EPR là cách tiếp cận của chính sách môi trường theo đó trách nhiệm của nhà sản xuất một loại sản phẩm được mở rộng tới giai đoạn thải bỏ trong vòng đời của sản phẩm đó. EPR là một công cụ kinh tế, được xem là một cách tiếp cận mới nhằm tìm kiếm giải pháp tài chính xử lý vấn đề quản lý chất thải, tăng cường tái chế, giúp Chính phủ đạt được mục tiêu về môi trường mà không cần tăng thuế hay phí môi trường.
Theo ông Phan Tuấn Hùng, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ TN&MT), Luật BVMT quy định nhà sản xuất có 02 trách nhiệm, gồm: trách nhiệm tái chế chất thải (Điều 54) và trách nhiệm xử lý chất thải (Điều 55). Quy định EPR lần này được kỳ vọng góp phần thúc đẩy cải cách hệ thống quản lý chất thải rắn hiện nay, tạo nền tảngquan trọng cho xây dựng nền kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam.
Về trách nhiệm tái chế chất thải (Điều 54) sẽ đặt ra tỷ lệ và quy cách tái chế bắt buộc đối với một số sản phẩm, bao bì đóng gói; tiếp tục áp dụng đối với các sản phẩm theo Quyết định 16/2015/QĐ-TTg, bao gồm: (i) điện và điện tử, (ii) săm lốp, (iii) pin và ắc quy, (iv) dầu nhờn, (v) ô tô và xe máy; đồng thờibổ sung thêm hai đối tượng mới gồm: (i) pin năng lượng mặt trời và (ii) bao bì đóng gói sản phẩm. Để thực hiện trách nhiệm của mình, nhà sản xuất có thể tự mình tổ chức tái chế hoặc đóng góp tài chính vào Quỹ BVMT Việt Nam để hỗ trợ tái chế.
Về trách nhiệm xử lý chất thải (Điều 55) sẽ áp dụng với các sản phẩm như (i) bao bì thuốc bảo vệ thực vật, thuốc trừ sâu; (ii) kẹo cao su; (iii) Thuốc lá điếu; (iv) tã bỉm, khăn ướt dùng 1 lần; (v) một số sản phẩm có sử dụng thành phần nhựa làm nguyên liệu sản xuất (bao gồm nhựa dùng một lần). Nhà sản xuất có trách nhiệm đóng góp tài chính vào Quỹ BVMT Việt Nam để hỗ trợ cho các sáng kiến, nghiên cứu và hoạt động thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt.
Thông tin được chia sẻ tại Hội thảo “Tham vấn dự thảo Nghị định quy định chi tiết trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường 2020” được tổ chức bởi Vụ Pháp chế, Bộ TN&MT phối hợp với Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) và Hiệp hội các nhà sản xuất xe máy Việt Nam (VAMM) tại Hà Nội mới đây - ngày 29/01/2021.
Pin năng lượng mặt trời và bao bì đóng gói là những vấn đề môi trường được xã hội quan tâm trong thời gian gần đây, đặc biệt là trong bối cảnh có nhiều quan ngại về phát triển pin năng lượng mặt trời nhanh chóng cũng như vấn đề ô nhiễm rác thải nhựa và rác thải nhựa đại dương tại Việt Nam. Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ TN&MT cho rằng EPR là công cụ hiệu quả để quản lý các tấm pin năng lượng mặt trời hết thời hạn sử dụng và các bao bì đóng gói sau khi người tiêu dùng thải bỏ.
Thời gian qua, nhiều nhà sản xuất đã cam kết và thực thi EPR một cách tự nguyện và trách nhiệm tại Việt Nam như Liêm minh tái chế bao bì Việt Nam gồm các công ty Coca Cola, Pepsi Co, Lavie, TH True Milk, Nesle, Suntory Pepsci Co..v..v. hay Chương trình Việt Nam Tái chế được thành lập và tài trợ hoạt động bởi Công ty HP, Công ty Apple..v..v... "Chúng tôi tin rằng thời gian tới sẽ có nhiều chương trình, tổ chức hay liên minh..v..v.. được hình thành giống như Pro Việt Nam hay Việt Nam tái chế để thực hiện trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất, đây cũng là xu thế của các nước trên thế giới khi áp dụng EPR"- đại diện Vụ Pháp chế, Bộ TN&MT khẳng định.
Nguồn tin: Cổng TTĐT Bộ TNMT
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn