Ngày quốc tế về bảo vệ tầng ô-dôn năm 2019: “32 năm nối tiếp hành trình bảo vệ tầng ô-dôn”

Với chủ đề “32 năm nối tiếp hành trình bảo vệ tầng ô-dôn” (32 Years and Healing), Lễ kỷ niệm Ngày quốc tế bảo vệ tầng ô-dôn năm 2019 nhằm đề cao nỗ lực hợp tác quốc tế suốt hơn 3 thập kỷ qua và những thành tựu về bảo vệ tầng ô-dôn và ứng phó với biến đổi khí hậu theo Nghị định thư Montreal mà nhân loại đã đạt được.

Nghị định thư Montreal về các chất làm suy giảm tầng ô-dôn (thuộc Công ước Vienna về bảo vệ tầng ô-dôn) được ký kết năm 1987 tại Montreal, Canada, được đánh giá là một trong những hiệp ước quốc tế về môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu thành công nhất trong lịch sử. Tháng 12 năm 1994, Phiên họp Đại hội đồng Liên hợp quốc đã ra Nghị quyết số 49/114 lấy ngày 16 tháng 9 là Ngày quốc tế Bảo vệ tầng ô-dôn. Hằng năm, tất cả các nước thành viên tham gia Nghị định thư Montreal đều tổ chức các hoạt động kỷ niệm trọng thể này. Kể từ đó đến nay, Ngày quốc tế về Bảo vệ tầng ô-dôn là dịp để các quốc gia trên thế giới tăng cường nhận thức và có những hành động thiết thực bảo vệ tầng ô-dôn, giữ gìn môi trường sống của nhân loại vì sự phát triển bền vững.

Mục tiêu của sự kiện này nhằm tăng cường sự hiểu biết về Nghị định thư Montreal về các chất làm suy giảm tầng ô-dôn; nâng cao nhận thức và truyền tải các thông điệp về bảo vệ tầng ô-dôn tới các ngành, các cấp, cộng đồng và toàn xã hội. Trong nhiều năm qua, cộng đồng quốc tế đã chung tay nỗ lực bảo vệ tầng ô-dôn, kiểm soát và loại bỏ các chất làm suy giảm tầng ô-dôn, góp phần ứng phó với biến đổi khí hậu. Sau 32 năm thực hiện Nghị định thư Montreal đã loại bỏ 99% các chất làm suy giảm tầng ô-dôn có trong tủ lạnh, điều hòa và nhiều sản phẩm khác. Theo báo cáo đánh giá gần đây (năm 2018), cứ mỗi thập kỷ trôi qua tính từ năm 2000, tỷ lệ phục hồi của tầng ô-dôn là 1-3%. Với tỷ lệ phục hồi như vậy, tầng ô-dôn ở Bắc Bán Cầu sẽ được phục hồi hoàn toàn vào năm 2030; đến năm 2050 tầng ô-dôn tại Nam Bán cầu và đến năm 2060 tại những vùng cực Nam bán cầu sẽ được khôi phục hoàn toàn. Những nỗ lực bảo vệ tầng ô-dôn đã đóng góp cho công cuộc ứng phó với biến đổi khí hậu thông qua ngăn ngừa phát thải khoảng 135 tỷ tấn CO2 tương đương từ năm 1990 đến năm 2010.
 

16 9 2019 2
Ngày quốc tế về bảo vệ tầng ô-dôn năm 2019 với chủ đề “32 năm nối tiếp hành trình bảo vệ tầng ô-dôn”

Việt Nam là một trong những nước sớm gia nhập Công ước Vienna về bảo vệ tầng ô-dôn và Nghị định thư Montreal về các chất làm suy giảm tầng ô-dôn kể từ tháng 01 năm 1994, cam kết tuân thủ các quy định của Công ước Vienna và Nghị định thư Montreal. Là thành viên tham gia Nghị định thư Montreal, Việt Nam có nghĩa vụ kiểm soát và loại trừ các chất làm suy giảm tầng ô-dôn theo lộ trình thực hiện Nghị định thư Montreal. Các chất làm suy giảm tầng ô-dôn bị kiểm soát, loại trừ theo quy định của Nghị định thư Montreal bao gồm: CFC, Halon, CTC, HCFC và Methyl Bromide; các chất này được sử dụng trong lĩnh vực sản xuất điều hòa không khí, thiết bị làm lạnh, sản xuất xốp, dập cháy và kiểm dịch cho hàng xuất khẩu.

Trong 25 năm qua, Việt Nam đã chủ động và tích cực tham gia thực hiện Công ước Vienna và Nghị định thư Montreal, bảo vệ tầng ô-dôn và đạt được nhiều kết quả được cộng đồng quốc tế ghi nhận. Thực hiện đúng lộ trình của Nghị định thư Montreal, Việt Nam đã loại trừ hoàn toàn tiêu thụ các chất CFC, Halon và CTC từ ngày 01 tháng 01 năm 2010; loại trừ hoàn toàn tiêu thụ HCFC-141b nguyên chất được sử dụng trong sản xuất xốp và cấm sử dụng Methyl Bromide cho các ứng dụng ngoài mục đích kiểm dịch hàng xuất khẩu từ ngày 01 tháng 01 năm 2015, qua đó đáp ứng nghĩa vụ loại trừ 10% mức tiêu thụ cơ sở các chất HCFC. Hiện nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang triển khai Dự án Kế hoạch quản lý loại trừ các chất HCFC giai đoạn II (2018-2023) nhằm loại trừ 35% mức tiêu thụ cơ sở các chất HCFC. Dự án được triển khai thực hiện dự kiến sẽ hỗ trợ hơn 80 doanh nghiệp chuyển đổi công nghệ nhằm đạt mục tiêu loại trừ tiêu thụ 1.000 tấn HCFC-22 và loại trừ hoàn toàn HCFC-141b trộn sẵn trong polyol trong sản xuất xốp cách nhiệt; tăng cường năng lực cho các cơ quan quản lý nhà nước về quản lý, loại trừ các chất HCFC; nâng cao nhận thức của các ngành, người dân và các bên liên quan về loại trừ các chất HCFC ở Việt Nam. Hiệp định tài trợ giữa Chính phủ Việt Nam và Ngân hàng Thế giới được chính thức ký kết ngày 07 tháng 3 năm 2019.

Bên cạnh những nỗ lực loại trừ thành công các chất làm suy giảm tầng ô-dôn, chúng ta vẫn phải đối mặt với thách thức mới gắn liền với xu hướng gia tăng sử dụng các chất có tiềm năng làm nóng lên toàn cầu cao - các chất hydro-fluoro-carbon (HFC), là những chất được sử dụng để thay thế cho các chất làm suy giảm tầng ô-dôn trong lĩnh vực sản xuất thiết bị lạnh, điều hòa không khí ô tô, dập cháy. Tại Khóa họp lần thứ 28 của các bên tham gia Nghị định thư Montreal vào tháng 10 năm 2016 diễn ra tại Kigali, Cộng hòa Ru-an-đa, các nước đã thông qua Bản sửa đổi, bổ sung Kigali để kiểm soát và loại trừ các chất HFC có xu hướng làm gia tăng sự nóng lên của khí hậu lên đến 0,4oC của nhiệt độ Trái đất vào cuối thế kỷ. Bản sửa đổi, bổ sung Kigali chính thức có hiệu lực từ ngày 01 tháng 01 năm 2019. Theo lộ trình đã được thông qua, các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam, sẽ ngưng tiêu thụ các chất HFC từ năm 2024 ở mức cơ sở và loại trừ dần các chất HFC, đến năm 2045 lượng tiêu thụ các chất HFC sẽ giảm 80% so với lượng tiêu thụ cơ sở.

Trong điều kiện của một nước đang phát triển và chịu nhiều tác động của biến đổi khí hậu, Việt Nam đã và đang thể hiện nỗ lực cao của quốc gia trong các hoạt động bảo vệ tầng ô-dôn và góp phần giảm nhẹ tác động của biến đổi khí hậu nhằm thực hiện mục tiêu của Nghị định thư Montreal và Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu. Ngày 04 tháng 9 năm 2019, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 64/NQ-CP chính thức phê duyệt Bản sửa đổi, bổ sung Kigali thuộc Nghị định thư Montreal về các chất làm suy giảm tầng ô-dôn. Việc phê duyệt Bản sửa đổi, bổ sung Kigali thể hiện trách nhiệm của Việt Nam là thành viên tham gia Nghị định thư Montreal, tích cực chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, sẵn sàng tăng cường hợp tác với các nước, cộng đồng quốc tế trong việc kiểm soát và loại trừ các chất HFC. Triển khai thực hiện Bản sửa đổi, bổ sung Kigali loại trừ các chất HFC ở Việt Nam sẽ giúp loại trừ hàng triệu tấn CO2 tương đương, góp phần cùng cộng đồng quốc tế bảo vệ hệ thống khí hậu Trái đất, giảm nhẹ phát thải khí nhà kính.

Bộ Tài nguyên và Môi trường được Chính phủ giao là cơ quan đầu mối chủ trì thực hiện Công ước Vienna về bảo vệ tầng ô-dôn, Nghị định thư Montreal về các chất làm suy giảm tầng ô-dôn, Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu và Nghị định thư Kyoto. Trong khuôn khổ Lễ kỷ niệm Ngày quốc tế bảo vệ tầng ô-dôn năm 2019, với chủ đề của Ban Thư ký Nghị định thư Montreal về các chất làm suy giảm tầng ô-dôn “32 năm nối tiếp hành trình bảo vệ tầng ô-dôn”, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức Hội thảo khởi động Dự án Kế hoạch quản lý loại trừ các chất HCFC của Việt Nam giai đoạn II (HPMP II).

Đây là dịp để các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức quốc tế, hội nghề nghiệp, các doanh nghiệp và các bên liên quan trao đổi, thảo luận, có những ý kiến đóng góp, đề xuất sáng kiến cho công tác bảo vệ tầng ô-dôn ở Việt Nam nói chung và loại trừ các chất HCFC, HFC ở Việt Nam nói riêng theo đúng lộ trình thực hiện Công ước Vienna và Nghị định thư Montreal./.

BBT (Nguồn: Cổng TTĐT Bộ TN&MT)

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
hc.jpg kt.jpg 2.jpg 3.jpg
 
thong diep phong covid 2023

Bien Dong
bao chi

tham van DTM

HOC TAP LAM THEO

THONG TIN TUYEN TRUYEN

tthc tnmt

phan anh kien nghi

THIEN TAI

LICH TIEP CONG DAN

BANG GIA DAT

CONG THONG TIN

TCVN ISO 9001 2015
 
TIEP CAN THONG TIN
 
thu thap du lieu 2023
 
congpd
Liên kết site

 

Online
  • Đang truy cập18
  • Hôm nay12,763
  • Tháng hiện tại200,648
  • Tổng lượt truy cập27,224,812
Văn bản pháp luật mới cập nhật
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây