Cụ thể, Bộ Tài chính vừa hoàn thiện dự thảo Nghị định quy định phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản, thay thế Nghị định số 164/2016/NĐ-CP. Mục tiêu nhằm khắc phục những hạn chế của chính sách hiện hành về phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản; bảo đảm thống nhất, tạo thuận lợi trong việc thực hiện phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản.
Theo đó, tại dự thảo nghị định mới, mức phí bảo vệ môi trường được tính căn cứ vào khối lượng chất thải ra môi trường và mức độ ô nhiễm trong quá trình khai thác khoáng sản gây ra. Đồng thời, bảo đảm việc khai thác khoáng sản được tiết kiệm, hiệu quả, tránh lãng phí tài nguyên và khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư, áp dụng công nghệ kỹ thuật tiên tiến.
Dự thảo Nghị định cũng quy định, để hạn chế khai thác manh mún, nhỏ lẻ, kém hiệu quả; khuyến khích sử dụng vật liệu khác thay thế khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường; bảo đảm cho địa phương linh hoạt trong điều chỉnh mức thu phí, hạn chế ảnh hưởng đến giá vật liệu xây dựng, ảnh hưởng đến thực hiện các dự án đầu tư hạ tầng; Bộ Tài chính trình Chính phủ điều chỉnh tăng khung mức phí đối với khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường theo hướng, tăng 150% mức phí tối thiểu và mức phí tối đa tại Nghị định số 164/2016/NĐ-CP.
Hiện phí bảo vệ môi trường đối với khai thác sỏi, cuội, sạn, cát, đất sét, đá làm vật liệu xây dựng thông thường còn thấp, chưa khuyến khích sử dụng vật liệu khác thay thế. Chỉ tính từ năm 2016 đến nay, giá tối đa tính thuế tài nguyên đối với cát đen tăng 100%, thì mức phí nêu trên đến nay không còn phù hợp.
Trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tài chính rà soát tổng thể chính sách tài chính về khoáng sản (gồm chính sách phí) đề xuất điều chỉnh chính sách tài chính phù hợp với thực tế, khuyến khích sử dụng vật liệu khác thay thế cát, sỏi lòng sông.
BBT (Nguồn: Cổng TTĐT Bộ TN&MT)