Trong thời gian vừa qua, công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm các cơ sở, dự án gây ô nhiễm môi trường được Bộ Tài nguyên và Môi trường đặc biệt quan tâm, là công tác trọng tâm trong định hướng hoạt động hàng năm của Bộ. Bộ đã tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định số 155/2016/NĐ-CP ngày 18/11/2016 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, trong đó mức phạt tiền đối với hành vi vi phạm hành chính về bảo vệ môi trường là cao nhất trong các lĩnh vực xử lý vi phạm hành chính ở Việt Nam (mức phạt tiền từ cảnh cáo đến 01 tỷ đồng đối với cá nhân và 02 tỷ đồng đối với tổ chức). Trong năm 2017, toàn ngành môi trường đã thực hiện 701 cuộc thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường với 2.565 đối tượng; xử phạt vi phạm hành chính 700 tổ chức, cá nhân với số tiền 82 tỷ 80 triệu đồng, truy thu 239 triệu đồng.
Bên cạnh đó, để phòng ngừa, kiểm soát các dự án, công trình có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Đề án kiểm soát đặc biệt với cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao (Tờ trình số 34/TTr-BTNMT ngày 2/5/2018) với mục tiêu kiểm soát, hạn chế tối đa nguy cơ xảy ra sự cố, ô nhiễm môi trường lớn. Đối với các dự án vi phạm yêu cầu về bảo vệ môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với địa phương yêu cầu các chủ đầu tư có giải pháp khắc phục, cải tạo, xây dựng các hệ thống xử lý chất thải đảm bảo quy chuẩn, tiêu chuẩn. Trường hợp cơ sở sản xuất vẫn tiếp tục gây ô nhiễm sẽ tiến hành các hình thức dừng hoạt động, di dời. Bộ đã thiết lập và vận hành đường dây nóng về môi trường từ trung ương đến địa phương nhằm tiếp nhận và xử lý kịp thời các phản ánh của người dân về các hành vi vi phạm của doanh nghiệp (Từ tháng 10/2017 đến tháng 8/2018, tiếp nhận trên 850 thông tin, chuyển cho địa phương xử lý, kết quả các địa phương đã xác minh, xử lý gần 390 vụ việc).
Đồng thời, Bộ đã rà soát, đề xuất Chính phủ để đề xuất Quốc hội sửa đổi, bổ sung Luật Bảo vệ môi trường và luật khác có liên quan đến bảo vệ môi trường nhằm bổ sung các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường đảm bảo phù hợp với thực tế phát triển kinh tế, xã hội; tổ chức tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường nước, khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, tập trung vào các khu chưa đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung; đảm bảo tỷ lệ các khu công nghiệp theo quy hoạch phải có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt 85%; các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trong 15% khu công nghiệp còn lại phải có hệ thống xử lý nước thải đạt quy chuẩn cho phép; xây dựng và hoàn thiện cơ sở dữ liệu về nguồn thải trên toàn quốc phục vụ công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra, giám sát. Bộ đã chỉ đạo, yêu cầu trong quá trình thanh tra, kiểm tra phải xem xét chặt chẽ toàn bộ vấn đề công nghệ, quy trình xử lý chất thải để yêu cầu chủ dự án thực hiện các biện pháp cải tạo, nâng cấp các công trình xử lý chất thải, đảm bảo giảm thiểu nguy cơ xảy ra ô nhiễm hoặc các vấn đề sự cố môi trường; xây lắp các công trình ứng phó sự cố như hồ sinh học, hồ sự cố; yêu cầu các đơn vị có nguồn thải lớn phải lắp đặt thiết bị quan trắc nước thải tự động, liên tục có camera theo dõi và truyền số liệu trực tiếp cho Sở Tài nguyên và Môi trường địa phương để theo dõi, giám sát.
BBT (Nguồn: Cổng TTĐT Bộ TN&MT)
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn