Nhiều địa phương chưa hoàn thành
Theo Tổng cục Quản lý đất đai, thực hiện tổng hợp kết đo đạc, rà soát cắm mốc giới và cấp Giấy chứng nhận (GCN) đối với các công ty nông, lâm nghiệp thực hiện sắp xếp theo Nghị định số 118 cho thấy, vẫn còn nhiều địa phương chưa hoàn thành công việc này.
Báo cáo chưa đầy đủ, kết quả thực hiện các nhiệm vụ tại các địa phương tính đến tháng 4/2019, hiện nay, theo phương án rà soát, sắp xếp đất đai trên địa bàn cả nước có 245 công ty và chi nhánh tại 45 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, với diện tích quản lý sử dụng là 1.876.795 ha.
Trong đó, có 236/245 công ty và chi nhánh đã hoàn thành công tác rà soát ranh giới, cắm mốc (trong đó, bao gồm 4 công ty thực hiện đào hào ngăn cách); 43/45 tỉnh, thành phố đã cơ bản hoàn thành nhiệm vụ này; riêng trong giai đoạn thực hiện Nghị định số 118/2014/NĐ-CP đã rà soát đường ranh giới được 38.235km/41.644 km, đạt 91,8 % khối lượng nhu cầu, cắm 68.169/79.448 mốc, đạt 85,8 % khối lượng nhu cầu.
Bên cạnh đó, 232/245 công ty và chi nhánh đã hoàn thành đo đạc, lập bản đồ địa chính; 45/45 tỉnh, thành phố đã cơ bản hoàn thành nhiệm vụ này; trong đó, tính riêng trong giai đoạn thực hiện Nghị định số 118/2014/NĐ-CP đã đo đạc, chỉnh lý bản đồ địa chính (được nghiệm thu) là 1.255.946 ha/1.435.761 ha, đạt 87,5% khối lượng nhu cầu.
Tổng cục Quản lý đất đai cho biết, có 111/245 công ty và chi nhánh đã được phê duyệt phương án sử dụng đất sau rà soát (371.384 ha; 2.635 hồ sơ), 15/45 tỉnh đã cơ bản hoàn thành nhiệm vụ này.
Đến nay, chỉ có 43/245 công ty và chi nhánh đã được cấp GCN sau rà soát (371.384 ha; 2.635 hồ sơ), và chỉ có 11/45 tỉnh đã cơ bản hoàn thành công tác cấp GCN sau rà soát.
Ngoài ra, đối với nhiệm vụ rà soát đất đai theo Nghị quyết số 112/2015/NQ-QH13 cho các tổ chức không thuộc đối tượng rà soát, sắp xếp theo Nghị định số 118/2014/NĐ-CP, Tổng cục Quản lý đất đai cho biết, Tổng cục đã đôn đốc các địa phương triển khai xây dựng Đề án Tăng cường quản lý đối với đất đai có nguồn gốc từ các nông, lâm trường, cả nước có 51 tỉnh, thành phố có đất có nguồn gốc nông, lâm trường, trong đó, có 32 tỉnh có nhiệm vụ thực hiện trong Đề án.
Theo đó, đến nay, đã có 16 tỉnh đã lập Đề án Tăng cường quản lý đối với đất đai có nguồn gốc từ các nông, lâm trường, trong đó, có 7 tỉnh đã phê duyệt Đề án gồm: Lào Cai, Lạng Sơn, Phú Yên, Kon Tum, Quảng Trị, Thái Nguyên và Hậu Giang nhưng hầu hết các tỉnh vẫn chưa triển khai thực hiện, do chưa bố trí được kinh phí.
Cần đẩy nhanh tiến độ
Tổng cục Quản lý đất đai cho biết, trong năm 2019, sẽ tiếp tục đôn đốc, chỉ đạo các địa phương đẩy nhanh tiến độ thực hiện hoàn thành nhiệm vụ rà soát, xác định ranh giới, cắm mốc giới, đo đạc, lập bản đồ địa chính và hồ sơ ranh giới sử dụng đất đối với các công ty nông, lâm nghiệp.
Đồng thời, tổng hợp, xây dựng báo cáo về kết quả triển khai thực hiện Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 4/4/2016 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện Nghị quyết số 112/2015/NQ-QH13 của Quốc hội về tăng cường quản lý đất đai có nguồn gốc từ nông trường, lâm trường quốc doanh do các công ty nông nghiệp, công ty lâm nghiệp, ban quản lý rừng và các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân khác sử dụng. Tổ chức chỉ đạo triển khai thực hiện Đề án Tăng cường công tác quản lý đất đai có nguồn gốc từ nông, lâm trường quốc doanh sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
BBT (Nguồn: Báo TN&MT)
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn