Nâng cao nhận thức về tác hại của các sản phẩm có nguồn gốc từ nhựa
Bộ TN&MT cho biết, trong thời gian tới, Bộ sẽ đẩy mạnh các hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức về tác hại của các sản phẩm có nguồn gốc từ nhựa, túi ni lông sử dụng một lần đối với môi trường, hệ sinh thái và sức khoẻ con người; thường xuyên phát động các phong trào phòng chống rác thải nhựa
* Luật hóa việc phân loại rác tại nguồn Cử tri tỉnh Long An kiến nghị cần có giải pháp để giảm thiểu, xử lý rác thải nhựa, sản phẩm tái chế từ nhựa, dần thay thế các sản phẩm nhựa, các sản phẩm thân thiện với môi trường. Trả lời về vấn đề này, Bộ TN&MT cho biết, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, Nghị định số 08/2022/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường, Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường có nhiều quy định mới về giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế chất thải để triển khai thống nhất trên cả nước. Cụ thể như: Lộ trình hạn chế sản xuất, nhập khẩu sản phẩm nhựa sử dụng một lần, bao bì nhựa khó phân hủy sinh học; quy định tiêu chí và chứng nhận Nhãn sinh thái Việt Nam cho sản phẩm, dịch vụ thân thiện môi trường; quy định yêu cầu tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu sản phẩm, bao bì thuộc danh mục quy định phải tái chế theo tỷ lệ và quy cách tái chế bắt buộc; quy định về phân loại, thu gom, tái sử dụng, tái chế chất thải; chính sách hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp, người dân đầu tư, sản xuất, sử dụng các loại vật liệu thân thiện với môi trường; khuyến khích việc tái sử dụng chất thải, áp dụng công nghệ sản xuất sạch hơn, tiết kiệm năng lượng, cộng sinh công nghiệp và kinh tế tuần hoàn. Ngoài ra, ngày 11/02/2020, Bộ Chính trị cũng đã ban hành Nghị quyết số 55-NQ/TW về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó khuyến khích đầu tư xây dựng các nhà máy điện sử dụng rác thải đô thị, sinh khối và chất thải rắn đi đôi với công tác bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế tuần hoàn. Quyết định số 491/QĐ-TTg ngày 07/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh Chiến lược Quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn đến 2050; Quyết định số 1746/QĐ-TTg ngày 04/12/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030; Quyết định số 175/QĐ-TTg ngày 05/02/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về phòng, chống rác thải nhựa giai đoạn 2021-2025”, Quyết định số 1316/QĐ-TTg ngày 22/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tăng cường công tác quản lý chất thải nhựa ở Việt Nam; Chỉ thị số 33/CT-TTg ngày 20/8/2020 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý và giảm thiểu chất thải nhựa; Chỉ thị số 41/CT-TTg ngày 01/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ về một số giải pháp cấp bách tăng cường quản lý chất thải rắn. * Ứng dụng các công nghệ xử lý chất thải rắn tiên tiến, thân thiện môi trường Trong thời gian tới, Bộ TN&MT sẽ tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp theo quy định tại Luật Bảo vệ môi trường và các văn bản hướng dẫn thi hành như hướng dẫn và chỉ đạo tổ chức phân loại chất thải rắn sinh hoạt từ hộ gia đình, cá nhân được phân thành các loại: Chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế; Chất thải thực phẩm; Chất thải rắn sinh hoạt khác nhằm giảm thiểu chất thải phát sinh, tăng cường thu hồi, tái sử dụng, tái chế chất thải. Các địa phương cần từng bước thực hiện thu giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt được tính dựa trên khối lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh và đã được phân loại theo quy định nhằm thúc đẩy người dân giảm thiểu lượng chất thải phát sinh, đồng thời khuyến khích người dân phân loại tại nguồn theo quy định. Bên cạnh đó, cần tổ chức triển khai quy định yêu cầu tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu sản phẩm, bao bì thuộc danh mục quy định phải tái chế theo tỷ lệ và quy cách tái chế bắt buộc; hướng dẫn thực hiện trách nhiệm tái chế sản phẩm, bao bì của tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu các sản phẩm, bao bì theo quy định. Việc triển khai nội dung này sẽ làm tăng hiệu quả tái chế chất thải, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, góp phần xây dựng nền kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam.
Bộ TN&MT cho rằng, cần thúc đẩy các chính sách hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp, người dân đầu tư, sản xuất, sử dụng các loại vật liệu thân thiện với môi trường thay thế cho các bao bì, sản phẩm khó phân hủy. Triển khai chính sách ưu đãi, miễn, giảm thuế đối với các sản phẩm, vật liệu thân thiện môi trường thay thế cho sản phẩm nhựa sử dụng một lần, túi ni lông khó phân hủy và vật liệu có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động thu, nộp thuế bảo vệ môi trường và chống gian lận thương mại để bảo hộ các sản phẩm đã được công nhận túi ni lông thân thiện với môi trường. Đồng thời, Bộ TN&MT đôn đốc các địa phương triển khai các chính sách hạn chế và tiến tới chấm dứt việc nhập khẩu, sản xuất và cung cấp các loại túi ni lông khó phân huỷ kể từ năm 2026 tại các Trung tâm thương mại, siêu thị phục vụ cho mục đích sinh hoạt; tuyên truyền, vận động và tổ chức ký cam kết chống rác thải nhựa, không sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần đối với các cơ sở sản xuất, các tổ chức phân phối sản phẩm, trung tâm thương mại, cửa hàng, nhà hàng, chợ, siêu thị; xây dựng và tổ chức thực hiện các mô hình điểm thực hiện hạn chế sử dụng túi khó phân hủy, chuyển từ việc sử dụng túi ni lông sang các loại túi giấy và bao gói khác; thúc đẩy thị trường tiêu thụ túi thân thiện với môi trường; kiểm soát chặt chẽ các hoạt động sản xuất túi ni lông khó phân hủy trên địa bàn, đặc biệt là nhóm sản xuất quy mô hộ gia đình. Bộ tiếp tục tổ chức thực hiện có hiệu quả Quyết định số 491/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, trong đó có ứng dụng các công nghệ xử lý chất thải rắn tiên tiến, thân thiện môi trường; lựa chọn các công nghệ xử lý chất thải rắn kết hợp với thu hồi năng lượng; giảm thiểu và có lộ trình chấm dứt sử dụng túi ni lông khó phân hủy; đẩy nhanh tiến độ ban hành Đề án tăng cường năng lực quản lý chất thải rắn sinh hoạt tại Việt Nam; tổ chức, triển khai thực hiện Chỉ thị về một số giải pháp cấp bách tăng cường công tác quản lý chất thải rắn của Thủ tướng Chính phủ. Việc triển khai Đề án, Chỉ thị nêu trên sẽ bao gồm các giải pháp tổng thể, toàn diện để tăng cường công tác quản lý chất thải rắn tại Việt Nam cũng như thúc đẩy triển khai công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt tiên tiến, thân thiện môi trường, xử lý chất thải rắn kết hợp với thu hồi năng lượng đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường tại các tỉnh, thành phố trên cả nước. Ngoài ra, các hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức về tác hại của các sản phẩm có nguồn gốc từ nhựa, túi ni lông sử dụng một lần đối với môi trường, hệ sinh thái và sức khoẻ con người; thường xuyên phát động các phong trào phòng chống rác thải nhựa sẽ được đẩy mạnh. Trên bình diện quốc tế, Bộ TN&MT tiếp tục tham gia và đề xuất các cơ chế hợp tác toàn cầu và khu vực về giảm rác thải nhựa tại Hội nghị Thượng đỉnh G7, Diễn đàn Kinh tế Thế giới và các thỏa thuận quốc tế, diễn đàn khu vực về giảm rác thải nhựa. Tăng cường phối hợp với các tổ chức quốc tế song phương, đa phương và các đối tác khác nhằm triển khai các dự án về quản lý chất thải, chất thải nhựa tại Việt Nam.