Theo số liệu hiện trạng sử dụng đất rừng, năm 2018 diện tích đất rừng của cả nước là 14,94 triệu ha đất có rừng, trong đó rừng phòng hộ có 5,26 triệu ha (trong đó có khoảng trên 4.200 nghìn ha rừng phòng hộ đầu nguồn xung yếu; 180 nghìn ha rừng phòng hộ chắn sóng; 150 nghìn ha rừng chắn gió, chắn cát), rừng đặc dụng có 2,20 triệu ha và đất rừng sản xuất có 7,48 triệu ha.
Theo báo cáo kết quả thực hiện quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 của các địa phương đã được phê duyệt, trong giai đoạn 2011-2017 đã chuyển hơn 145,64 nghìn ha đất lâm nghiệp sang đất phi nông nghiệp (trong đó có 24,84 nghìn ha đất rừng phòng hộ, hơn 3 nghìn ha đất rừng đặc dụng và hơn 117,7 nghìn ha đất rừng sản xuất).
So với chỉ tiêu Quốc hội giao, diện tích đất có rừng phòng hộ cao hơn chỉ tiêu Quốc hội giao là hơn 638 nghìn ha (Quốc hội duyệt 4,62 triệu ha, thực hiện 5,26 triệu ha); chỉ tiêu diện tích đất có rừng đặc dụng thấp hơn so với chỉ tiêu Quốc hội giao nhưng tăng 29,3 nghìn ha so với năm 2015; chỉ tiêu đất rừng sản xuất có 7.480,42 nghìn ha, thấp hơn 1.787,52 nghìn ha so với chỉ tiêu Quốc hội duyệt (9.267,94 nghìn ha), tăng 13,55 nghìn ha so với năm 2015. Tỷ lệ che phủ rừng đạt chỉ tiêu Quốc hội giao là 41,85%.
Một số tồn tại, bất cập phải kể đến như: Mô hình quản lý, nâng cao hiệu quả sử dụng đất có rừng còn hạn chế, chưa phù hợp với thực tiễn; có ban quản lý rừng bình quân một cán bộ quản lý hơn 300 ha rừng. Công tác kiểm tra, thanh tra việc thi hành pháp luật về đất đai chưa được chỉ đạo thường xuyên; vai trò của cấp ủy, Ủy ban nhân dân các cấp trong việc phát hiện và xử lý kịp thời các sai phạm trong quản lý, sử dụng đất rừng còn rất hạn chế; Hồ sơ quản lý đất có rừng còn sơ sài, không thống nhất với thực địa và không được lưu trữ đầy đủ; Chính sách hỗ trợ cho người dân tại chỗ tham gia chăm sóc, bảo vệ rừng chưa phù hợp.
Nguyên nhân là do: Tổ chức được giao quản lý đất nông nghiệp với phạm vi lớn, địa bàn rộng, vùng sâu, vùng xa, giao thông và cơ sở hạ tầng kém. Tình trạng du canh, du cư, di dân tự do; người dân tại chỗ thiếu đất sản xuất. Việc đo đạc lập hồ sơ địa chính, cập nhật biến động đất đai còn nhiều bất cập, chưa được triển khai tích cực hiệu quả. Việc thu hồi đất chưa sử dụng, sử dụng không hiệu quả để bàn giao cho địa phương bố trí đất ở, đất sản xuất, thực hiện quy hoạch, hoặc giao cho các tổ chức, cá nhân khác sử dụng, còn nhiều lúng túng. Việc chấp hành chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng đất đai liên quan đến nhiều vấn đề phức tạp, phát sinh trong quá trình hình thành, tồn tại và phát triển của các nông, lâm trường quốc doanh thời kỳ bao cấp. Chính quyền các cấp nơi có nông, lâm trường còn buông lỏng trách nhiệm quản lý đất đai; chưa quan tâm đúng mức đến việc thực hiện rà soát, kiểm kê, theo dõi biến động đất đai thường xuyên; chưa quan tâm phối hợp với doanh nghiệp trong quá trình sắp xếp, đổi mới nông, lâm trường quốc doanh trên địa bàn; nhất là việc thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, đánh giá hiệu quả sử dụng đất, thu hồi đất sử dụng sai mục đích, không hiệu quả…còn hạn chế, thiếu quyết liệt.
Giải pháp đã triển khai và tiếp tục triển khai tập trung vào:
Thứ nhát, tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 30-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị định số 118/2014/NĐ-CP của Chính phủ về tiếp tục sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông, lâm nghiệp.
Thứ hai, thực hiện nghiêm Chỉ thị cố 13-CT/TW ngày 12/01/2017 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng và Nghị quyết số 71/NQ-CP Không chuyển diện tích rừng tự nhiên hiện có sang mục đích sử dụng khác trên phạm vi cả nước (trừ các dự án phục vụ cho mục đích quốc phòng, an ninh, hoặc các dự án phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội cần thiết do Thủ tướng Chính phủ quyết định).
Thứ ba, thực hiện chủ trương đóng cửa rừng tự nhiên của Thủ tướng Chính phủ.
Thứ tư, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật đất đai đối với các công ty nông, lâm nghiệp; làm rõ trách nhiệm đối với các bộ ngành, địa phương, tập đoàn, tổng công ty, công ty nông, lâm nghiệp, các tổ chức, cá nhân có vi phạm về quản lý, sử dụng đất đai theo quy định của pháp luật; kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện kết luận thanh tra, kiểm tra và kiểm điểm xử lý trách nhiệm của cơ quan, cá nhân trong thực hiện kết luận thanh tra, kiểm tra.
Thứ năm, xác định, khoanh định các khu vực phòng hộ xung yếu, khu vực bảo tồn, bảo vệ rừng đặc dụng để bảo vệ nghiêm ngặt.
Thứ sáu, tiếp tục trồng, phát triển rừng trên diện tích hơn 1 triệu ha đất đồi núi chưa sử dụng.
BBT (Nguồn: Cổng TTĐT Bộ TN&MT)
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn