Dự án do Liên minh Châu Âu (EU) tài trợ, Helvetas và LANDA)/CCRD đồng chủ trì, thực hiện trong thời gian 3 năm từ 1/06/2020 - 31/05/2023. Mục tiêu của dự án là góp phần thúc đẩy và tăng cường hiệu quả sử dụng đất và tài nguyên rừng cho đồng bào dân tộc thiểu số tại tỉnh Cao Bằng, Sơn La và Nghệ An.
Theo ông Tom Corrie – Phó trưởng ban Hợp tác phát triển, Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam, dự án phù hợp với định hướng chung của Liên minh châu Âu trong hỗ trợ Việt Nam đảm bảo quyền lợi cho người dân tộc thiểu số, góp phần tăng tính hiệu lực, hiệu quả của các chính sách.
Tại Hội nghị, các chuyên gia đã chia sẻ về thực trạng tiếp cận đất đai của người dân tộc thiểu số. Theo TS Nguyễn Quang Tuyến – Phó trưởng khoa Luật Kinh tế, Đại học Luật Hà Nội, tiếp cận và quản lý đất đai là một trong những yếu tố quan trọng tác động đến hiệu quả sử dụng đất, thu nhập của nhóm DTTS. Họ gặp hạn chế do đất đai màu mỡ cách xa nhà ở, khó đảm bảo quyền hưởng dụng; chất lượng đất kém, địa hình sản xuất không thuận lợi khó tưới tiêu, dễ gặp sạt lở, lũ quét…
Nhiều dân tộc có tập quán du canh du cư không quan tâm dến thâm canh và bảo vệ đất đai, không có diện tích đất sử dụng cố định và không hiểu biết về pháp luật liên quan đến quyền lợi của mình. Tập quán quản lý và sử dụng đất theo công đồng có khi mẫu thuẫn với quy định quản lý nhà nước về quyền sử dụng đất theo hộ gia đình. Bên cạnh đó, các đặc điểm cư trú, canh tác dẫn đến sản xuất không hiệu quả, nguy cơ mất đất và đối nghèo cao. Họ cũng thường sống ở vùng nhạy cảm với thiên tai.
Dự án “Tăng cường quyền tiếp cận sử dụng đất cho đồng bào dân tộc thiểu số” sẽ phối kết hợp với các cơ quan, ban ngành các cấp và các chuyên gia hàng đầu cùng tham gia triển khai các hoạt động.
Dự kiến, dự án sẽ xây dựng bộ tài liệu hướng dẫn về quyền sử dụng đất và tài nguyên rừng, thúc đẩy cải thiện quá trình tiếp cận thông tin về quyền tiếp cận sử dụng đất và tài nguyên rừng của người dân tộc thiểu số địa phương.
Các thành viên LANDA và các ban hòa giải cơ sở/già làng trưởng bản sẽ được nâng cao năng lực để hỗ trợ các cộng đồng dân tộc thiểu số, tham gia hiệu quả vào quy trình quản lý đất đai và góp phần tích cực vào công cuộc giảm nghèo.
Tại hội nghị, các đại biểu cũng đã thảo luận về vai trò của ban hòa giải cơ sở trong giải quyết các vướng mắc, đặc biệt liên quan tới quản lý sử dụng tài nguyên đất và rừng. Đồng thời, thống nhất trách nhiệm và cơ chế phối kết hợp giữa các bên trong quá trình triển khai dự án, lộ trình thực hiện nhằm đạt được các mục tiêu đề ra.
BBT (Nguồn: Báo TB&MT)
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn