Nhiều bãi rác gây ô nhiễm
Kon Tum là một tỉnh miền núi nằm ở khu vực Bắc Tây Nguyên, những năm gần đây, cùng với sự phát triển của kinh tế - xã hội, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, mức sống của người dân trên địa bàn ngày càng được nâng cao, tốc độ phát sinh lượng rác thải sinh hoạt cũng gia tăng nhanh về thành phần và số lượng.
Theo Sở TN&MT Kon Tum, lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trên địa bàn tỉnh hiện nay vào khoảng 212 tấn/ngày. Tuy vậy, tỷ lệ thu gom chỉ đạt khoảng 75% ở khu vực đô thị và 55% ở khu vực nông thôn. Một số khu vực chưa có đội thu gom hoặc thu gom chưa thường xuyên dẫn đến rác thải gây ô nhiễm môi trường cục bộ và làm ảnh hưởng đến mỹ quan khu vực.
Tại khu vực nông thôn vẫn chưa có đơn vị thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt. Thêm vào đó, hầu hết, chất thải rắn sinh hoạt chưa được phân loại, xử lý tại nguồn mà được thu gom lẫn lộn, rồi vận chuyển đến bãi xử lý tập trung. Trong khi đó, hầu hết, khu xử lý chất thải không được đầu tư bài bản.
Ngoài 5 dự án đã và đang đầu tư xây dựng gồm: Nhà máy xử lý rác thải thành phố Kon Tum, bãi rác huyện Đắk Tô, Tu Mơ Rông, Kon Plông và Đắk Hà, các bãi còn lại chỉ tập trung rác, đốt thủ công hoặc tự phân hủy. Các công trình này hiện nay đã hư hỏng, quá tải, xuống cấp, không đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường.
Toàn tỉnh Kon Tum có 9/10 huyện, thành phố có bãi xử lý chất thải rắn tập trung, đã có 5 bãi rác thuộc đối tượng gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, gồm: Bãi rác huyện Sa Thầy, Kon Rẫy, Ngọc Hồi, Đắk Glei và Đắk Tô. Nguyên nhân là do không có nguồn vốn đầu tư cải tạo, xây mới, quy mô nhỏ chưa đáp ứng nhu cầu xử lý…
Triển khai các giải pháp
Thực tế, công tác quản lý chất thải trên địa bàn tỉnh Kon Tum còn nhiều bất cập. Kinh phí đầu tư việc xử lý chất thải còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường trong xử lý chất thải rắn sinh hoạt, khu công nghiệp. Đa số cơ sở hạ tầng về xử lý rác thải chưa đảm bảo theo quy định. Sự phối hợp giữa các ngành, các địa phương thiếu chặt chẽ.
Theo ông Huỳnh Thúc Viên - Chi Cục trưởng Chi cục Bảo vệ Môi trường tỉnh Kon Tum, nguyên nhân gây ra những khó khăn trong công tác quản lý chất thải tại Kon Tum có thể kể đến như: Công tác xã hội hóa đầu tư cho xử lý chất thải rắn còn hạn chế; thiếu nguồn vốn đầu tư cho công trình xử lý rác thải; mức thu phí vệ sinh môi trường còn thấp nên chưa khuyến khích được doanh nghiệp tham gia đầu tư.
Ngoài ra, công nghệ xử lý rác thải hiện tại chủ yếu là chôn lấp, sử dụng diện tích đất lớn gây lãng phí tài nguyên, khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng; một số bãi chôn lấp thực hiện đốt thủ công gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Cán bộ chuyên môn làm công tác quản lý chất thải còn thiếu, chưa đáp ứng yêu cầu quản lý.
Do đó, để nâng cao hiệu quả công tác quản lý chất thải trên địa bàn tỉnh Kon Tum, thời gian tới, ông Huỳnh Thúc Viên cho biết: Bên cạnh việc tăng cường hoạt động truyền thông về thu gom rác thải, bảo vệ môi trường, khuyến khích các hoạt động phân loại rác thải tại nguồn thì cần quản lý chặt chẽ quy hoạch chất thải rắn sinh hoạt của tỉnh. Đồng thời, xây dựng cơ chế phối hợp giữa các Sở, ngành, địa phương trong quản lý, xử lý chất thải rắn trên địa bàn.
BBT (Nguồn: Báo TN&MT)
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn