Nhiều mô hình hiệu quả
An Giang là một trong những tỉnh đi đầu và là tỉnh thành công nhất trong xây dựng và phát triển các “Cánh đồng lớn”. Tham gia mô hình “Cánh đồng lớn”, trong năm 2020, đã có 42 doanh nghiệp ký hợp đồng tiêu thụ lúa cho nông dân thông qua hợp tác xã, tổ hợp tác hoặc ký hợp đồng với từng hộ dân trên diện tích 40.802ha, đạt 6,65% diện tích gieo trồng lúa cả tỉnh. Mô hình “Cánh đồng lớn” tạo điều kiện cho việc áp dụng các giải pháp kỹ thuật tiên tiến làm tăng năng suất, đồng thời giảm chi phí sản xuất, nhờ đó, lợi nhuận thu được từ mô hình cánh đồng mẫu lớn cao hơn so với ngoài mô hình từ 2,2-7,5 triệu đồng/ha.
Còn tại Nghệ An, đến nay, toàn tỉnh đã có 75 trang trại ứng dụng công nghệ cao với diện tích 380,03ha; 160 gia trại ứng dụng công nghệ cao với diện tích 154,6ha; 21 doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất với diện tích 3.202,3ha. Bên cạnh đó, trên địa bàn tỉnh còn có 7.958 hộ nông dân tích tụ ruộng đất được từ 2 ha trở lên với tổng diện tích hơn 28.435ha, trong đó có 467 hộ nông dân ứng dụng công nghệ cao sản xuất với diện tích 2.380ha…
Tại Thái Bình, đến nay, đã có hơn 200 hợp tác xã tham gia liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm cho các hộ thành viên với hơn 20 doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, tổng diện tích gieo trồng có hợp đồng liên kết khoảng 14.000ha (vụ Xuân, vụ Mùa, vụ Đông) gồm: liên kết sản xuất lúa giống khoảng 3.000ha, liên kết sản xuất lúa thương phẩm khoảng 6.000ha, liên kết sản xuất cây màu khoảng 5.000ha (khoai tây, ngô ngọt, bí, ớt, dưa, rau xuất khẩu...).
Theo đánh giá của Bộ NN&PTNT, thời gian qua, hệ thống pháp luật về đất đai từng bước được hoàn thiện, đã có những cải cách, đổi mới, giúp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho người dân, doanh nghiệp trong việc tiếp cận đất đai và thực hiện các quyền và nghĩa vụ liên quan đến đất đai; khẳng định chế độ sở hữu toàn dân về đất đai, từng bước mở rộng các quyền của người sử dụng đất.
Các chính sách về đất đai thời gian gần đây đã khắc phục được nhiều hạn chế của việc sử dụng đất nông nghiệp như: Miễn giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp, trong đó kể cả diện tích vượt hạn mức giao đất; Cho phép chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng cây hàng năm, cây lâu năm hoặc trồng lúa kết hợp nuôi trồng thủy sản. Những thay đổi này đã tạo điều kiện thúc đẩy người sử dụng đất mở rộng sản xuất, khuyến khích nông dân gắn bó, yên tâm đầu tư lâu dài vào sản xuất nông nghiệp, góp phần giữ vững ổn định chính trị, đảm bảo an sinh xã hội. Các quyền của người sử dụng đất được mở rộng, được Nhà nước bảo đảm thực hiện, tạo điều kiện để người sử dụng đất gắn bó hơn với đất đai; người dân, doanh nghiệp yên tâm đầu tư, phát triển sản xuất, kinh doanh… từ đó thúc đẩy nhanh quá trình tích tụ, tập trung ruộng đất.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, pháp luật về đất đai còn có một số hạn chế cần được tiếp tục hoàn thiện để thúc đẩy phát triển bền vững thị trường quyền sử dụng đất nói riêng, thị trường bất động sản nói chung, để người dân, doanh nghiệp có thể tiếp cận đất đai thuận lợi, khả thi hơn trong đầu tư, sản xuất kinh doanh.
Các chính sách về đất nông nghiệp vẫn còn bị bó hẹp do chưa có cơ chế thúc đẩy hoạt động thị trường quyền sử dụng đất nông nghiệp mà ở đó cho phép người có nhu cầu có thể nhận chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, góp vốn bằng quyền sử dụng đất nông nghiệp dễ dàng hơn theo cơ chế thị trường. Việc quy định hộ gia đình, cá nhân không được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất lúa, nếu không trực tiếp sản xuất nông nghiệp hoặc đất nông nghiệp trong rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, nếu không sinh sống trong khu rừng đó dẫn đến chưa khuyến khích quá trình tích tụ, tập trung đất đai của hộ sản xuất hàng hóa lớn….
Để những cánh đồng mẫu lớn “cất cánh”
Theo Bộ NN&PTNN, trên cơ sở tổng kết các mô hình tích tụ, tập trung ruộng đất ở một số địa phương cho thấy, việc tích tụ, tập trung đất nông nghiệp thời gian tới cần đảm bảo một số nguyên tắc như: Tích tụ, tập trung đất nông nghiệp phải bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp, đặc biệt là của người dân; ưu tiên các hình thức tập trung đất trong đó bảo đảm người dân không mất quyền sử dụng đất, sử dụng đất hiệu quả cả về kinh tế, xã hội và môi trường, Nhà nước hỗ trợ người dân và doanh nghiệp thực hiện quyền và nghĩa vụ có liên quan một cách đầy đủ và thuận lợi nhất.
Đặc biệt, việc tích tụ, tập trung đất nông nghiệp phải dựa trên cơ sở tự nguyện; phải phù hợp với điều kiện về đất đai, địa hình, khí hậu thực tế từng vùng, từng địa phương; phải theo quy hoạch, định hướng phát triển nền nông nghiệp hiện đại, tăng hiệu quả sử dụng đất với quy mô, hình thức sản xuất phù hợp, gắn với quá trình chuyển đổi cơ cấu lao động - việc làm trong nông nghiệp, nông thôn; gắn với nhu cầu của thị trường và năng lực sản xuất từng vùng, từng khu vực, từng địa phương.
Đến tháng 7/2021, cả nước có 2.788 xã đã tiến hành dồn điền, đổi thửa với tổng diện tích 790.000ha, tăng 96.300ha so với năm 2016; xây dựng được 1.660 cánh đồng mẫu lớn tại 1.051 xã với sự tham gia của 327.326 hộ dân...
Lấy ý kiến một số chuyên gia, địa phương để phục vụ sửa đổi bổ sung Luật Đất đai, mới đây tại Hội thảo Khoa học về khuyến nghị chính sách, pháp luật đất đai về tập trung tích tụ đất đai phục vụ sản xuất nông nghiệp tập trung do Tổng cục Quản lý đất đai tổ chức, Phó Tổng Cục trưởng Mai Văn Phấn đặt vấn đề để tháo gỡ tích tụ ruộng đất, trong đó nhấn mạnh, cần hoàn thiện các quy định về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; hoàn thiện các chính sách chuyển mục đích sử dụng đất và quản lý sử dụng đất trồng lúa; quy định cơ chế hỗ trợ để doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp có mặt bằng sản xuất.
Đồng thời, có chính sách pháp luật về thuế, tiền thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; quy định cụ thể phương thức, trình tự, trách nhiệm tổ chức thực hiện và sự tham gia của các bên có liên quan trong quá trình tập trung, tích tụ đất nông nghiệp; bổ sung cơ chế thúc đẩy phát triển thị trường quyền sử dụng đất nông nghiệp phát triển minh bạch; thiết lập cơ chế tạo quỹ đất để phục vụ cho phát triển nông nghiệp tập trung, quy mô lớn.
BBT (Nguồn: Báo TN&MT)