Dấu ấn về chính sách quan trọng nhất là Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 23/CT-TTg về đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 120/NQ-CP về phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long.
Chỉ thị nhằm nâng cao sự nỗ lực của các cấp, các ngành trước những tác động kép của biến đổi khí hậu và nhân sinh; tăng cường thể chế điều phối và liên kết vùng, các nguồn lực và huy động sự tham gia của doanh nghiệp, khối tư nhân cùng với các cơ chế tài chính phù hợp để thực hiện các chương trình, dự án về hạ tầng phục vụ chuyển đổi quy mô lớn; đẩy nhanh quy hoạch tổng thể phát triển vùng,hoạt động nghiên cứu khoa học và điều tra cơ bản, xây dựng cơ sở dữ liệu liên ngành, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực nhằm thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động, cơ cấu dân cư phục vụ phát triển bền vững vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Chỉ thị ra đời sau khi Hội nghị đánh giá kết quả hai năm thực hiện Nghị quyết 120/NQ-CP được tổ chức vào tháng 6/2019 tại TP. Hồ Chí Minh được tổ chức thành công. Được ví như một “hội nghị Diên Hồng” về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long, nhiều chuyên gia, nhà quản lý, nhà khoa học, đối tác quốc tế đã chia sẻ, hiến kế, thể hiện quyết tâm cao nhằm “cứu” vựa lúa này trước thách thức biến đổi khí hậu.
Trước khi cho ra đời Chỉ thị 23/CT-TTg, Thủ tướng còn ban hành Chương trình hành động tổng thể thực hiện Nghị quyết số 120/NQ-CP với 6 nhóm nhiệm vụ và các nhiệm vụ cụ thể. Đặc biệt, đây là Chương trình tổng thể xác định rõ các nhiệm vụ thực hiện sau năm 2020; giai đoạn 2021 – 2030; định hướng giai đoạn 2031 – 2050 và định hướng đến năm 2100.
Trên bình diện thể hiện nỗ lực giảm phát thải toàn cầu, Chính phủ đã phê duyệt Bản sửa đổi, bổ sung Kigali thuộc Nghị định thư Montreal về các chất làm suy giảm tầng ô-dôn nhằm thực hiện lộ trình kiểm soát và loại trừ các chất HFC theo cam kết quốc tế.
Việt Nam trở thành quốc gia thứ 83 phê duyệt Bản sửa đổi, bổ sung Kigali thuộc Nghị định thư Montreal về các chất làm suy giảm tầng ô-dôn.Văn kiện được nộp cho Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres.Điều này thể hiện vai trò là thành viên có trách nhiệm trongthực thi ứng phó với biến đổi khí hậu, sẵn sàng tăng cường hợp tác với cộng đồng quốc tế trong việc kiểm soát và loại trừ các chất HFC, giúp loại trừ hàng triệu tấn CO2 tương đương, góp phần bảo vệ hệ thống khí hậu Trái đất, giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và các tác động tiêu cực do biến đổi khí hậu gây ra.
Tại sự kiện quốc tế về biến đổi khí hậu lớn nhất năm 2019 là COP 25 tại Mandrid (Tây Ban Nha), Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà – trưởng đoàn cấp cao Việt Nam – đã có bài phát biểu nhấn mạnh 3 vấn đề trọng tâm là phạm trù đạo đức, tình đoàn kết và hướng dẫn thực hiện Thỏa thuận Paris.
Bộ trưởng nhấn mạnh, các quốc gia cần đoàn kết hơn nữa để tạo nên chuyển đổi về mô hình phát triển, đặc biệt là trong lĩnh vực năng lượng, hướng đến nền kinh tế bền vững có khả năng chống chịu cao trước tác động của biến đổi khí hậu.
Dù COP 25 không đạt được kết quả như mong muốn, song Việt Nam luôn thể hiện nỗ lực, sự đồng lòng với các quốc gia trên thế giới để giải quyết thách thức biến đổi khí hậu.
BBT (Nguồn: Cổng TTĐT Bộ TN&MT)
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn