Theo đó, cử tri kiến nghị Luật Đất đai năm 2013 quy định về chế độ sở hữu đất đai, quyền hạn và trách nhiệm của Nhà nước còn nhiều vấn đề mâu thuẫn đến quyền và lợi ích giữa người dân với nhà đầu tư dự án, dẫn đến tình trạng khiếu nại, khiếu kiện vượt cấp kéo dài. Cử tri kiến nghị cần sớm sửa đổi Luật Đất đai cho phù hợp.
Trả lời về nội dung này, Bộ TN&MT cho biết, chế độ sở hữu đất đai trong Luật Đất đai năm 2013 đã được hiến định tại Điều 53 Hiến pháp năm 2013. Luật cũng đã hoàn thiện các quy định về quyền đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý, quyền và lợi ích của người sử dụng đất; thu hẹp các trường hợp Nhà nước thu hồi đất theo quy định tại Khoản 3 Điều 54 Hiến pháp.
Đồng thời, hoàn thiện các quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp, sinh kế cho người có đất bị thu hồi, giải quyết hài hòa hơn giữa lợi ích của người sử dụng đất, Nhà nước và nhà đầu tư.
Thực tế qua việc thi hành Luật Đất đai, công tác quản lý đất đai đã đạt được những kết quả quan trọng. Quy hoạch, Kế hoạch sử dụng đất đã tạo ra cơ sở pháp lý quan trọng trong thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; bước đầu khắc phục tình trạng giao đất, cho thuê đất tràn lan, không đưa vào sử dụng, lãng phí. Chính sách thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đã bảo đảm tốt hơn quyền lợi cho người có đất thu hồi.
Các địa phương cơ bản đã lập được hệ thống hồ sơ địa chính dạng số đồng bộ giữa bản đồ địa chính với thông tin đăng ký, cấp Giấy chứng nhận; một số địa phương đã vận hành cơ sở dữ liệu địa chính, tạo nền tảng quan trọng để xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai thống nhất, phục vụ đa mục tiêu. Quy định về các quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất đã hình thành khung pháp lý để thị trường bất động sản vận hành, đáp ứng được yêu cầu của người dân và doanh nghiệp khi có nhu cầu về đất nông nghiệp, đất ở, đất sản xuất kinh doanh.
Các giao dịch chuyển nhượng, thuê quyền sử dụng đất, giao dịch thế chấp bằng quyền sử dụng đất không ngừng tăng lên. Chính sách tài chính về đất đai được hoàn thiện đã góp phần tạo nguồn thu đáng kể cho ngân sách, những quy định đổi mới về giá đất đã tạo sự chuyển biến tích cực trong quản lý Nhà nước về đất đai bằng biện pháp kinh tế.
Bên cạnh đó, công tác cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai đang được coi trọng. Đặc biệt, việc tiệc thành lập Văn phòng Đăng ký đất đai một cấp đã tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người dân trong việc nộp hồ sơ thực hiện thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ công việc và giúp đẩy nhanh tiến độ công tác bồi thường giải phóng mặt bằng. Khiếu kiện trong lĩnh vực đất đai so với giai đoạn trước giảm 38%; số vụ việc thuộc thẩm quyền của cơ quan hành chính Nhà nước giảm 58%.
Tuy nhiên, thực tiễn triển khai vẫn còn những tồn tại, bất cập như: việc tổ chức thi hành pháp luật về đất đai ở một số địa phương chưa tốt; pháp luật về đất đai và pháp luật khác còn chưa thống nhất, đồng bộ; nguồn lực đất đai chưa thực sự được khai thác đầy đủ và hiệu quả.
Khiếu kiện liên quan đến đất đai còn cao, chiếm 70% số lượng đơn thư gửi đến bộ (đa số do áp dụng chính sách, pháp luật đất đai trước năm 2013). Trong đó tập trung vào các nội dung như: khiếu nại liên quan đến quyết định thu hồi đất (trình tự, thủ tục...) khoảng 26%, khiếu nại liên quan đến giá bồi thường khoảng 21%, khiếu nại liên quan đến cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất khoảng 22%, khiếu nại liên quan đến xử phạt vi phạm hành chính, cho thuê đất... khoảng 1%; đơn tranh chấp đất đai chiếm 12% (đa số là giữa cá nhân với cá nhân); đơn đòi lại đất cũ chiếm 7%; đơn tố cáo sai phạm về đất đai 11%.
Như vậy, có thể thấy nguyên nhân của tình trạng khiếu nại, khiếu kiện hiện nay chủ yếu là liên quan đến công tác tổ chức thi hành chưa đảm bảo tuân thủ quy định của pháp luật về đất đai, làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của người sử dụng đất.
Hiện nay, Bộ TN&MT đang tiếp tục nghiên cứu sửa đổi Luật Đất đai một cách căn bản, toàn diện dựa trên đánh giá tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương khóa XI để ban hành Nghị quyết mới của Ban Chấp hành Trung ương về chính sách đất đai, phù hợp với những quan điểm, định hướng lớn của Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng làm định hướng cho việc sửa đổi.
BBT (Nguồn: Báo TN&MT)
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn