Trong 22 năm gần đây, có 20 năm nhiệt độ trái đất đạt trung bình cao nhất, đặc biệt trong thời kỳ 2015-2018 nhiệt độ trung bình đã đứng đầu danh sách. Chính phủ các quốc gia trên toàn thế giới đang hướng tới thực hiện "những thay đổi nhanh chóng và sâu rộng chưa từng có trong mọi khía cạnh của xã hội" nhằm tránh trái đất nóng quá mức gây ra thảm họa toàn cầu.
Tổng thư ký WMO Petteri Taalas nhận định, xu hướng nóng lên toàn cầu trong thời gian dài vẫn sẽ diễn ra như một điều hiển nhiên, nếu nhân loại vẫn duy trì các hoạt động sinh hoạt và sản xuất như hiện nay. “Cần phải thấy rõ, nồng độ khí nhà kính, một yếu tố quyết định trong hiện tượng nóng lên toàn cầu, đang có dấu hiệu đạt những ngưỡng kỷ lục mới trong thời gian qua. Nhiệt độ Trái đất đang có nguy cơ tăng lên từ 3 đến 5°C kể từ nay cho đến cuối thế kỷ. Nồng độ khí nhà kính đã một lần nữa đạt đến mức kỷ lục. Nếu chúng ta khai thác tất cả các nguồn nhiên liệu hóa thạch, sự gia tăng nhiệt độ sẽ còn đáng sợ hơn", Tổng thư ký WMO Petteri Taalas phân tích.
Trong hàng trăm năm qua, việc phát triển công nghiệp nói riêng hay kinh tế nói chung phụ thuộc hoàn toàn vào việc sử dụng nguồn nguyên liệu từ hóa thạch. Để giảm bớt hiện tượng biến đổi khí hậu, việc tìm nguồn nguyên liệu mới thay thế nguyên liệu từ hóa thạch là một trong những điều bắt buộc để chống lại sự nóng lên của trái đất. Trong thông điệp phát đi nhân ngày Khí tượng Thế giới 2019, WMO nhấn mạnh, năng lượng tái tạo (NLTT), bao gồm cả năng lượng mặt trời được lựa chọn là nguồn năng lượng của tương lai gần, nhằm thay thế nguồn năng lượng từ nhiên liệu hóa thạch như dầu hay than đá - nguồn phát thải CO2 chủ yếu hiện nay.
Còn báo cáo cụ thể mục tiêu của Việt Nam trong việc Ứng phó với tác động của Biến đổi Khí hậu, Chính phủ Việt Nam cam kết đến năm 2030 phải giảm khoảng 8% lượng phát thải khí nhà kính so với kịch bản biến đổi khí hậu được dự báo. Chính phủ đã có nhiều chính sách phát triển NLTT và hạn chế dần việc sử dụng nguồn năng lượng từ nhiên liệu hóa thạch, vốn thải ra CO2 gây ra hiệu ứng nhà kính.
Nhằm hỗ trợ thích nghi với biến đổi khí hậu, Ngân hàng Thế giới (World Bank) cam kết 200 tỷ USD trong giai đoạn 2021-2025. Theo ông John Roome - Giám đốc cấp cao về biến đổi khí hậu tại World Bank cho biết thêm, riêng năm tài khóa 2018 (tháng 6/2017- tháng 6/2018), WB đã đầu tư 20,5 tỷ USD cho hoạt động khí hậu. Số liệu trung bình trong giai đoạn 2014-2018 là 13,5 tỷ USD. Khoản vốn được chỉ định hiện chiếm tỷ trọng xấp xỉ 35% tổng cam kết từ World Bank. Trong đó, phần lớn sẽ được sử dụng để giảm phát thải khí nhà kính, đặc biệt thông qua phát triển các dự án NLTT.
Cung cấp những định hướng về khung kế hoạch ngành năng lượng cho Việt Nam trong thời gian tới, ông John Rockhold – Trưởng nhóm Điện và Năng lượng, Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam, cho biết khi tham dự một hội thảo về năng lượng được tổ chức tại Singapore, 94% các doanh nghiệp tin rằng Việt Nam là điểm đến tương lai của ngành năng lượng. Việt Nam cần thu hút được đầu tư của khu vực tư nhân vì Việt Nam cần tới 12 tỷ USD mỗi năm để duy trì phát triển năng lượng sạch, bên cạnh đó đưa ra khuôn khổ dài hạn về tính thanh khoản, đảm bảo chia sẻ rủi ro với khu vực tư nhân.
Khi biến đổi khí hậu tác động tiêu cực lên toàn thế giới, Việt Nam cũng phải đối diện bài toán tìm nguồn năng lượng mới. Khi hạn chế việc sử dụng than hóa thạch sẽ ảnh hưởng đến nhiệt điện từ than, vốn chiếm khoảng 48% lượng điện cả nước. Việc khí hậu thay đổi cũng khiến nhiều hồ thủy điện tại miền Trung – Tây Nguyên đang gần mực nước chết trong mùa khô năm nay, đã gây áp lực cực lớn trong việc đảm bảo nguồn điện phục vụ dân sinh và công nghiệp.
Đó cũng là lý do mà Chính phủ có hàng loạt chính sách ưu tiên phát triển NLTT để thu hút đầu tư từ các doanh nghiệp, tập đoàn trong ngoài nước từ năm 2017 đến nay. Trong đó, tỉnh Ninh Thuận trở thành trung tâm NLTT của cả nước với 8 dự án điện gió và điện mặt trời được đưa vào vận hành thương mại.
Theo ông Lưu Xuân Vĩnh – Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận nhận xét, việc bổ sung quy hoạch các dự án điện mặt trời, điện gió trên địa bàn tỉnh cùng sự hỗ trợ của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong việc chấp thuận chủ trương chuyển đổi vùng phát triển sản xuất muối thành đất phát triển NLTT, để giảm thiểu tác động nhiễm mặn đến sản xuất và sinh hoạt của người dân trong khu vực; đồng thời tối ưu hóa hiệu quả vùng đất đã bị nhiễm mặn trong quá trình sản xuất muối.
“Việc đầu tư xây dựng đưa dự án Nhà máy điện mặt trời BIM vào vận hành góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng phát triển ngành công nghiệp năng lượng sạch, có tính ứng dụng khoa học kỹ thuật cao, tối ưu hóa hiệu quả vùng đất đã bị nhiễm mặn. Tỉnh sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư tìm hiếu, khảo sát, lập dự án đầu tư điện gió BIM tại xã Phước Minh, huyện Thuận Nam, để tiếp tục khai thác, sử dụng hiệu quả quỹ đất bị nhiễm mặn, tạo công ăn việc làm, nâng cao tiu nhập cho người dân, góp phần phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh Ninh Thuận”, ông Lưu Xuân Vĩnh cho biết thêm.
Về phía BIM Energy cũng tính toán nhằm giảm tải việc diện tích đất dưới 1,2 ha/Mwp, để phục vụ dự án và vẫn đạt hiệu quả kinh tế cho doanh nghiệp và địa phương. Trong các dự án điện gió và điện mặt trời tới đây sẽ có sự kết hợp nhằm đảo bảo hiệu quả, như cánh đồng muối kết hợp điện gió, hay điện gió kết hợp điện mặt trời, điện gió kết hợp dưới hồ nuôi tôm... để mang lại một sự phát triển bền vững nhất cho địa phương có gắn với dự án của Tập đoàn BIM Group.
BBT (Nguồn: Báo TN&MT)
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn