờ dự báo, cảnh báo sớm, các Bộ, ngành, địa phương đã triển khai các giải pháp hiệu quả, hạn chế được tối đa tác động xấu ảnh hưởng đến sinh hoạt và sản xuất tại vùng ĐBSCL. Riêng trong đợt hạn mặn 2019-2020, mặc dù mức độ khắc nghiệt và diện rộng hơn đợt hạn mặn lịch sử năm 2015-2016, tuy nhiên nhờ sự chủ động trong dự báo và kịp thời hành động trong chuyển đổi cơ cấu sản xuất đã góp phần giảm 90% diện tích lúa bị ảnh hưởng so với năm 2015-2016. Chủ động điều tra, khảo sát thăm dò, tìm kiếm và tổ chức khai thác hợp lý nguồn nước để cung cấp phục vụ sinh hoạt và sản xuất của nhân dân ĐBSCL trong mùa khô và các đợt xâm nhập mặn. Đã điều tra, tìm kiếm nguồn nước dưới đất tại 32 vùng trên phạm vi 7 tỉnh của vùng ĐBSCL gồm: Bạc Liêu, Cà Mau, Đồng Tháp, Kiên Giang, Long An, Sóc Trăng, Trà Vinh với tổng số 35 công trình khai thác có tổng lưu lượng khai thác 33.000 m3/ngày đêm, có thể cung cấp cho trên 333.000 người dân. Đến nay đã bàn giao bản đồ nước ngầm cho tất cả các địa phương vùng ĐBSCL cùng hàng chục giếng khoan để các địa phương đầu tư, xây dựng thành các công trình cấp nước tập trung. Bên cạnh đó, các địa phương công bố tình huống khẩn cấp về về hạn mặn đã được hỗ trợ trực tiếp hàng trăm triệu đồng thông qua Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam để khắc phục các hậu quả.
Đặc biệt, trong các đợt hạn mặn năm 2020 đã triển khai xây dựng nhiều điểm nguồn cấp nước khẩn cấp, riêng Bộ Tài nguyên và Môi trường đã hỗ trợ 10 điểm với tổng công suất xử lý và cung cấp là 3.700 m3/ngày đêm, cung cấp được cho 62.000 người ở 7 tỉnh chống hạn, mặn cho ĐBSCL. Theo thống kê, tỷ lệ dân cư đô thị được cấp nước sạch trung bình vùng đạt khoảng 89,6%, tăng 1,5% so với năm 2017. Hoạt động nghiên cứu khoa học được đẩy mạnh với các chương trình, đề tài nghiên cứu, các dự án hợp tác đã được triển khai thực hiện như nghiên cứu tạo các giống cây trồng, cải tạo đất; phòng chống thiên tai, sụt lún, sạt lở bờ sông, bờ biển; nghiên cứu diễn biến nguồn nước, chất lượng nước và đề xuất các giải pháp khai thác thích hợp nhằm chuyển đổi cơ cấu sản xuất; giám sát tài nguyên nước mặt và cảnh báo hạn hán; đánh giá nguyên nhân gây ra xói lở bờ sông tại một số vùng trọng điểm và đề xuất một số định hướng về giải pháp công trình và phi công trình; thử nghiệm và đề xuất các giải pháp, công nghệ ngăn ngừa, phòng, chống, giảm nhẹ tác động khắc phục hậu quả của thiên tai; phát triển hệ thống giám sát BĐKH ở ĐBSCL... Hợp tác quốc tế về tài nguyên nước được quan tâm. Thúc đẩy các quốc gia trong lưu vực hợp tác khai thác và sử dụng bền vững, công bằng tài nguyên, trong đó có nguồn nước, trên cơ sở hài hòa lợi ích với mục tiêu phát triển bền vững. Mở rộng và tăng cường các quan hệ đối tác chiến lược ứng phó với BĐKH (trong đó có các cơ chế hợp tác, đối tác quan trọng như Ủy ban Liên Chính phủ Việt Nam-Hà Lan về thích ứng với BĐKH và quản lý nước, EU, Hoa Kỳ, Pháp, Đức, Nhật Bản, Ngân hàng Thế giới…). Đề xuất việc thiết lập, xây dựng các khuôn khổ hợp tác mới với các nước, các tổ chức và các đối tác quốc tế; tranh thủ tối đa các nguồn lực bên ngoài, bao gồm vốn đầu tư, KH&CN để hỗ trợ ĐBSCL phát triển bền vững. Qua đó huy động được kinh nghiệm về chuyển đổi mô hình sinh kế, sản xuất nông nghiệp bền vững, điều chỉnh quy hoạch về thủy lợi, phát triển hạ tầng đô thị ĐBSCL, phát triển hạ tầng giao thông vận tải thích ứng với BĐKH. Hiện nay đã có 20 đối tác phát triển quan tâm hỗ trợ cho ĐBSCL với các hoạt động khác nhau. Chủ trương phát triển thuận thiên tiếp tục được quán triệt trong các quyết sách phát triển bền vững ĐBSCL. Theo đó, các cơ quan có chuyên môn sẽ đề xuất tăng cường điều tra cơ bản, năng lực quan trắc, dự báo, hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu, trong đó tài nguyên nước giữ vai trò quan trọng.